>>> Phân biệt khiếu nại và tố cáo
Mới đây, Chính phủ công bố Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật việc làm, Luật an toàn, vệ sinh lao động về khiếu nại, tố cáo.
Trong đó, hướng dẫn người lao động thực hiện khiếu nại, tố cáo người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cụ thể:
Trình tự khiếu nại
Bước 1: Chuẩn bị căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình
Bước 2: Thực hiện khiếu nại đối với người sử dụng lao động
Bước 3: Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại lần 2 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính
Bước 4: Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 thì khởi kiện vụ án tại Tòa án.
Hình thức khiếu nại
Có 2 hình thức khiếu nại:
- Gửi đơn khiếu nại: cần phải đảm bảo các nội dung sau đây trong đơn khiếu nại:
+ Ngày, tháng, năm khiếu nại
+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại
+ Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại
+ Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại.
+ Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ
- Khiếu nại trực tiếp
Thời hiệu khiếu nại
Khiếu nại lần đầu: 180 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động
Khiếu nại lần hai: 30 ngày kể từ ngày hết hạn khiếu nại lần đầu hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó.
Lưu ý: Nếu người khiếu nại không thực hiện đựơc quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu trên vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Còn đối với tố cáo, trình tự thực hiện như sau:
Thực hiện theo Điều 18, 19, 20, 21, 22, 24, 25, 26, 27, 28, 29 và 30 của Luật Tố cáo
Nếu kết luận của người bị tố cáo có hành vi vi phạm hành chính thì xử phạt vi phạm hành chính.
Hồ sơ giải quyết tố cáo được lập theo Điều 29 Luật tố cáo
Mời các bạn xem chi tiết tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật việc làm, Luật an toàn, vệ sinh lao động về khiếu nại, tố cáo (file đính kèm)