Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân.
TP.HCM đình chỉ những nhà trọ không đủ điều kiện PCCC
Theo Cổng Thông tin điện tử UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn TP.
Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình hoạt động của các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với loại hình nêu trên.
Công an TP, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức được giao chủ động xây dựng các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.
Các giải pháp phải đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở, cơ sở dịch vụ cho thuê.
Trước đó, vào ngày 03/6/2024, nhằm thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và PCCC; đồng thời, đề ra các giải pháp khả thi nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương cần đình chỉ hoạt động ngay đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
Trước đó, đã có nhiều vụ cháy lớn trong các dãy nhà trọ, chung cư mini với lối vào chật hẹp hay không trang bị đủ các thiết bị PCCC cũng như không đáp ứng đủ điều kiện an toàn xây dựng và PCCC.
Vì vậy, sự lo lắng của người dân về vấn đề này là vô cùng cần thiết, theo đó mỗi người dân và gia đình cần trang bị cho mình kiến thức về PCCC và cứu hộ, cứu nạn để ứng phó khi có trường hợp không may xảy ra.
Trang bị những dụng cụ thoát hiểm và các phương tiện phòng cháy tại nhà
1. Bình chữa cháy
Mỗi gia đình cần trang bị ít nhất một bình chữa cháy nhỏ gọn trong nhà, phòng trường hợp những vụ cháy nổ nhỏ có thể tự xử lý trước bằng bình chữa cháy hay ở các cơ sở kinh doanh cần trang bị mỗi tầng ít nhât smootj bình chữa cháy đề phòng tình huống khẩn cấp cần dùng đến. Ngoài ra, việc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ này còn giúp người gặp nạn kéo dài được khoảng thời gian chờ lực lượng PCCC đến.
2. Thang thoát hiểm
Tại nhà riêng hoặc ở các cơ sở kinh doanh, văn phòng làm việc,… cần dự trữ thang thoát hiểm để đề phòng khi tình huống khẩn cấp người gặp nạn phía trong đám cháy có thể sử dụng thang để ra ngoài từ tầng cao.
3. Mặt nạ phòng độc
Mặt nạ phòng độc giúp người bị nạn giảm thiếu được khả năng hít phải khí độc. Các khí độc như CO, CO2 trong khói sẽ thoát ra khi có đám cháy, khi hít phải vài hơi khí độc này, cơ thể người gặp nạn sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái bất tỉnh ngay.
Xem thêm bài viết: Cần ghi nhớ: Cách thoát hiểm khi xảy ra cháy
04 phương pháp chữa cháy cơ bản dành cho hộ gia đình
Theo Bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho hộ gia đình được ban hành bởi Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì có những phương pháp chữa cháy cơ bản dành cho hộ gia đình như sau:
Phương pháp làm lạnh: Là phương pháp phun chất chữa cháy vào đám cháy nhằm hạ nhiệt độ của vùng cháy và bề mặt chất cháy xuống dưới nhiệt độ bắt cháy của chất đó. Chất chữa cháy điển hình theo phương pháp làm lạnh là nước (H2O)
Phương pháp cách ly: Là phương pháp cách ly sự tiếp xúc giữa các yếu tố tạo nên sự cháy (cách ly chất cháy với chất ôxy hoá; cách ly chất cháy với nguồn nhiệt...).
Dùng vật liệu không cháy, lớp chất bọt để ngăn cách ôxy tham gia phản ứng cháy; tạo khoảng cách giữa vùng bị cháy với những công trình xung quanh.
Phương pháp làm giảm nồng độ các chất tham gia phản ứng cháy: Là phương pháp phun chất chữa cháy vào vùng cháy để làm loãng nồng độ hỗn hợp hơi chất cháy xuống dưới nồng độ có khả năng bốc cháy.
Các chất chữa cháy điển hình có thể kể đến như: Khí CO2, N2, các khí trơ khác...
Phương pháp ức chế hoá học: Là phương pháp phun các hóa chất có khả năng ức chế các phản ứng cháy và vùng cháy nhằm làm chậm phản ứng cháy, tiến tới triệt tiêu sự cháy.
Các chất chữa cháy điển hình bao gồm: Các hợp chất thuộc nhóm halogen (CF3BrCl; CF3Br; C3F7H – 1,1,1,2,3,3,3 Heptan flo propan).
Như vậy, theo hướng dẫn của Bộ tài liệu thì hiện hộ gia đình có 04 phương pháp chữa cháy cơ bản.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/24/tai-lieu-tuyen-truyen-pccc-cho-ho-gd.pdf Bộ tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ
Xem thêm bài viết: Hộ gia đình cần phải bảo đảm những điều kiện an toàn nào về PCCC?