Những ngày qua, nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia gây tai nạn giao thông gây thiệt hại tài sản thậm chí là dẫn đến chết người. Mới đây vụ tài xế xe Mercedes tông tử vong hai người rồi bỏ chạy nhưng sau đó bị cảnh sát và người dân chặn, giữ lại. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn với tài xế gây tai nạn khiến hai người chết cho thấy anh này vi phạm 0,751 mg/ lít khí thở.
Vấn đề được đặt ra ở đây, khi nào uống rượu, bia gây tai nạn bị xử lý hình sự?
Theo Điều 260 BLHS 2015 quy định hành vi lái xe trong tình trạng sử dụng rượu bia sẽ cấu thành vi phạm hình sự nếu gây hậu quả chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%...
Ngoài ra, theo khoản 4 điều này, người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 điều này (làm chết ba người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên) nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Khó xử lý tội giết người:
Vì theo quy định hành vi được xem là giết người phải có mục đích cố ý tước đoạt mạng sống của người khác (cố ý là dấu hiệu bắt buộc của tội giết người). trường hợp say xỉn lái xe dẫn đến chết người nhưng không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác thì được xem là hậu quả chết người là hậu quả không mong muốn. Vậy tuy có hậu quả là người chết nhưng đó không phải là sự cố ý.
Nếu không gây ra những hậu quả trên hoặc không thuộc trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thì người vi phạm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (phạt tiền đến 18 triệu đồng, xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến sáu tháng).
Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính như sau:
- Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
+ Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe ôtô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến 3 tháng.
+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, người vi phạm sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Người vi phạm còn áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Thực trạng như hiện nay thì hành vi này có nên sửa đổi với mức xử lý nặng hơn? Ý kiến của bạn như thế nào về vấn đề này?
Cập nhật bởi lamkylaw ngày 06/05/2019 09:34:02 SA