Trường hợp của bạn làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn 1 năm, vì vậy bạn có thể nghỉ việc bất kỳ lúc nào với lý do phải chính đáng, song phải bảo đảm việc báo trước ít nhất 30 ngày. Việc bạn tự ý nghỉ việc khi chưa đủ ít nhất 30 ngày từ ngày nộp đơn là trái với quy định của luật lao động. Theo Điều 43 Bộ luật Lao động 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.
Bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nhưng công ty không được quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội của bạn, Vì thế, trong trường hợp này, khi nghỉ việc, bạn vẫn được chốt sổ và trả sổ bảo hiểm theo quy định Bộ luật lao động 2012 và Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Do vậy, việc công ty không chốt sổ BHXH cho bạn là không đúng với quy định pháp luật. Trong trường hợp này nếu công ty không chốt sổ BHXH cho bạn theo đúng quy định của pháp luật thì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình bạn có thể khiếu nại hành vi sai phạm của công ty. Về mặt nguyên tắc, đơn khiếu nại sẽ được gửi đến chủ thể có hành vi vi phạm để họ xem xét, khắc phục vi phạm. Trường hợp công ty không giải quyết đơn khiếu nại hoặc có giải quyết nhưng không thỏa đáng, bạn có thể khiếu nại đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty đang có trụ sở (Khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội) hoặc khởi kiện trực tiếp ra Tòa án (Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động).
Trong thời gian chờ chốt sổ bạn là người lao động vẫn thực hiện đăng ký tham gia BHXH ở nơi làm việc mới theo số sổ BHXH cũ đã được cấp. Thời gian đã đóng BHXH trước đó được cộng dồn với thời gian tham gia, đóng BHXH sau này để làm căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;