Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhân dân ngày càng quan tâm, chú trọng đến vấn đề sức khỏe, đòi hỏi các cơ quan, ban ngành trong lĩnh vực y tế cần có những kiểm tra gắt gao trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các thực phẩm chế biến
Cụ thể, các cơ sở này phải chuẩn bị các giấy tờ và hoạt động sau:
- Hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đạt ISO, HACCP và tương đương.
- Hồ sơ, tài liệu và chấp hành của chủ cơ sở về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ; người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vận chuyển và bảo quản thực phẩm; hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
- Hồ sơ đối với Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm/ Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
- Nội dung ghi nhãn sản phẩm (nhãn chính, nhãn phụ); nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng; thực hiện việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm; lưu mẫu.
- Thực hiện quảng cáo thực phẩm.
- Hồ sơ liên quan đến thực hiện kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu (đối với cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nhập khẩu).
- Lấy mẫu kiểm nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Việc lấy mẫu kiểm nghiệm thực hiện theo Thông tư 14/2011/TT-BYT.
Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất
Tùy theo quán ăn đường phố thuộc phạm vi quản lý UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã mà số lần kiểm tra định kỳ từ 2 – 4 lần.
Ngoài các đợt kiểm tra định kỳ, sẽ kiểm tra đột xuất khi:
- Có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm; các đợt kiểm tra cao điểm và yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
- Có cảnh báo của tổ chức trong nước và quốc tế liên quan đến an toàn thực phẩm.
- Theo phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến an toàn thực phẩm.
Đó là nội dung tại dự thảo Thông tư quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. (xem chi tiết tại file đính kèm)