Hồi còn nhỏ, khi đi học lẫn về nhà, từ cô giáo đến mẹ mình, ai cũng dạy rằng khi gây ra lỗi cho người khác thì mình phải xin lỗi họ, đó là bài học về cách ứng xử với những người xung quanh. Và hầu như ai cũng được học bài học này.
Lớn lên rồi, mới thấy lúc còn nhỏ, thường mình sẽ không gây ra lỗi lớn nên chỉ xin lỗi là đủ, lớn rồi có những lổi mình gây ra không phải chỉ xin lỗi là đủ mà còn phải khắc phục lại hậu quả do mình gây ra. Và có những lỗi lầm mà không thể khắc phục lại được dù bạn có cố gắng đến mức nào, và lúc này trong thâm tâm mình sẽ tồn tại sự day dứt, ân hận…
Sai = xin lỗi + khắc phục hậu quả do mình gây ra (thường là bằng vật chất)
|
Nói xa đến gần, mới đây thôi, trên trang web Bộ Tài Chính và Tổng Cục Thuế có đăng tải các thông tin công bố các doanh nghiệp nợ thuế. Rồi thông tin sẽ xử lý mạnh tay nếu các doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế và không nộp tiền thuế với mục đích răn đe…
Thông tin này được công bố trên khắp cả nước và bao gồm những công ty lớn và nổi tiếng. Rồi vài hôm trước, lại có thông tin cơ quan thuế “bêu” sai thông tin nợ thuế của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng công ty họ là công ty lớn, nổi tiếng, mỗi năm phải nộp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, tại sao lại nợ mấy tiền đồng tiền thuế này được…Rất nhiều khiếu nại từ phía các doanh nghiệp bị bêu tên sai.
Nhận được ý kiến này, phía cơ quan thuế đã có chỉ đạo các cá nhân thừa hành phải kiểm tra, xác minh chính xác thông tin, và phải xin lỗi công khai đến các doanh nghiệp bị bêu sai thông tin.
Việc các doanh nghiệp bị bêu tên sai về việc nợ thuế liệu có ảnh hưởng đến họ không? Xin thưa là có đấy, ảnh hưởng này khá quan trọng đến danh tiếng của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn và nổi tiếng, họ sẽ bị đối tác nghi ngờ về khả năng tài chính, những đối tác chiến lược của họ sẽ bị mất nếu như tồn tại những nghi ngờ, nhất là liên quan đến nợ thuế - nghĩa vụ với Nhà nước.
Việc mất đi đối tác chiến lược vô cùng nguy hiểm, họ sẽ mất đi khả năng được đầu tư và tất nhiên doanh nghiệp sẽ thiệt hại, mất đi một khoản lợi nhuận lớn.
Về phía các khách hàng họ sẽ mất đi niềm tin vào sản phẩm, dịch vụ, bởi lẽ họ sẽ có ấn tượng không tốt với các doanh nghiệp lớn mà vẫn còn nợ thuế, sản phẩm, dịch vụ bán được sao còn thuế, lợi nhuận đi đâu…là những câu hỏi nghi ngờ mà khách hàng đặt ra.
Như vậy, cơ quan thuế làm sai, chỉ xin lỗi là đủ thôi sao?
Đó chỉ là sai sót của cơ quan thuế, và sai sót này có thể bù đắp những mất mát về mặt vật chất cho doanh nghiệp.
Đặt giả sử, trong lĩnh vực hình sự, phía Tòa án phán tội buộc phải tử hình cho phạm nhân, và sau khi tử hình xong, mới phát hiện họ bị oan thì giải quyết như thế nào nhỉ, liệu khoản bù đắp về mặt vật chất cho người thân họ có đủ để chuộc lại việc làm mất đi người thân không?
Thiết nghĩ, với các trường hợp người làm trong cơ quan nhà nước làm sai khi thừa hành công việc cần phải có những chế tài, xử lý nặng để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.