Về cơ bản tội cố ý gây thương tích vẫn được cấu tạo dựa vào việc lấy tỷ lệ thương tật làm căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và xác định khung hình phạt. Ngoài ra, nhà làm luật còn quy định một số trường hợp phạm tội mà thực tiễn được xem là làm tăng nặng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Được quy định tại điều 134 BLHS 2015, trong đó khoản 1 quy định cấu thành cơ bản đối với tội danh này, các khoản 2 quy định cấu thành tăng nặng cho người thực hiện hành vi.
Người phạm tội phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ như: đâm, chém, đấm đá, v.v… Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không làm cho nạn nhân bị chết.
Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. so với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không mong muốn nạn nhân chết.
Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khoẻ ở mức đáng kể. Nếu thương tích không đáng kể thì chưa phải là tội phạm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, thì người bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe phải có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 điều này thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ để xác định tỉ lệ thương tật là kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Như vậy dù trên 11% hay dưới 11% thì yêu cầu cơ bản nhất là phải có thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe nạn nhân mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này.
Theo quy định tại khoản 1 điều 134 BLHS 2015, phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Các trường hợp đó cụ thể là:
a)Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên: Được hiểu là dùng các vật nhọn, sắc, có tính sát thương và gây nguy hiểm cao cho nạn nhân hoặc sử dụng các thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người như dùng bom xăng…
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: So với BLHS 1999 thì BLHS 2015 quy định thêm đây một trong các tình tiết tăng nặng TNHS, đặc biệt quy định a-xít sunfuric, tức là một loại a-xít thông dụng và thường được sử dụng trong việc tấn công đối với tội phạm này.
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân: Là hậu quả từ hành vi phạm tội gây ra, cố tật nhẹ là một tật trên cơ thể con người không bao giờ chữa khỏi. Cố tật nhẹ là tật không chữa khỏi, nhưng tỷ lệ thương tích chỉ dưới 11%.
d) Phạm tội 02 lần trở lên: Là trường hợp phạm tội với nhiều lần, cho thấy tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên: Là trường hợp phạm tội với nhiều người, cho thấy tính nguy hiểm của công cụ, thủ đoạn mà đối tượng thực hiện hành vi có khả năng tác động và gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho nhiều người.
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ: Là những đối tượng yếu thế được pháp luật bảo vệ.Tương quan về sức lực cũng như khả năng có thể bị tổn thương nhiều hơn so với người bình thường nếu bị hành vi phạm tội tác động vào
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình: Là những người có quan hệ ruột thịt hoặc nuôi dưỡng, dạy dỗ đối với người thực hiện hành vi. Quy định này đề cao giá trị đạo đức trong xã hội trước hành vi phạm tội.
h) Có tổ chức: Là trường hợp có từ 02 người trở lên, bàn bạc, cấu kết để cùng thực hiện hành vi.
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Là hành vi cố ý gây thương tích của những người có chức vụ, quyền hạn nhưng không liên quan đến công vụ của người đó.
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc: Đây là những đối tượng bị kiểm soát và đang chấp hành án hình sự hoặc hành chính và cần có thái độ tôn trọng pháp luật một cách cao nhất.
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê: Người thuê và người được thuê gây thương tích cho người khác đều được coi là nghiêm trọng hơn trường hợp gây thương tích bình thường, nên người bị hại chỉ bị thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe dưới 11% thì người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.
m) Có tính chất côn đồ: Là thái độ coi thường, bất chấp pháp luật của những người thực hiện hành vi phạm tội.
n) Tái phạm nguy hiểm: Căn cứ theo khoản 2 điều 53 BLHS 2015 để xác định.
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân: Trong trường hợp phạm tội này người phạm tội gây thương tích cho nạn nhân là để cản trở việc thi hành công vụ của họ hoặc vì lý do công vụ của người khác mà gây ra thương tích.
b. Phạm tội theo cấu thành tăng nặng tại khoản 2
Khoản 2 dùng tỉ lệ thương tật để xác định khung hình phạt tăng nặng. Theo đó, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;