Việc chi phí của công ty con có được đưa vào hạch toán công ty mẹ hay không phụ thuộc vào công ty con đó là công ty hạch toán phụ thuộc hay độc lập.
Khi kê khai thuế đối với công ty con của công ty hạch toán độc lập hay hạch toán phụ thuộc là do quy định cụ thể của từng công ty.
Hạch toán phục thuộc hay còn gọi là báo sổ thì công ty con chỉ tập hợp chứng từ, cuối tháng gửi về công ty mẹ để kê khai, quyết toán thuế.
Hạch toán độc lập là mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại công ty con được ghi sổ kế toán tại đơn vị, tự kê khai và quyêt toán thuế. Công ty con này có con dấu, mã số thuế ( 13 số).
- Giống nhau:
+ Do công ty mẹ tổ chức bộ máy nhân sự;
+ Vốn kinh doanh của công ty, hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty con là của công ty mẹ sau khi nộp thuế;
+ Hoạt động theo chủ trương, hoặc theo ủy quyền của công ty mẹ;
+ Kê khai thuế GTGT độc lập với công ty mẹ.
- Khác nhau:
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Công ty con phụ thuộc: chuyển số liệu, chứng từ doanh thu, chi phí về công ty mẹ. Công ty mẹ kết hợp số liệu của các công ty con khác cùng công ty và hoạt động của công ty để hạch toán và thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Số liệu trong sổ sách là một phần của sổ sách công ty mẹ. Đơn vị kế toán của công ty mẹ bao gồm bộ phận kế toán các công ty con.
+ Công ty con hạch toán độc lập: xác định chi phí tính thuế và thu nhập tính thuế, chịu tách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không kể liên quân gì đến hiệu quả kinh doanh của công ty cũng như các chi phí khác trong cùng công ty.
Hạch toán đầy đủ sổ sách, báo cáo tài chính… phòng kế toán hay bộ phận kế toán ở công ty con hạch toán độc lập là một đơn vị kế toán theo Luật kế toán.
Như vậy, tùy theo loại hình công ty mà bạn thành lập thì chi phí của công ty con có thể được đưa vào hoạch toán ở công ty mẹ hay không và thực hiện báo cáo tài chính theo quy định tại Điều 191 Luật Doanh nghiệp 2014:
“Điều 191. Báo cáo tài chính của công ty mẹ, công ty con
1. Vào thời điểm kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty mẹ còn phải lập các báo cáo sau đây:
a) Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ theo quy định của pháp luật về kế toán;
b) Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của công ty mẹ và công ty con;
c) Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con.
2. Người chịu trách nhiệm lập báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này chưa được lập và đệ trình các báo cáo đó nếu chưa nhận được đầy đủ báo cáo tài chính của các công ty con.
3. Khi có yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ, người đại diện theo pháp luật của công ty con phải cung cấp các báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết như quy định để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con.
4. Người quản lý công ty mẹ sử dụng các báo cáo đó để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con nếu không có nghi ngờ về việc báo cáo do công ty con lập và đệ trình có thông tin sai lệch, không chính xác hoặc giả mạo.
5. Trong trường hợp người quản lý công ty mẹ đã áp dụng các biện pháp cần thiết trong phạm vi thẩm quyền mà vẫn không nhận được báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết như quy định từ công ty con thì người quản lý công ty mẹ vẫn lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con. Báo cáo có thể gồm hoặc không gồm các thông tin từ công ty con đó, nhưng phải có giải trình cần thiết để tránh hiểu nhầm hoặc hiểu sai lệch.
6. Các báo cáo, tài liệu quyết toán tài chính hằng năm của công ty mẹ, của công ty con và các báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty mẹ. Bản sao của các báo cáo, tài liệu quy định tại khoản này phải có ở các chi nhánh của công ty mẹ trên lãnh thổ Việt Nam.
7. Đối với các công ty con, ngoài các báo cáo, tài liệu theo quy định của pháp luật, còn phải lập báo cáo tổng hợp về mua, bán và các giao dịch khác với công ty mẹ.”