Dân Luật xin đưa tin về việc sinh viên Luật chất vấn đại biểu Quốc hội:
Sinh viên Luật: Đại biểu cho biết văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất của nước ta là gì?
Đại biểu ĐNB: Đó là Hiến pháp, điều này được quy định tại điều 146 Hiến pháp 1992
Sinh viên Luật: Vậy tại sao Nghị quyết 51 lại sửa đổi Hiến pháp 1992?
Đại biểu ĐNB: Quốc hội được ban hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết nên Nghị quyết có thể sửa đổi Hiến pháp (vì chúng cùng cơ quan ban hành).
Sinh viên Luật: Nếu vậy thì Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội có giá trị ngang nhau rồi, bởi ngang nhau mới có thể sửa nhau được. Chứ làm gì có chuyện nhỏ mà được quyền sửa lớn.
Đại biểu ĐNB: Không phải thế! Trong trường hợp sửa đổi một nội dung nhỏ thì Quốc hội mới ban hành Nghị quyết, nếu sửa đổi nhiều thì ban hành Hiến pháp mới sửa đổi.
Sinh viên Luật: Bộ luật lao động 1994 bị Luật lao động 2007 sửa đổi duy nhất một điều, tại sao không ban hành Nghị quyết để sửa đổi mà lại ban hành Luật?
Đại biểu ĐNB: Vấn đề này tương đối dài dòng, tôi sẽ trả lời đồng chí sau bằng văn bản.
Sinh viên Luật: Đại biểu cho biết sự khác nhau của Bộ Luật với Luật là gì?
Đại biểu ĐNB: Bộ Luật quy định phạm vi rộng hơn Luật
Sinh viên Luật: Vậy ai có thẩm quyền ban hành Bộ Luật?
Đại biểu ĐNB: Quốc hội sẽ có thẩm quyền ban hành Bộ Luật. Ví dụ: Bộ Luật lao động, Bộ Luật dân sự, Bộ luật Hàng hải… do Quốc hội ban hành.
Sinh viên Luật: Vậy văn bản nào cho rằng Quốc hội được quyền ban hành Bộ luật?
Đại biểu ĐNB: Không có văn bản nào nói đến Quốc hội được quyền ban hành Bộ Luật mà chỉ nói Quốc hội được ban hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết. Bộ Luật được hiểu như Luật nên Quốc hội được ban hành Bộ Luật?
Sinh viên Luật: Nếu gọi Bộ luật như Luật thì phân chia Bộ luật với Luật để làm gì? Đại biểu có thấy sự phân chia như thế mang lại sự rắc rối thêm không?
Đại biểu ĐNB: Chắc chắn là không có gì rắc rối, nó có ý nghĩa riêng của nó. Vấn đề này tương đối dài dòng, tôi sẽ trả lời đồng chí sau bằng văn bản.
Sinh viên Luật: Đại biểu cho biết tại sao tuổi thọ của các văn bản luật nước ta quá ngắn, phải chăng do khả năng dự đoán của nhà làm luật còn thấp?
Đại biểu ĐNB: Pháp luật là điều tĩnh, còn đời sống xã hội là động (luôn vận động và phát triển không ngừng). Trước khi ban hành văn bản Luật nhà lập pháp đã dự đoán sự phát triển của đất nước trong tương lai xa. Tuy nhiên, đời sống xã hội nước nhà phát triển với tốc độ quá nhanh, bởi vậy Luật ban hành ra mau chóng lạc hậu.
Sinh viên Luật: Văn bản pháp luật phải tường minh một nghĩa, dễ hiểu, áp dụng trực tiếp vào đời sống được. Tại sao Luật của Quốc hội ban hành không thể đi vào cuộc sống mà còn phải chờ Nghị định, Thông tư, thậm chí Công văn hướng dẫn? Phải chăng Quốc hội ban hành Luật theo ngôn ngữ nhiều nghĩa, khó hiểu, không áp dụng trực tiếp được.
Đại biều ĐNB: Thật sự vấn đề này là phạm trù khó hiểu và cực kì dài dòng nên tôi sẽ trả lời đồng chí sau bằng văn bản.
Đôi nét về Đại biểu Quốc hội ĐNB
Đại biểu Quốc hội ĐNB sinh năm 1946, tên thật là Đại Ngụy Biện.
Là người có khả năng uyên thâm về xã hội và pháp luật. Mọi vấn đề đều biết và trả lời được, nếu bí thì đại biểu này sẽ trả lời bằng văn bản.
|
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 02/07/2013 11:35:53 SA
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 02/07/2013 10:55:53 SA
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 02/07/2013 10:55:17 SA