Bà của bạn mất mà không để lại di chúc, nên căn cứ vào khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì áp dụng quy định về thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất của bà bạn bao gồm bố, mẹ, vợ và những người con theo điều 650 và 651 Bộ luật Dân sự 2015, mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau.
Gia đình bạn tất cả đã thống nhất mọi người đã ký và có người làm chứng. Việc lập văn bản như ở trên là chưa đúng với quy định của pháp luật. Do đó, việc thực hiện Văn bản khai nhận thừa kế trên có giá trị pháp lý thì gia đình nhà bạn phải thực hiện phân chia di sản thừa kế bằng văn bản theo quy định.
Về mặt hình thức của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: Căn cứ Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với đối tượng tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền trên đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.
Hiện nay, có rất nhiều ý kiến về hiệu lực pháp lý của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, tuy nhiên dựa theo cách hiểu thông dụng nhất thì thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được xem là một thỏa thuận của các thành viên trong gia đình và có giá trị pháp lý đầy đủ như một dạng của hợp đồng dân sự.
Căn cứ theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự như sau: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Theo đó, trong trường hợp thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được lập thành văn bản và ghi nhận các nội dung như thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, quyền sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình thì đây là một giao dịch dân sự được thể hiện dưới dạng văn bản. Trong trường hợp có thỏa thuận về phân chia di sản thừa kế thì đây có thể được xem là một dạng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Căn cứ theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất như sau:
1. Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, trong trường hợp biên bản họp gia đình phân chia đất là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì cần phải đáp ứng điều kiện về hình thức là lập hợp đồng tặng cho tài sản phải có công chứng và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, trong trường hợp biên bản họp phân chia đất đai thì phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực thì biên bản họp đó mới có hiệu lực pháp luật.
Do vậy, nếu nội dung cuộc họp là phân chia đất đai (không phải là phân chia di sản thừa kế), thì phải thực hiện thông qua xác lập các hợp đồng chuyển nhượng, mua bán, tặng cho đất tại văn phòng công chứng công hoặc tư tại quận/huyện nơi có mảnh đất đó.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có giá trị pháp lý như thế nào? Có giá trị pháp lý không? Những người thừa kế có thể để thỏa thuận vấn đề gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về họp mặt những người thừa kế như sau:
Họp mặt những người thừa kế
1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản
Theo đó, Văn bản phân chia đi sản thừa kế chỉ được tiến hành khi có mặt của tất cả những người thừa kế.
Đồng thời, văn bản phân chia di sản thừa kế cần phải được công chứng tại các văn phòng, tổ chức hành nghề công chứng mới đầy đủ hiệu lực pháp luật.
Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có người làm chứng, không được coi là đã được công chứng.
Như vậy, để phân chia đất đai, phân chia di sản thừa kế có hiệu lực pháp luật và tránh xảy ra có tranh chấp không đáng có cần lưu ý những vấn đề như sau:
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần phải đảm bảo có đầy đủ thành viên trong gia đình và nên có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong biên bản họp
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần phải có chữ ký của người làm chứng .
- Sau khi lập xong Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, cần phải thực hiện công chứng ở một văn phòng công chứng uy tín để đảm bảo giá trị pháp lý.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.