Đây là nội dung tại Nghị định về Công tác xã hội đang được dự thảo. Trong đó có hai nội dung nổi bật về chứng chỉ hành nghề công tác xã hội và giấy phép hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Hiện nay, vẫn chưa có khung pháp lý cụ thể dành cho lĩnh vực công tác xã hội, nhất là đối với những người hành nghề này.
Người hành nghề công tác xã hội là một bộ phận trong tổng số những người làm công tác xã hội, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề.
Tại Điều 22 Dự thảo có quy định những Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội đối với người Việt Nam như sau:
1. Văn bằng chuyên môn liên quan đến công tác xã hội được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;
2. Có văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội;
3. Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề công tác xã hội.
4. Đạt kỳ thi sát hạch theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
5. Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn công tác xã hội theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn công tác xã hội; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; không có tiền án, tiền sự liên quan đến xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra tại Điều 66 Dự thảo còn quy định về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập được thành lập theo quy định; cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định hoặc cơ sở được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp
2. Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội phải có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội.
3. Có nhân viên hành nghề công tác xã hội, nhân viên trực tiếp tư vấn và nhân viên chăm sóc người sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2030, người làm công tác xã hội tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội phải có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội.
4. Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng người thì ngoài các điều kiện quy định trên, còn phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực do Chính phủ quy định chi tiết.
Hiện nay Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động cho Cơ sở trợ giúp xã hội, tuy nhiên không có các yêu cầu về chứng chỉ hành nghề.
Hiện nghị định vẫn đang được tiếp tục dự thảo.
Xem chi tiết tại file đính kèm.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 20/11/2020 08:26:22 SA