Sản phẩm hạng 5 sao phải đạt 90 điểm theo Bộ tiêu chí OCOP

Chủ đề   RSS   
  • #599182 27/02/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần


    Sản phẩm hạng 5 sao phải đạt 90 điểm theo Bộ tiêu chí OCOP

    Ngày 24/02/2023 Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định 148/QĐ-TTg năm 2023 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm.
     
    Cụ thể, sản phẩm được phân hạng theo Bộ tiêu chí OCOP (One Commune One Product - OCOP) có tối đa là 100 điểm và chia thành 5 hạng như sau:
     
    san-pham-hang-5-sao-phai-dat-90-diem-theo-bo-tieu-chi-ocop
     
    (1) Phân hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP
     
    - Hạng 5 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm đặc trưng, tiêu chuẩn chất lượng cao và hội tụ điều kiện để xuất khẩu.
     
    - Hạng 4 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, là sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiếp cận thị trường tốt, có tiềm năng nâng cấp lên hạng 5 sao.
     
    - Hạng 3 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến dưới 70 điểm, là sản phẩm có đặc thù, được quản lý và thương mại ổn định, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.
     
    - Hạng 2 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến dưới 50 điểm, sản phẩm được sản xuất, bước đầu hình thành chất lượng cụ thể, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.
     
    - Hạng 1 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm sơ khai, chưa được hình thành trong thương mại, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.
     
    (2) Đối tượng và tiêu chí đánh giá
     
    Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
     
    Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm 06 nhóm sản phẩm: 
     
    - Thực phẩm.
     
    - Đồ uống.
     
    - Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu.
     
    - Hàng thủ công mỹ nghệ.
     
    - Sinh vật cảnh.
     
    - Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 
     
    (Danh mục phân loại sản phẩm tại Phụ lục I).
     
    Bộ tiêu chí của sản phẩm gồm 03 phần:
     
    - Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (40 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.
     
    - Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm.
     
    - Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (35 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.
     
    (Tiêu chí từng nhóm, phân nhóm sản phẩm tại Phụ lục III).
     
    (3) Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
     
    - Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 03 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương.
     
    - Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.
     
    (Chi tiết Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm tại Phụ lục II).
     
    (4) Trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
     
    * UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí sau: 
     
    - Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương.
     
    - Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm.
     
    - Bản sắc/trí tuệ địa phương. 
     
    Căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá, sau đó ban hành Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên.
     
    * Công tác đánh giá tại huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
     
    - Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Hội đồng cấp huyện), Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
     
    - Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
     
    - UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả.
     
    - UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên UBND cấp tỉnh để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
     
    * Công tác đánh giá tại cấp tỉnh:
     
    - Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng cấp tỉnh) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
     
    - Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do cấp huyện đề xuất.
     
    - UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 4 sao, tổ chức công bố kết quả.
     
    - Trường hợp kết quả đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh không đạt 4 sao, Hội đồng cấp tỉnh gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp huyện
     
    - UBND cấp tỉnh chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
     
    * Công tác đánh giá ở cấp trung ương:
     
    - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương (Hội đồng cấp trung ương) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.
     
    - Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do UBND cấp tỉnh đề xuất.
     
    - Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả.
     
    - Trường hợp kết quả đánh giá không đạt 5 sao, Hội đồng cấp trung ương gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp tỉnh:
     
    + Đối với sản phẩm đánh giá không đạt 90 điểm, nhưng trên 70 điểm, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương để ban hành quyết định công nhận đạt 4 sao, cấp Giấy chứng nhận đạt 4 sao hoặc tổ chức đánh giá và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp.
     
    + Đối với sản phẩm được Hội đồng Trung ương đánh giá hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp.
     
    Xem thêm Quyết định 148/QĐ-TTg năm 2023 có hiệu lực kể từ ngày ký thay thế Quyết định 1048/QĐ-TTg năm 2019 và Quyết định 781/QĐ-TTg năm 2020.
     
    611 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (27/02/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #599845   28/02/2023

    Sản phẩm hạng 5 sao phải đạt 90 điểm theo Bộ tiêu chí OCOP

    Cảm ơn bài viết hữu ích của bạn. Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

     
    Báo quản trị |