Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin có một số ý kiến tư vấn cho bạn như sau:
Để thỏa mãn yêu cầu của bạn là tham gia góp vốn vào công ty cổ phần tại thời điểm thành lập nhưng không rơi vào trường hợp là người thành lập, tham gia thành lập; tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp - bị cấm theo quy định của pháp luật, theo chúng tôi, cần làm rõ các vấn đề sau:
1. Người thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp:
Pháp luật không quy định người thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp cụ thể là ai, nhưng, căn cứ vào quy định về khái niệm cổ đông sáng lập là người tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần; mặt khác, bản điều lệ đầu tiên cùng với các văn bản, tài liệu khác là thành phần không thể thiếu của hồ sơ thành lập công ty cổ phần, do đó suy ra, người thành lập hoặc tham gia thành lập phải là người cùng tham gia họp bàn, quyết định việc thành lập công ty, ký các văn bản thành lập công ty cổ phần.
2. Người quản lý, điều hành doanh nghiệp:
Khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do Điều lệ công ty quy định.
3. Việc tham gia góp vốn trong công ty cổ phần tại thời điểm thành lập có bị coi là tham gia thành lập doanh nghiệp?
Khoản 1 Điều 84 Luật Doanh nghiệp quy định:
Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Khoản 4, khoản 5 Điều 6 nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định:
“4. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
5. Số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần là số cổ phần mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ phát hành để huy động thêm vốn. Số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký kinh doanh là tổng số cổ phần do cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua tại thời điểm đăng ký kinh doanh và số cổ phần sẽ phát hành thêm trong thời hạn 03 năm, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được ghi tại Điều lệ công ty”.
Như vậy, được hiểu, tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, ngoài các cổ đông sáng lập đăng ký mua cổ phần (không dưới 20% vốn điều lệ) thì có thể có các cổ đông phổ thông khác (không phải là cổ đông sáng lập) đăng ký mua cổ phần của doanh nghiệp mà không được coi là người tham gia thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, xin lưu ý với bạn, trong trường hợp điều lệ công ty bạn tham gia góp vốn mua cổ phần có quy định, cổ đông sở hữu một tỷ lệ cổ phần nào đó sẽ đương nhiên được tham gia bộ máy quản lý của doanh nghiệp (được bầu là thành viên hội đồng quản trị/tổng giám đốc (giám đốc) hoặc các chức danh quản lý khác theo quy định tại điều lệ), bạn cân nhắc số lượng cổ phần mình nắm giữ để từ chối tham gia các vị trí quản lý doanh nghiệp, tránh vi phạm pháp luật.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn sức khỏe, thành công.
Trân trọng./.
Cập nhật bởi daolienluatsu ngày 30/09/2014 02:16:18 CH