Rút kinh nghiệm đối với vụ án phạm tội “hủy hoại tài sản” ở Đồng Nai phải thực hiện giám đốc thẩm

Chủ đề   RSS   
  • #602624 18/05/2023

    nguyenhoaibao12061999
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:03/08/2022
    Tổng số bài viết (2261)
    Số điểm: 78451
    Cảm ơn: 100
    Được cảm ơn 2016 lần


    Rút kinh nghiệm đối với vụ án phạm tội “hủy hoại tài sản” ở Đồng Nai phải thực hiện giám đốc thẩm

    Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm vụ án Phạm Thị H và đồng phạm, phạm tội “hủy hoại tài sản” ở Đồng Nai, VKSNDTC thấy một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như sau:
     
    rut-kinh-nghiem-doi-voi-vu-an-pham-toi -huy-hoai-ta-san
     
    Tóm tắt nội dung vụ án
     
    (1) Quá trình xảy ra tranh chấp đất đai
     
    Ngày 20/7/2016, bà Cao Thị L nhận chuyển nhượng diện tích đất tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa từ bà Lù Thị S, diện tích đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
     
    Sau đó, bà L ủy quyền cho anh Nguyễn Đức T (con trai bà L) đứng tên trên các hợp đồng mua bán đối với diện tích đất trên.
     
    Cuối năm 2016, anh T đã chuyển nhượng lại cho bà Nguyễn Thị T một phần diện tích đất khoảng hơn 3000m2 với giá 1.300.000.000 đồng/1000m2. Phần đất giáp mặt tiền đường, bà L giữ lại không chuyển nhượng. 
     
    Sau khi đặt cọc 03 lần với tổng số tiền 1.000.000.000 đồng, bà T đà tự phân chia đất thành các lô nhỏ để bán lại. Do bà T chưa thanh toán đủ số tiền như thỏa thuận nên bà Lụa chưa làm hợp đồng chuyển nhượng diện tích nêu trên cho bà T. 
     
    Bà T đã tự làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên, giả chữ ký anh Nguyễn Đức T rồi bán đất cho 30 hộ dân khác nhau, nên đà xảy ra tranh chấp giữa bà L và các hộ dân đà mua đất của bà T.
     
    (2) Giai đoạn phá hoại tài sản trên đất tranh chấp
     
    Khoảng tháng 12/2018, bà L đã dựng 01 căn chòi có diện tích khoảng 2,5m X 3,5m X 2m, vật liệu bằng khung sắt hộp, lợp tôn, bên ngoài quây bạt màu xanh trên phần đất bà L không chuyển nhượng cho bà T trước đó, để trông coi phần đất còn lại. 
     
    Khoảng 8h30 ngày 14/6/2020, Hương, Loan, Nam, Mừng, Hà, Tân, Thơm, Ngân, Sót và Lại Văn V (những người có đất đang tranh chấp với bà L) tập trung tại phần đất đang tranh chấp để xây lại bờ ranh của từng lô đất. 
     
    Tất cả cùng thống nhất xây dựng để xây lại bờ ranh, trong đó, H là người thuê thợ hồ. Do căn chòi của bà L chấn lối đi, không thể đưa vật liệu vào bên trong nên tháo dỡ căn chòi để lấy lối đi.
     
    Sau khi hoàn thành thì mọi người cùng nhau xây lại bờ ranh như đã thống nhất trước đó. Sau khi phát hiện căn chòi của mình bị đập phá, tháo dỡ, bà L đã đến Công an phường Tân Phong trình báo.
     
    (3) Quá trình xét xử vụ án tranh chấp
     
    Tại Bản án hình sự sơ thẩm, TAND thành phố Biên Hòa áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 (áp dụng thêm khoản 2 Điều 51 đối với Hương và Nam), Điều 58 Bộ luật hình sự 2015 xử phạt các bị cáo về tội “hủy hoại tài sản”, trong đó xử phạt Hương 1 năm 02 tháng tù; Nam 01 năm tù; mỗi bị cáo Loan, Thơm, Mừng, Hà 10 tháng tù.
     
    Ngày 08/07/2020, các bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan, người bị hại có đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo.
     
    Tại Bản án hình sự phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và bị hại, tuy nhiên sửa một phần về hình phạt của các bị cáo, theo đó các bị cáo chuyển sang hình phạt tiền, mỗi bị cáo nộp 30.000.000 đồng sung vào công quỹ Nhà nước.
     
    Ngày 25/02/2022, Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm 47/QĐ- VC3-V1 theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại do có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong việc thu thập các tài liệu chứng cứ, định giá tài sản...gây oan sai cho các bị cáo.
     
    Quyết định 38/2022 ngày 5/5/2022 của ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
     
    Những vấn đề cần rút kinh nghiệm từ vụ án 
     
    (1) Về việc xác định người bị hại 
     
    Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định bà Cao Thị L là người bị hại trong vụ án là chưa đủ căn cứ.
     
    Nhận thấy, lời khai của các bị cáo Hương, Loan, Nam thể hiện căn chòi bị phá bỏ được dựng trên phần diện tích 4m X 23m, ở lối đi chung. Phần diện tích này vẫn thuộc quyền sử dụng của anh T do bà T không thực hiện tiếp hợp đồng mua bán đất với anh T. 
     
    Bà L là mẹ anh T, được ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai với các hộ dân, nên việc bà L dựng căn chòi trên phần diện tích đất không tranh chấp với các hộ dân, không ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân.
     
    Căn chòi do bà L bỏ tiền mua vật liệu, thuê thợ dựng lên để trông coi khu đất, nên khi căn chòi bị hủy hoại, không sử dụng được thì việc Tòa án hai cấp xác định bà L là người bị hại là có căn cứ, đúng pháp luật.
     
    (2) về việc xác định tội danh
     
    Tòa án nhân dân cấp cao cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận các bị cáo cố ý hủy hoại tài sản của bà L.
     
    Tuy nhiên, theo sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường thì xung quanh căn chòi là khu vực bãi đất trống, vị trí căn chòi không hoàn toàn cản trở việc vận chuyển vật liệu vào phía trong. 
     
    Tuy nhiên, cột sắt bị bẻ gãy, tấm bạt bị xé rách nát, tấm tôn bị cong vênh, vứt ở nhiều nơi, các đồ vật, vật liệu không còn sử dụng được, đây là hành vi phá bỏ, không phải là tháo dở như các bị cáo khai. Các bị cáo có thể lựa chọn vận chuyển vật liệu qua khu vực bãi đất trống bên cạnh căn chòi để vào phía trong nhưng các bị cáo lại thống nhất việc phá bỏ căn chòi. Như vậy, Tòa án hai cấp kết án các bị cáo về tội “hủy hoại tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.
     
    - Về việc định giá tài sản
     
    TAND cấp cao nhận định Hội đồng định giá không tiến hành xác minh vật liệu cấu thành căn chòi để xác định giá trị thiệt hại, chi căn cứ hóa đơn mua vật tư do bà L cung cấp, không khảo sát giá thị trường, kết quả khám nghiệm hiện trường, chủng loại vật liệu cấu tạo nên căn chòi có khả năng khôi phục lại không...là vi phạm trình tự, thủ tục định giá, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng khi giải quyết vụ án.
     
    Tuy nhiên, Hội đồng định giá tài sản nhận định tài sản bị hư hỏng do bị tháo dỡ, đổ sập hoàn toàn, không sử dụng lại được. 
     
    Hơn nữa, việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại không chỉ căn cứ vào hóa đơn mua bán vật tư (do bà L cung cấp) mà còn qua khảo sát giá tài sản cùng loại trên thị trường tại thời điểm xảy ra vụ án, từ đó xác định giá trị tài sản căn chòi khi bị xâm phạm còn lại 80%, tương đương 8.668.000 đồng là có cơ sở.
     
    - Về thủ tục tố tụng 
     
    Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng như:
     
    + Biên bản khám nghiệm hiện trường không mô tả chi tiết, cụ thể các vật chứng tại hiện trường; Cơ quan điều tra không tiến hành thu giữ vật chứng tại hiện trường làm ảnh hưởng đến việc định giá tài sản bị thiệt hại.
     
    + Cùng một cán bộ điều tra, trong cùng một thời gian, cùng một địa điểm nhưng lại tiến hành các thủ tục tố tụng khác nhau là vi phạm thủ tục tố tụng về lập hồ sơ vụ án, văn bản tố tụng.
     
    + Ngoài ra, Cơ quan điều tra ban hành quyết định khởi tố vụ án vào ngày 26/12/2020 nhưng đến ngày 08/02/2021, VKSND thành phố Biên Hòa mới ban hành quyết định phân công Kiểm sát viên là vi phạm thủ tục tố tụng về chức năng kiểm sát điều tra.
     
    Nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án tuy có một số vi phạm về tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, việc điều tra lại cũng không thay đổi nội dung vụ án.
     
    Lời khai của người bị hại, các bị cáo và những người làm chứng phù hợp với biên bản hiện trường cũng như bản ảnh, sơ đồ hiện trường, các giấy tờ, tài liệu thể hiện việc mua bán đất, vị trí mảnh đất, các giấy tờ định giá tài sản bị hủy hoại, do đó, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội “hủy hoại tài sản”, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và bồi thường thiệt hại cho bà L.
     
    Ngày 19/9/2022, Chánh án TANDTC quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. 
     
    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TANDTC chấp nhận kháng nghị của Chánh án, hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm 35/2022/HS-PT ngày 19/01/2022 của TAND tỉnh Đồng Nai.
     
    Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm, phúc thẩm cần kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án đê yêu cầu khắc phục. 
     
    VKSND cấp cao cần đánh giá chứng cứ phù hợp hơn, mặc dù vụ án có vi phạm nhưng chứng cứ đủ để kết án các bị cáo, việc kháng nghị là chưa cần thiết.
     
    VKSNDTC thông báo để các đơn vị cùng rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong toàn ngành.
     
    Thông báo 94/TB-VKSTC ngày 17/5/2023 tải về
     
    702 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn nguyenhoaibao12061999 vì bài viết hữu ích
    danusa (23/05/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận