Ly hôn ở Việt Nam vẫn luôn là chủ đề nóng và được xã hội quan tâm, đặc biệt là vấn đề nuôi con và giành quyền quyết định các vấn đề của con. Khi không thể thỏa thuận được có thể sẽ dễ dẫn đến kiện tụng
Trong trường hợp sau khi ly hôn mà người vợ giành được quyền nuôi dưỡng con thì có thể thay đổi họ của con sang họ mẹ được hay không?
1. Có bắt buộc con phải đặt họ theo cha ruột?
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 thì có quy định về quyền có họ, tên của công dân Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc sau:
Theo đó, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Đối với họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.
Lưu ý: Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
Do đó, không có quy định bắt buộc trẻ em sinh ra phải theo họ cha mà việc đặt họ, tên con sẽ do thỏa thuận của vợ, chồng khi đặt tên cho con để làm giấy khai sinh.
2. Sau khi ly dị vợ có được thay đổi họ cho con?
Trong trường hợp sau khi ly dị mà người mẹ muốn đổi họ cho con theo họ mình thì phải thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền thay đổi họ của công dân như sau:
Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
- Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại.
- Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi.
- Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ.
- Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con.
- Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình.
- Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi.
- Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ.
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Qua đó, người vợ hoàn toàn được phép thay đổi họ của con từ cha sang mẹ hoặc ngược lại.
3. Điều kiện thay đổi họ cho con
Việc thay đổi họ cho con phải đáp ứng được điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định theo Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:
Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch 2014 phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch 2014 là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Như vậy đối với trường hợp trên, do con chỉ mới 5 tuổi nên việc muốn thay đổi họ cho con thành họ mẹ thì bắt buộc phải có sự đồng ý của chồng cũ và được thể hiện rõ trong tờ khai xin thay đổi hộ tịch và nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây.
Hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi theo quy định tại Điều 27 Luật Hộ tịch 2014