Xoay quanh vấn đề Qui trình thanh tra thuế 74/QĐ-TCT ban hành ngày 27 tháng 01 năm 2014.
Như chúng ta thấy rõ việc ban hành qui trình này căn cứ và tham chiếu các văn bản luật như sau:
“Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành;”
Để có được qui trình thanh tra, hướng dẫn thống nhất từ Tổng Cục Thuế đến Cục Thuế, Chi Cục Thuế thực hiện đúng qui định pháp luật theo như mục đích đề ra của QĐ 74.
“I. Mục đích
Chuẩn hoá các nội dung công việc trong hoạt động thanh tra thuế.
Đảm bảo hoạt động thanh tra thuế được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, thống nhất từ Tổng cục Thuế đến Cục Thuế và Chi cục Thuế, đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hoá ngành thuế.
Nâng cao năng lực hoạt động thanh tra thuế, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch trong công tác thanh tra thuế.”
Qui trình hướng dẫn rõ việc xây dựng kế hoạch, duyệt kế hoạch thanh tra năm và điều chỉnh kế hoạch từ cấp Tổng Cục, Cục, Chi Cục, và các trường hợp thanh tra tại trụ sở, công bố quyết định thanh tra, lập biên bản…. một cách rõ ràng và rất cụ thể mang tính hướng dẫn nhất quán cho toàn ngành thuế. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn có những điểm chưa thống nhất trong các văn bản hướng dẫn từ luật đến các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Theo Quyết Định 74, đối với việc công bố kết luận thanh tra đã hướng dẫn rất rõ và cụ thể rằng:
“d) Việc công bố, công khai kết luận thanh tra:
- Lãnh đạo cơ quan Thuế có trách nhiệm tổ chức việc công bố, công khai kết luận thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế cùng với Người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế. Trường hợp cần thiết có thể uỷ quyền cho Trưởng đoàn thanh tra công bố, công khai kết luận thanh tra.
- Việc công bố kết luận thanh tra được lập thành Biên bản theo mẫu số 09/QTTT, phải có chữ ký của Lãnh đạo cơ quan Thuế hoặc Trưởng đoàn thanh tra (trường hợp được uỷ quyền) và Người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế.
đ) Kết luận thanh tra và Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế phải được gửi cho người nộp thuế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp (trường hợp cơ quan thuế cấp trên tiến hành thanh tra).”
Tuy nhiên theo điểm 6đ, Điều 66 của Thông Tư 156/2013/TT-BTC ban hành ngày 06 tháng 11 năm 2013, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản Lý Thuế như sau:
“đ) Công khai kết luận thanh tra phải được thực hiện theo quy định của Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thanh tra.”
Và theo Điều 39 của luật thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010:
Điều 39. Công khai kết luận thanh tra
1. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm:
a) Công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;
b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;
d) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra;
đ) Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và lựa chọn ít nhất một trong các hình thức công khai quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này.
Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có yêu cầu.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc công khai kết luận thanh tra theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, việc công bố kết luận thanh tra sẽ bao gồm vừa công bố tại Doanh Nghiệp, và vừa công bố theo điểm b, c, d của Điều 39 ở trên. Tuy nhiên xét tính hướng dẫn từ Thông Tư 156 đến Luật Thanh Tra thì không có vấn đề gì đề cập, bởi nó thể hiện tính thống nhất từ Thông Tư đến Luật rất rõ ràng, nhưng xét theo qui trình thanh tra quyết định 74/QĐ-TCT thì chưa thực sự thống nhất hướng dẫn quản lý từ trong nội bộ ngành đến ra ngoài DN, từ trong văn bản hướng dẫn thực hiện thanh tra của ngành đến hướng dẫn DN tuân thủ Thông Tư và Luật.
Chúng ta nhìn vào nội dung qui trình thanh tra được tham chiếu, căn cứ từ đâu?
Hiển nhiên chúng ta thấy rõ rằng căn cứ Luật Thanh Tra số 56/2010/QH12 và Luật Quản Lý Thuế số 78/2006/QH11, và hướng dẫn cụ thể Luật Quản Lý Thuế là Thông Tư 156. Vậy theo điểm 6đ tại Điều 66 của Thông Tư 156 hướng dẫn và Quyết Định 74 thì thế nào?
Nếu tuân thủ theo điểm 6đ, Điều 66 của Thông Tư 156/2013/TT-BTC đúng theo Luật Thanh Tra thì thực sự sẽ rất khó cho Doanh Nghiệp. Như chúng ta đã biết một điều khó khăn cho cả Doanh Nghiệp lẫn cơ quan thuế thực hiện thanh tra là ở Điều 75 Luật số 78/2006/QH11 ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2006 về Luật Quản Lý Thuế
Điều 75. Nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế
1. Thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế, đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
2. Không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là người nộp thuế.
3. Tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Để thực hiện phân tích thông tin, dữ liệu liên quan người nộp thuế, để đánh giá việc chấp hành pháp luật cũng như xác minh thu thập chứng cứ, cơ sở rõ ràng, xác định đúng hành vi và không cản trở hoạt động bình thường của DN, thực sự rất khó cho các Bác Thuế nhà ta chỉ trong vỏn vẹn thời gian 30 ngày hoặc tối đa 45 ngày thanh tra đối với cấp Cục, Chi Cục, không quá 70 ngày đối với cấp Tổng Cục Thuế.
“d) Thời hạn thanh tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 (bẩy mươi) ngày làm việc; do Thanh tra Cục thuế, Chi cục Thuế tiến hành không quá 30 (ba mười) ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc.
Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.”
Và giả sử các Bác làm được cũng chưa hẳn chuẩn xác và xác định đúng đắn nhất. Điều này quả rất khó cho các Bác và đau đầu thật sự.
Và chính vì như vậy, khi kết luận thanh tra công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng chưa hẳn chuẩn xác 100%. Và hiển nhiên ai cũng hiểu rằng đứng góc độ quản lý nhà nước, việc công bố như vậy mang tính chất răn đe, nhắc nhở tất cả các Doanh Nghiệp buộc phải tôn trọng luật pháp Việt Nam và thực thi đúng luật, và có tính chất đóng góp cho nước nhà. Tuy nhiên, đứng góc độ Doanh Nghiệp, cũng cần cân nhắc đưa lên bàn cân giữa lợi ích và thiệt hại cho việc công bố những thông tin. Vì khi những thông tin được công bố như vậy, tầm ảnh hưởng của nó rất lớn, tác động trực tiếp đến người dân lao động Việt Nam. Và thực tế là vậy, về hoạt động của Doanh Nghiệp từ khâu kinh doanh, sản xuất, bán hàng đến các đơn vị cung cấp của Doanh Nghiệp cũng sẽ hoang mang lo lắng về việc hợp tác của Doanh nghiệp mình với Doanh Nghiệp được công bố thông tin trên phương tiện đại chúng. Một vài câu hỏi đại loại lo lắng trong đầu họ rằng, liệu các hóa đơn, chi phí đầu vào của DN mình trong tương lai có bị bóc mẽ ra hay không? Vì đứng góc độ quản lý thuế, đơn vị bên kia phải bốc ra, thì đơn vị đầu vào bên đây cũng phải bốc ra để ngân sách không bị tổn thất và cân bằng…..Hoặc mỗi khi DN họ có đợt thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế, những hóa đơn đầu vào liên quan đến DN này bị chất vấn, thì tất nhiên theo quán tính bảo vệ Doanh nghiệp và công ăn việc làm của họ, họ lại quay sang đơn vị mua hàng /bán hàng liên quan những hóa đơn, doanh thu, chi phí đang bị chất vấn. Họ gặng hỏi và với mục đích lôi kéo DN đó vào cuộc để được hỗ trợ hoặc chuyển việc giải quyết phần rắc rối này cho đơn vị mua hàng/bán hàng phải giải quyết, tư vấn cho họ nếu ko thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hai bên, doanh thu cả hai bên sẽ sụt giảm trong tương lai….
Như vậy, người lao động đâu đó ảnh hưởng thực sự về công ăn, việc làm trong tương lai, và trước mắt tác động lớn đến tâm lý người lao động, đến chủ doanh nghiệp. Người lao động sẽ tìm cách chuyển đổi, thay đổi công việc hiện tại của họ, số may mắn thì có công việc ổn định khác, số ko may mắn không kiếm được việc hay có việc nhưng không vượt qua thử thách công việc mới thì lại thất nghiệp, lang thang khắp nơi tìm việc, và với tình hình hiện nay việc tìm kiếm một công việc ổn định để nuôi sống bản thân, gia đình quả là ko dễ. Còn đối với chủ Doanh Nghiệp, thì lo lắng chính sách thuế thay đổi liên tục, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, nhân lực, cơ cấu tổ chức của họ, vậy thì có thể sẽ tác động ảnh hưởng giảm đầu tư vào Việt Nam, không phát huy được hết tinh thần điểm 3, Điều 51, điểm 1 Điều 57 của Hiến Pháp 2013 của nước ta.
Điều 51.
3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.
Điều 57.
-
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động.
Hay như đợt thông tư 219/2013/TT-BTC có hiệu lực, chúng ta cũng thấy rõ ảnh hưởng của việc áp dụng mặt hàng nông lâm, thủy sản. Ban đầu hàng loạt văn bản hướng dẫn khai thuế theo đối tượng, DN kê khai thuế theo hình thức khấu trừ thì các mặt hàng nông lâm thủy sản chưa qua chế biến, hoặc đang ở giai đoạn sơ chế thì ko cần kê khai tính thuế, còn lại sẽ kê khai, thuế suất 5%. Và mãi đến gần nửa năm thì mới có sự thống nhất. Nếu là DN, thì không phải kê khai tính thuế đối với các mặt hàng này, nếu không phải là DN, là Hợp Tác Xã, tổ chức cá thể, cá nhân thì kê khai thuế suất 5%, và các DN sẽ tiến hành lập biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh các trường hợp đã làm theo các hướng dẫn trước đó, trong giai đoạn chưa thống nhất.
Hiểu rằng, các cấp luôn lắng nghe, và có những bước tiến hành, chấn chỉnh kịp thời và hướng dẫn thống nhất để DN dễ dàng hoạt động và các cán bộ thuế dễ dàng quản lý. Tuy nhiên trong các giải pháp, giải quyết vấn đề vẫn luôn tồn đọng một số vấn đề khiếm khuyết trong đó. Giả sử rằng các DN trước kia đã bỏ trốn, hay đã ngưng hoạt động, đã giải thể thì DN biết tìm ai để yêu cầu xuất hóa đơn điều chỉnh, DN biết tìm ai để thu hồi tiền thuế về, trong khi vẫn phải thực thi điều chỉnh đầu ra nếu đã xuất hóa đơn có thuế suất 5%....Về mặt quản lý ngân sách thì buộc phải tuân thủ và tránh tổn thất, nhưng Doanh Nghiệp thì làm sao giải quyết được vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và nguồn tài chính lưu động để đảm bảo hoạt động cho DN, hay như việc xuất hóa đơn điều chỉnh, thì việc kê khai thế nào, còn đối với các DN thì có phát sinh khoản phạt nộp chậm tiền thuế hay không? Ai sẽ chịu tiền phạt này??? DN một lần nữa gánh thêm tổn thất tài chính để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình….Và thiết nghĩ còn rất nhiều vấn đề gút mắc khó tháo gỡ cho DN cũng như các Bác lãnh đạo.
Nhưng cái cốt cuối cùng cũng là người lao động gánh chịu, ko có việc làm, thu nhập thấp, chủ Doanh Nghiệp ko dám mạnh dạn đầu tư nữa, nguồn thu ngân sách giảm, kinh tế ảnh hưởng ở tầm vĩ mô hơn.
Quả thực là rất khó, nhưng với khuôn khổ chuyên mục Thuế và Thanh Tra Thuế, và vài dòng không thể đề cập hết được, nhưng thiết nghĩ cũng cần có một giải pháp tốt hơn và việc thực thi pháp luật có tính thực tiễn hơn, văn bản hướng dẫn thống nhất từ nội bộ lẫn ra ngoài hơn, trong lĩnh vực quản lý thuế của Doanh Nghiệp cũng như song hành luôn trau đồi, nâng cao chất lượng công tác quản lý của các cơ quan, các chuyên viên làm công tác quản lý thuế để cân bằng giữa quản lý thuế, lợi ích, thiệt hại của Doanh Nghiệp và ngân sách quốc gia.