Theo Điều 209 và Khoản 1 Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 209. Sở hữu chung theo phần
1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.
2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
“Điều 218. Định đoạt tài sản chung
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình. […]”
Qua thông tin bạn cung cấp, mảnh đất là tài sản chung theo phần theo quy định như trên. Trong trường hợp không thể xác định được phần sở hữu của từng người thì mỗi người được sở hữu ½ mảnh đất.
Vì vậy, bà H chỉ có quyền sang tên (cho tặng) phần đất thuộc sở hữu của mình cho cháu T.
Đối với phần đất của ông H, khi ông H qua đời và không để lại di chúc thì phần đất này được xem là di sản và được ưu tiên chia cho người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của ông H.
Trong trường hợp của bạn, mình không biết cháu T có phải là cháu gái của ông H không, nếu trường hợp T là cháu gái của ông H thì cháu T là người thừa kế ở hàng thứ hai. Khi tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất cùng đồng ý việc cho tặng di sản của ông H cho cháu T thì có thể làm thủ tục từ chối nhận di sản và cháu T sẽ là người được thừa kế phần di sản của ông H. Trong trường hợp, những người thừa kế hàng thứ nhất chưa qua đời hoặc không từ chối nhận di sản thì cháu T không được nhận phần di sản của ông H.