Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thay thế cho Nghị định 110/2005/NĐ-CP, theo đó có những điểm nổi bật sau:
1. Thêm những hành vi cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp
1.1. Cấm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau:
(i) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
(ii) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
(iii) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp;
(iv) Hạn chế bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người của người tham gia bán hàng đa cấp;
(v) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận lợi ích kinh tế từ việc dụ dỗ người khác tham gia;
(vi) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
(vii) Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác;
(viii) Yêu cầu người tham gia hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo theo quy định tại Nghị định này phải trả tiền cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó;
(ix) Thu phí cấp, đổi thẻ thành viên;
(x) Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này;
(xi) Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định tại Nghị định này;
(xii) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
(xiii) Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;
(xiv) Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp;
(xv) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác;
(xvi) Yêu cầu, xúi giục người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi bị cấm tại mục 1.2.
1.2 Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi sau:
(i) Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
(ii) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
(iii) Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
(iv) Lôi kéo, dụ dỗ người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;
(v) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
2. Điều kiện về tài chính
2.1 Ký quỹ
Điều kiện ký quỹ để được đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là phải ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng (quy định hiện hành là 1 tỷ đồng).
2.2 Vốn pháp định
Vốn pháp định của doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp là 10 tỷ đồng.
3. Điều kiện để thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp
Người tham gia bán hàng đa cấp phải trải qua khóa đào tạo và chỉ được thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên.
Chỉ những người được cấp Chứng chỉ đào tạo viên theo mẫu của Bộ Công thương mới được đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp.
Như vậy, Quy định mới này sẽ siết chặt hoạt động bán hàng đa cấp hơn hiện hành nhằm góp phần xóa bỏ những tiêu cực tồn tại lâu nay. Nghị định có hiệu lực từ 01/07/2014.