4. Quy định về doanh nghiệp xã hội
- Thứ nhất, chính sách phát triển đối với DNXH
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập DNXH có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
DNXH được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật.
DNXH thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tương ứng với từng loại hình DN và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Nghị định này.
- Thứ hai, về vấn đề tiếp nhận viện trợ, tài trợ của DNXH
Tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Ngoài các khoản viện trợ trên, DNXH còn được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.
Trình tự, thủ tục tiếp nhận các khoản tài trợ bằng tài sản, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam như sau:
+ Việc tiếp nhận tài trợ phải lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau:
i. Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ.
ii. Loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm tài trợ.
iii. Yêu cầu đối với DN tiếp nhận tài trợ, viện trợ .
iv. Họ, tên và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của các bên
+ Trong hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày văn bản tiếp nhận tài trợ được ký kết, DN phải thông báo cho Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh nơi DN có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ, kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.
Trường hợp văn bản tiếp nhận tài trợ có thay đổi, DNXH phải thông báo cho Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh nơi DN có trụ sở chính về những nội dung thay đổi theo trình tự, thủ tục nêu trên.
- Thứ ba, về đăng ký DNXH
DNXH thực hiện đăng ký DN theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng với từng loại hình DN theo quy định Luật doanh nghiệp 2014.
Tên DNXH được đặt theo quy định tại Điều 38, 39, 40, 42 Luật doanh nghiệp 2014 và có thể bồ sung thêm cụm từ “xã hội” vào tên riêng của DN. Cụ thể:
Tên DN:
Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau:
Loại hình doanh nghiệp
|
Tên riêng
|
Tên loại hình doanh nghiệp được viết là:
- “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
- “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần.
- “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh.
- “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
|
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
|
Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, VPĐD, địa điểm kinh doanh của DN. Tên DN phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do DN phát hành.
Những điều cấm trong đặt tên DN:
Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của DN đã đăng ký.
Chú thích tên trùng, tên gây nhầm lẫn:
+ Tên trùng là tên tiếng Việt của DN đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của DN đã đăng ký.
+ Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của DN đã đăng ký:
i. Tên tiếng Việt của DN đề nghị đăng ký được đọc giống như tên DN đã đăng ký.
ii. Tên viết tắt của DN đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của DN đã đăng ký;
iii. Tên bằng tiếng nước ngoài của DN đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của DN đã đăng ký.
iv. Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của DN cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của DN đó.
v. Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của DN cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”.
vi. Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của DN cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của DN đã đăng ký.
vii. Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của DN cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
Các trường hợp quy định tại mục iv, v, vi của khoản này không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký.
Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tên DN bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của DN
Tên DN bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của DN có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Trường hợp DN có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, VPĐD, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do DN phát hành.
Tên viết tắt của DN được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
- Thứ tư, công khai Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của DNXH
DNXH phải thông báo Cam kết thực hiện này cho cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN khi thành lập DN hoặc trong quá trình hoạt động.
Trường hợp nội dung Cam kết có sự thay đổi, DNXH phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về nội dung thay đổi trong hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thay đổi để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.
Kèm theo thông báo phải có Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã được sửa đổi, bổ sung.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin vào hồ sơ DN và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN trong hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Cam kết được lập theo mẫu và phải bao gồm các nội dung sau:
+ Các vấn đề xã hội, môi trường, phương thức mà DN dự định thực hiện nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đó,
+ Thời hạn thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.
+ Mức tỷ lệ % lợi nhuận giữ lại hằng năm được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.
+ Nguyên tắc và phương thức sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân, nguyên tắc và phương thức xử lý các khoản viện trợ, tài trợ còn dư khi DN giải thể hoặc chuyển đổi thành DN thông thường (nếu có).
+ Họ, tên, chữ ký của chủ DNTN với DNTN, thành viên hợp danh với công ty hợp danh, thành viên, cổ đông là cá nhân, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông là tổ chức đối với công ty TNHH và CTCP.
Quyết định của HĐTV, Đại hội đồng cổ đông về thay đổi nội dung Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường phải được thông qua theo tỷ lệ biểu quyết quy định sau đối với DNXH là công ty TNHH và CTCP:
+ Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty (với công ty TNHH).
+ Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành (với CTCP).
- Thứ năm, về chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường của DNXH
DNXH chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong các trường hợp sau:
+ Hết thời hạn Cam kết.
+ Vấn đề xã hội, môi trường trong Cam kết đã thay đổi hoặc không còn nữa.
+ Không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ Cam kết và mức lợi nhuận giữ lại tái đầu tư.
+ Trường hợp khác theo quyết định của DN hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Trường hợp chấm dứt Cam kết, toàn bộ số dư tài sản hoặc tài chính còn lại của các khoản viện trợ, tài trợ đã được nhận phải chuyển lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viên trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các DNXH khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự.
DNXH chỉ được chấm dứt nếu vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã xử lý số dư của khoản viện trợ, tài trợ mà DN đã nhận.
Quyết định của HĐTV, Đại hội đồng cổ đông về chấm dứt Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường phải được thông qua theo tỷ lệ biểu quyết quy định sau đối với DNXH là công ty TNHH và CTCP:
+ Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty (với công ty TNHH).
+ Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành (với CTCP).
DNXH phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh về việc chấm dứt Cam kết trong hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Kèm theo thông báo phải có các tài liệu sau:
+ Quyết định và bản sao biên bản họp của DN hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có), trong đó nêu rõ lý do chấm dứt.
+ Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức liên quan về xử lý số dư tài sản hoặc tài chính đối với nguồn viện trợ, tài trợ mà DNXH đã nhận (nếu có).
Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin vào hồ sơ DN và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN trong hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
- Thứ sáu, về chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành DNXH
Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để đăng ký DNXH sau khi có Quyết định cho phép chuyển đổi thành DNXH bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
DNXH sau khi được đăng ký đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày DNXH được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN.
- Thứ bảy, về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với DNXH
Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập với DNXH được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ DNXH được chi, tác thành các DNXH.
+ Các DN, DNXH hợp nhất thành DNXH.
+ Sáp nhập DN, DNXH vào DNXH.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chia, tách, hợp nhất, sáp nhập với DNXH thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Trường hợp giải thể, số dư tài sản hoặc tài chính còn lại với nguồn tài sản, tài chính mà DNXH đã nhận phải được trả lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ hoặc chuyển cho các DNXH khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể DNXH thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp. Trường hợp DNXH còn số dư tài sản hoặc tài chính với nguồn viện trợ, tài trợ đã nhận thì hồ sơ giải thể phải có Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức liên quan về xử lý số dư tài sản hoặc tài chính với nguồn viện trợ, tài trợ mà DNXH đã nhận.
- Thứ tám, trách nhiệm của chủ DNTN, thành viên, cổ đông DNXH
Chủ DNTN, thành viên, cổ đông DNXH chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình cho tổ chức, cá nhân khác nếu họ có cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường.
Cổ đông đã ký tên trong Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình theo quy định tại Khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp trong thời hạn Cam kết. Cụ thể:
“Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.”
DNXH phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết trong suốt quá trình hoạt động.
Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, DNXH phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ dành riêng cho DNXH.
Đồng thời, chủ DNTN với DNTN, thành viên với công ty hợp danh và công ty TNHH, cổ đông với CTCP đã ký tên trong Cam kết và thành viên HĐQT CTCP chịu trách nhiệm liên đới hoàn lại các ưu đãi, tài trợ đã nhận và bồi thường các thiệt hại phát sinh trong trường hợp DNXH vi phạm khoản này.
- Thứ chín, về công khai hoạt động DNXH
Trường hợp nhận ưu đãi, viện trợ, tài trợ, định kỳ hàng năm DNXH phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh nơi DNXH có trụ sở chính Báo cáo đánh giá tác động xã hội đối với các hoạt động DN đã thực hiện chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Báo cáo được lập theo mẫu và phải có các nội dung sau:
+ Tên, mã số DN.
+ Các khoản ưu đãi, viện trợ hoặc tài trợ đã nhận được.
+ Các hoạt động DN đã thực hiện trong năm, các vấn đề xã hội, môi trường mà DN đã giải quyết.
+ Các lợi ích và tác động xã hội mà DN đã đạt được và các nhóm đối tượng được hưởng lợi tương ứng, nêu rõ các số liệu chứng minh về tác động và lợi ích đã đạt được (nếu có).
Tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh nơi DNXH có trụ sở chính cung cấp các thông tin, bản sao Báo cáo đánh giá tác động xã hội và Văn bản tiếp nhận viện trợ, tài trợ được lưu giữ tại cơ quan đó.
Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
- Thứ mười, về theo dõi, giám sát hoạt động DNXH
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát đối với DNXH có trụ sở chính đặt tại tỉnh, thành phố mình.
Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan đầu mối giúp UBND cấp tỉnh trong việc theo dõi, giám sát với DNXH.
Việc theo dõi, giám sát DNXH thực hiện theo cách thức sau:
+ Yêu cầu DN báo cáo về việc tuân thủ Cam kết trong trường hợp cần thiết.
+ Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra DN theo những nội dung Cam kết.
Theo dõi, giám sát với DNXH thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
+ Yêu cầu báo cáo về việc tuân thủ Cam kết phải được lập bằng văn bản. Trong đó, nêu rõ lý do, nội dung yêu cầu cụ thể, thời hạn và cách thức thực hiện các yêu cầu.
+ Cơ quan nhà nước chỉ được trực tiếp tiến hành kiểm tra DN ít nhất sau 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo yêu cầu kiểm tra cho DN.
+ Trong hạn 05 ngàu làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra DNXH, cơ quan kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả kiểm tra. Báo cáo phải được gửi cho DNXH, UBND cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan thuộc UBND cấp tỉnh.
(Căn cứ Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Nghị định 96/2015/NĐ-CP)
Còn nữa – sẽ tiếp tục cập nhật cho đến khi hoàn thành.