Các bạn sinh viên nào đang trên con đường đi tìm công việc phù hợp thì ắt hẳn CV là tấm vé thông hành. Dưới đây là nội dung mình sưu tầm được nhằm hướng dẫn để giúp các bạn hình dung những vấn đề cần có trong CV cũng như cách trình bày làm sao để tạo điểm nhấn cho nhà tuyển dụng nhé!
1. Chuẩn bị dàn ý:
Trước khi viết CV, bạn cần dành thời gian để tự đánh giá bản thân. Hãy viết ra dưới dạng dàn ý những kỹ năng, khả năng, kinh nghiệm làm việc và những hoạt động ngoại khoá của bạn. Công tác này sẽ giúp bạn có thể viết một CV thật suôn sẻ, dễ dàng hơn.
2. Nội dung:
Phần thông tin liên lạc (họ tên, điạ chỉ, điện thoại, email):
- Tránh nêu biệt danh, ghi rõ họ tên và phải ghi in hoa đậm, kích thược lớn hơn so với chữ bình thường.
- Cung cấp đầy đủ - chính xác địa chỉ nơi ở, thường trú và số điện thoại liên lạc (điện thoại bàn và điện thoại di động) (có thể của bố mẹ, hoặc của họ hàng, bạn bè (nếu người đó sẵn lòng nhắn tin cho bạn)
- Nêu ghi cả hai địa chỉ và hai số điện thoại liên lạc tạm thời và cố định nếu bạn hiện đang ở trọ hoặc ở tại ký túc xá và khi tốt nghiệp sẽ chuyển đến một chỗ ở mới).
- Nêu rõ địa chỉ email của bạn. Rất nhiều nhà tuyển dụng hiện nay liên lạc với ứng viên qua email về thông báo hay kết quả tuyển dụng. Lưu ý địa chỉ email bạn nên đặt chính họ tên của bạn, đừng ghi vào hồ sơ những địa chỉ email sử dụng nickname của bạn. Nếu không bạn sẽ mất điểm với nhà tuyển dụng.
- Nêu địa chỉ website của bạn nếu như trang web này thể hiện khả năng, nguyện vọng nghề nghiệp của bạn.
Phần công việc dự tuyển:
- Phần này giúp nhà tuyển dụng biết bạn ứng tuyển vị trí nào để phân loại.
- Nêu thật cụ thể nguyện vọng của bạn khi làm việc ở vị trí đó.
- Không nên viết một cách mơ hồ, chung chung mà hãy nêu mục tiêu công việc theo các câu hỏi gợi ý sau:
+ Bạn muốn làm gì?
+ Bạn muốn làm việc đó với hoặc cho công ty nào?
+ Bạn muốn làm việc ở đâu?
+ Bạn muốn làm ở cấp độ nào?
+ Bạn muốn đạt được gì trong tương lai từ vị trí này?
Học vấn:
- Nêu tên trường, khoa, chuyên ngành, bằng cấp, tên khoá;
- Nêu điểm trung bình học tập;
- Nêu những thành tích học tập, học bổng, khen thưởng (nếu có ghi thật cụ thể chi tiết).
Kinh nghiệm:
Nêu thời gian làm việc, tên công ty, chức vụ, nơi làm việc và miêu tả những công tác - nhiệm vụ của bạn, cần nhấn mạnh những kỹ năng cụ thể và thành quả của bạn trong công việc, dù được trả lương hay tình nguyện như:
- Những bổ trợ cho kỹ năng Anh văn, vi tính, có liên quan đến công việc và chuyên ngành của bạn.
- Những kỹ năng và khả năng quan trọng hay đặc biệt hình thành khi làm công việc đó.
- Kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức Ðoàn, Ðội, các tổ chức hoạt động xã hội.
- Thành tích thể thao (một số nhà tuyển dụng đánh giá cao những ứng viên vừa học tập tốt vừa chơi thể thao tốt).
Kỹ năng:
- Kỹ năng ngoại ngữ:
* Ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Pháp,…
* Khả năng: nghe, nói, đọc, viết, dịch thuật hay giao tiếp thế nào?
- Kỹ năng tin học:
* Tin học văn phòng: A-B, hay sử dụng thành thạo và sáng tạo
* Các phần mềm ứng dụng: thiết kế, photoshop, SPSS,…
* Viết các chương trình ứng dụng: Visual Basic, C++, thiết kế web,…
- Khả năng giải quyết vấn đề. Ví dụ: “Tôi đã tham gia đề tài giải quyết vấn đề nghỉ học của sinh viên. Tôi đã phỏng vấn một số sinh viên để tìm ra nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp để hạn chế sinh viên bỏ học. Kết quả là lượng sinh viên bỏ học đã giảm 20% sau 3 tháng áp dụng”.
- Khả năng giao tiếp - kỹ năng thuyết trình. Hãy liệt kê các dịp phát biểu trước công chúng, các bài thuyết trình ở hội thảo. Ví dụ: “Tôi đã từng được mời phát biểu trong kỳ Đại hội Hội Sinh viên TP.HCM năm 2009”.
- Khả năng trình bày.
- Khả năng quản lý thời gian.
- Khả năng quản lý dự án.
- Một số kỹ năng ngoài, những sở trường đặc biệt, ít người có.
Ngôn ngữ: Ngôn ngữ cần sử dụng súc tích, tránh dài dòng, bóng bẩy hay thái quá,
Sở thích, mối quan tâm: chỉ nên ghi những sở thích hữu ích cho vị trí tuyển dụng, hoặc bạn nên nêu cụ thể sở thích: nghe nhạc gì? Đọc sách gì?...
Người tham khảo: Là người sẵn sàng chứng thực cho bạn về những khả năng tuyệt vời mà bạn có. Người đó phải sẵn sàng tiếp đón đại diện công ty mà bạn ứng tuyển nếu công ty đó có nhu cầu thẩm tra về bạn. Người tham khảo có thể cũng chính là người viết Thư giới thiệu cho bạn. Cần nêu rõ chức vụ, họ tên, nơi công tác, số điện thoại và địa chỉ liên lạc của người tham khảo. Lưu ý: bạn phải xin ý kiến của người giới thiệu trước nhé.
3. Kiểm tra lại:
Nội dung:
Khi đã viết xong, bạn nên xem lại lời văn và kiểm tra lỗi chính tả, nếu có thể bạn nên nhờ bạn bè, người thân xem giúp và chữa lỗi văn phạm, cách hành văn, hoặc nhờ nhân viên tư vấn việc làm nhận xét.
Cách trình bày:
- Trình bày cho dễ đọc. hãy trình bày bản CV sao cho dễ đọc:
* Chỉ viết trên một mặt trang A4, dùng một font chữ thống nhất, khổ chữ 10 đến 14.
* Tránh dùng những kiểu chữ khác thường để gây sự chú ý của người đọc. Nhiều nhà tuyển dụng thẳng tay loại bỏ những hồ sơ sử dụng những kiểu chữ khác thường mang tính chất trang trí. An toàn nhất là sử dụng các kiểu chữ Arial, Tahoma hay Times New Roman.
* Khoảng cách trên dưới, phải trái của giấy A4 (canh lề) là 2 cm; linespace nên 1.5.
* Tránh lạm dụng việc in nghiêng, gạch chân để nhấn mạnh vì sẽ gây rối mắt.
* Không nên viết quá dài và chi chit chữ, mà cần lưu ý việc phân bổ các mục sao cho trọn trang giấy, tránh tình trạng đề mục ở cuối trang và diễn giải lại ở trang khác. Lưu ý: không nên bấm giấy cố định và phải đánh dấu trang để tránh thất lạc.
- Để tạo điểm nhấn, các bạn nên tham khảo một số themes, templates hoặc page border. Tuy nhiên cần chọn những mẫu nhã nhặn, nhẹ nhàng; tránh rườm rà và không phù hợp. Các dòng tiêu đề, tên công ty, chức danh công việc và phần trình bày kinh nghiệm của bạn nên cách nhau một dòng. In đậm những tiêu đề, tên công ty và chức danh công việc. Một tài liệu trình bày luộm thuộm, không bắt mắt sẽ khiến người đọc mất hứng thú.
- Tránh gấp hồ sơ lại tạo nếp và dễ bị rách; các bạn sắp xếp các loại văn bản, giấy tờ theo thứ tự yêu cầu của công ty. Những văn bản, giấy tờ nếu để dọc bị dư thì nên xoay ngang lại, chữ hướng ra ngoài bên phải. Những văn bản, giấy tờ đủ bề rộng hồ sơ thì tập trung canh phía bên trái.
- Nên trình bày học vấn, kinh nghiệm theo thứ tự thời gian. Liệt kê theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ thời gian gần đây nhất. Vì các nhà tuyển dụng mong muốn tìm hiểu về lộ trình bạn gặt hái được những kinh nghiệm đó ở đâu và khi nào.
- Biến đổi bản SYLL theo công việc bạn đang tìm. Mục tiêu của bản SYLL là giúp bạn được nhà tuyển dụng mời tham dự phỏng vấn cho một vị trí công việc cụ thể. Do vậy, hãy liệt kê những hoạt động có liên quan đến công việc đó. Những hoạt động không có liên quan càng ít được đề cập đến thì những hoạt động có liên quan càng có nhiều tác động hơn. Nếu bạn nộp đơn xin việc ở nhiều vị trí khác nhau, mỗi hồ sơ phải được chuẩn bị riêng rẽ, với những ưu tiên khác nhau dành cho từng công việc. Và lưu ý phải kiểm tra lại nội dung có phù hợp với vị trí sẽ gửi hay không.
- Tập trung vào thành tích. Lưu ý: thành tích không chỉ là những giải thưởng cụ thể mà là những gì bạn tích lũy được, làm bạn cảm thấy tự hào và mong muốn người khác biết đến. Nhà tuyển dụng quan tâm chủ yếu đến giá trị mà bạn đã mang lại cho những người chủ trước của bạn. Quan trọng nhất là những kết quả cải thiện mà bạn đã thực hiện được và những lợi ích mà chúng mang lại cho công ty hay bộ phận của bạn, đặc biệt là những lợi ích như tăng doanh thu hay giảm chi phí.
- Sử dụng những động từ miêu tả. Mô tả những kinh nghiệm của bạn với những cụm từ bắt đầu bằng một động từ ở thì quá khứ. Thủ thuật này quan trọng với những hồ sơ viết bằng tiếng Anh. Những dấu gạch đầu dòng và những động từ ở thì quá khứ giúp cho câu văn của bạn sống động và thực hơn.
- Đừng lặp lại từ ngữ ở mỗi đầu câu hoặc dùng từ "tôi", "của tôi". Thay đổi những động từ dùng ở đầu mỗi câu sẽ làm cho bản SYLL sinh động và bớt nhàm chán hơn. Những từ "tôi" và "của tôi" có thể làm cho bạn có vẻ yếu đuối, chưa chín chắn.
Có 4 loại CVs thông dụng:
CV theo trình tự thời gian :
- Ðây là loại CV thông dụng nhất.
- Trong phần kinh nghiệm làm việc, bạn nêu ra từng công việc bạn đã trải qua (nêu rõ công ty, chức vụ, thời gian, nơi làm việc, công việc và trách nhiệm cụ thể).
Ưu điểm: Nhấn mạnh những khả năng cơ bản phục vụ cho công việc mà bạn đang tìm.
Nhược điểm: Nhấn mạnh sự thiếu kinh nghiệm sâu, trực tiếp của bạn trong lĩnh vực mà bạn đang muốn xin việc.
Lời khuyên: Đây là định dạng truyền thống, phù hợp với những người đang theo đuổi một định hướng nghề nghiêp cụ thể. Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhất là bạn đã từng làm việc cho các công ty lớn và nổi tiếng thì đây chính là loại CV thích hợp đối với bạn.
Trong CV theo chức năng, phần kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ được trình bày theo hai phần:
- Công việc và nhiệm vụ
- Tên công ty, chức vụ, thời gian, nơi làm việc
Phần công việc, nhiệm vụ của bạn sẽ được trình bày thành từng mục theo chức năng (ví dụ: quản trị, hành chính, kỹ thuật, đào tạo, .)
Ưu điểm: Cho thấy khả năng dễ dàng học hỏi kỹ năng đối với những người bắt đầu đi làm hoặc chuyển nghề. Mở rộng phạm vi kinh nghiệm không liên quan đến mục tiêu công việc của bạn.
Nhược điểm: Không nói lên được điểm mạnh cá nhân.
Lời khuyên: Định dạng này phù hợp với những người không có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực mình muốn xin. Vì nó nhấn mạnh kỹ năng và thành tựu nên nó hợp với những người đã làm tốt ở một lĩnh vực nào đó. Nếu trong những công việc bạn đã làm bạn đảm nhiệm nhiều chức năng công việc khác nhau, đây là loại CV thích hợp đối với bạn.
Trong CV theo thành quả, có hai phần chính cần chú trọng:
- Khả năng (những kỹ năng, khả năng của bạn).
- Thành quả (phần thành quả này không giống với phần kinh nghiệm làm việc, bạn có thể nêu những gì bạn đã đạt được trong công việc kể cả trong những công việc bán thời gian, thời vụ, trong thời kỳ thực tập, hay trong công tác sinh viên, công tác xã hội mà bạn đã tham gia có liên quan đến công việc bạn dự tuyển).
Nếu bạn là sinh viên không có nhiều kinh nghiệm làm việc hoặc bạn có kinh nghiệm làm việc, có khả năng thực hiện những chức năng công việc khác nhau nhưng công ty của bạn chỉ là công ty nhỏ, đây là CV thích hợp đối với bạn.
Bạn có thể dùng loại CV này thay thế cho đơn xin việc. Muốn vậy, bạn chỉ cần thêm vào phần mở đầu và kết thúc của một thư xin việc. Phần nội dung chính của lá thư xin việc là nội dung của CV thay thế - bản tóm tắt những khả năng và thành quả làm việc của bạn.
Nguồn: Sưu tầm