Chánh án ly hôn, cấp dưới xử được không?
Trong thực tế, quyền hạn của một chánh án đối với tòa mà mình lãnh đạo là rất lớn, không chỉ là quyền lực hành chính mà còn cả về mặt chuyên môn nghiệp vụ, đường lối xét xử…
Xung quanh vụ chánh án một tòa án huyện xin ly hôn tại chính tòa mà ông lãnh đạo, nhiều bạn đọc thắc mắc: Luật quy định về thẩm quyền xét xử trong trường hợp này ra sao? Nếu để thẩm phán dưới quyền chánh án giải quyết thì có đảm bảo khách quan?
Cách đây không lâu, ông S., Thẩm phán TAND một TP trực thuộc một tỉnh ở miền Tây, đã được cấp trên bổ nhiệm giữ chức vụ chánh án của tòa này. Được một thời gian, do mâu thuẫn gia đình, ông S. đã nộp đơn xin ly hôn vợ ra chính tòa mà ông đang lãnh đạo (cũng là ở địa phương nơi hai vợ chồng ông sinh sống). Sau khi tòa thụ lý đơn xin ly hôn, cũng chính ông S. là người ký quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ ly hôn của ông.
Đúng luật nhưng cần tế nhị hơn?
Với tư cách là một công dân, chuyện ông S. nộp đơn xin ly hôn tại tòa nơi vợ chồng ông đang sinh sống là đúng quy định tố tụng dân sự. Mặt khác, với tư cách là chánh án của tòa, chuyện ông ký quyết định phân công thẩm phán giải quyết một vụ ly hôn cụ thể cũng đúng chức trách, nhiệm vụ theo luật. Tuy nhiên, vì đây là vụ việc liên quan đến quyền lợi của cá nhân ông S. và vợ ông nên mới gây ra nhiều tranh cãi.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre), đúng là ông S. không làm gì sai quy định nhưng rất dễ gây ức chế cho những đương sự khác trong vụ việc. Tốt nhất là ông S. không nên trực tiếp phân công thẩm phán giải quyết vụ ly hôn của ông mà nên giao cho một phó chánh án phụ trách lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình phân công. Cho dù về nguyên tắc, thẩm phán nào cũng phải xét xử độc lập và tuân theo pháp luật nhưng cách hành xử trên vừa không sai luật, vừa tế nhị hơn, ít nhiều còn thể hiện được tính khách quan, bình đẳng cho các đương sự khác.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng đồng tình rằng trường hợp này chỉ cần khéo léo xử lý trong việc phân công. Vụ ly hôn hoàn toàn có thể giải quyết tại tòa mà người nộp đơn làm chánh án bởi còn có sự giám sát của VKS, của chính các đương sự khác và luật sư của họ (nếu có). Sau đó nếu không đồng ý, VKS còn có quyền kháng nghị, các đương sự khác còn có quyền kháng cáo và còn được cấp phúc thẩm xem xét.
Về vấn đề thuộc cấp xử lãnh đạo, Thẩm phán Hùng ví von: Cũng giống như xử án hành chính, thẩm phán xét xử ông chủ tịch UBND cũng chính là đang xét xử người mà sau này rất có thể sẽ nhận xét hồ sơ của thẩm phán khi tái bổ nhiệm. Áp lực với thẩm phán là có nhưng không vì vậy mà thẩm phán có quyền từ chối xử, cũng như xử sai luật được.
Tòa tỉnh nên rút lên xử lý?
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng ở trường hợp này, tòa án do ông S. lãnh đạo không nên giải quyết vụ ly hôn của ông mà nên chuyển giao lên tòa tỉnh.
Theo luật sư Đức, đây có lẽ là một trong những tình huống đặc biệt nhạy cảm trong tố tụng dân sự khi ông S. vừa là nguyên đơn vừa là chánh án. Trong thực tế, quyền hạn của một chánh án đối với tòa mà mình lãnh đạo, quản lý rất lớn, không chỉ là quyền lực hành chính mà còn cả về mặt chuyên môn nghiệp vụ, đường lối xét xử… Do đó để thật sự đảm bảo tính khách quan và tránh điều ra tiếng vào tạo dư luận không hay thì tòa tỉnh nên lấy vụ việc lên giải quyết sơ thẩm. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 34 BLTTDS (tòa cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện mà tòa cấp tỉnh lấy lên).
Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cũng ủng hộ quan điểm này và dẫn chứng về một vụ ly hôn tại huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) vào tháng 8-2012. Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh đã quyết định rút hồ sơ vụ ly hôn này lên tòa tỉnh để giải quyết, đơn giản chỉ vì chánh án TAND huyện Trảng Bàng là bà con cô cậu ruột với bị đơn.
#e6e6fa; MARGIN: 5px; BORDER-LEFT: black 1px solid; WIDTH: 400px; BORDER-BOTTOM: black 1px solid; BORDER-COLLAPSE: collapse">
Nếu người ly hôn là chánh án tòa tỉnh, tính sao?
Một vấn đề pháp lý khác cũng cần được đặt ra: Nếu thực hiện theo hướng tòa cấp tỉnh rút hồ sơ vụ ly hôn của chánh án tòa cấp huyện lên giải quyết thì trong tình huống đương sự là chánh án tòa cấp tỉnh thì sao? Để tòa cấp huyện nơi vợ chồng chánh án sinh sống hay tòa cấp tỉnh thụ lý, giải quyết sơ thẩm cũng đều nhạy cảm cả, chẳng lẽ để TAND Tối cao rút hồ sơ lên giải quyết sơ thẩm? Hay để tòa ở tỉnh khác thụ lý, giải quyết thay? Những hướng này đều không thể thực hiện được vì vừa trái luật vừa không hợp lý.
Trao đổi, một số chuyên gia cho rằng gặp tình huống đương sự là chánh án tòa cấp tỉnh thì tốt nhất nên để chính tòa cấp tỉnh đó thụ lý, giải quyết sơ thẩm, sau đó Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xem xét lại nếu có kháng cáo, kháng nghị. Lúc này, vai trò giám sát của VKS cấp tỉnh đó, cũng như vai trò xét xử của tòa phúc thẩm sẽ trở nên rất quan trọng.
|
HOÀNG YẾN (PLTP)