1. Ở đây tôi chỉ hỏi ý kiến chuyên môn khách quan về Luật, những vấn đề chủ quan khác nếu không ở trong hoàn cảnh của người khác thì cũng không có tư cách phán xét.
BỘ Y TẾ CÓ QUYỀN RÚT CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y KHÔNG?
Ngày 4/9/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ban hành 1 công văn gây bão trong dư luận khi cho rằng nhân viên y tế nếu tự ý bỏ việc sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề hoặc kỷ luật hành chính. Trong điều kiện đội ngũ bác sĩ đang vắt kiệt sức trên tuyến đầu chống dịch với nguồn hỗ trợ, quan tâm hời hợt và ít ỏi của Bộ Y tế thì công văn đe dọa này được xem là phản cảm và trái luật.
Câu hỏi đặt ra là, Bộ Y tế có thẩm quyền làm chuyện này hay không?
Theo Khoản 1, Điều 29 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì việc thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề chỉ diễn ra trong các trường hợp sau đây:
a) Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;
b) Chứng chỉ hành nghề có nội dung trái pháp luật;
c) Người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 02 năm liên tục;
d) Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh;
đ) Người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp;
e) Người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề;
g) Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này (vi phạm luật hình sự, chấp hành án...).
Như vậy, tự ý bỏ việc không phải thuộc trường hợp tước chứng chỉ hành nghề. Sở dĩ không có chuyện này vì quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh và bác sĩ dựa theo quan hệ hợp đồng lao động. Theo đó, người lao động có quyền đơn phương xin thôi việc (tự ý nghỉ) mà không cần sự đồng ý của người sử dụng lao động, miễn báo trước theo đúng quy định. Kể cả họ là viên chức Luật Viên chức 2019, cũng không kỷ luật hành chính, tước chứng chỉ hành nghề nếu họ xin nghỉ việc và buộc phải giải quyết cho nghỉ việc. Lý do xin nghỉ việc thì vô chừng, kể cả ghi là chán và hết cảm xúc làm việc vì ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm những trái khoáy.
Bổ sung: Trong Văn bản này, ông thứ trưởng sử dụng từ "tước quyền sử dụng CCHN”. Mà tước quyền là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính và cụ thể hóa ở Nghị Định 117/2020. Toàn bộ NĐ 117 không có cho phép tước quyền (1-24 tháng) trong trường hợp nghỉ việc. Do đó, hiểu theo cách nào thì Bộ Y tế cũng không có quyền rút/tước quyền hành nghề của nhân viên y tế.
Như vậy, Bộ Y tế hoàn toàn không thể lấy lý do tự bỏ việc để kỷ luật hay tước (quyền sử dụng) chứng chỉ hành nghề của cán bộ y tế được. Bộ không thể đứng trên pháp luật, hay tùy tiện thay mặt Quốc hội đẻ ra luật mới.