Trước hết xét về trách nhiệm dân sự. Cả hai giao dịch đối với xe ôtô (thế chấp cho ngân hàng và bán cho bà Vân) đều không đăng ký giao dịch bảo đảm. Về mặt hình thức và giả sử cả giao dịch trên đều hợp lệ, thì căn cứ vào Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 chiếc xe ôtô trên vẫn được ưu tiên dùng để thanh toán nợ cho người cho vay bởi giao dịch thế chấp xe ôtô được xác lập trước giao dịch mua bán, tức là việc người vay bán chiếc xe không ảnh hưởng đến quyền lợi của người cho vay thế chấp.
Ngoài ra, tài sản thế chấp (xe ôtô) đã bị hạn chế giao dịch (không được bán, nếu không cho phép) theo đúng quy định tại hợp đồng thế chấp và luật, giao dịch bán xe ôtô cho đã bị xem là vô hiệu.
Như vậy, dù tài sản bảo đảm đã bị người vay tiền bán thì về pháp lý nếu tài sản còn tồn tại (vật chất) thì vẫn được thu hồi để ưu tiên thanh toán nợ cho người nhận thế chấp. Câu hỏi đặt ra là dưới góc độ pháp luật hình sự thì hành vi bán tài sản thế chấp ngân hàng của người vay 700 triệu đồng kia đã cấu thành tội phạm gì?
Căn cứ những chi tiết trong vụ việc này có thể khẳng định, người đêm ô tô thế chấp vay tiền đã thực hiện hành vi của mình bằng lỗi cố ý với động cơ và mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Trước hết, việc giao dịch giữa người thế chấp và người nhận thế chấp xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp.
Tuy nhiên, sau khi đã được người nhận thế chấp cho vay, người thế chấp đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý, thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng hành vi làm lại giấy đăng ký xe nhằm bán xe cho người khác.
Như vậy có cơ sở để khẳng định người vay tiền đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài theo Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản….”.
Để cấu thành tội danh này, phải thỏa mãn những hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Tức là phải có thủ đoạn gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Việc người thế chấp bán xe cho người khác khi chiếc xe vẫn còn thế chấp được xác định là vi phạm thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng vay tài sản.
Nói cách khác hành vi của người thế chấp sử dụng tài sản đã thế chấp vào mục đích bất hợp pháp đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Các hành vi phạm vào tội quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự được quy định là hành vi nhằm “chiếm đoạt” tài sản, nhưng sự chiếm đoạt được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và có đặc trưng khác hoàn toàn với các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể: Việc chuyển giao tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản sang người phạm tội là do tín nhiệm và hoàn toàn ngay thẳng để người được giao tài sản sử dụng (hợp đồng vay, mượn, thuê), bảo quản (hợp đồng trông giữ, bảo quản), vận chuyển (hợp đồng vận chuyển), gia công (hợp đồng gia công, chế biến), sửa chữa (hợp đồng sửa chữa).
Trong trường hợp bạn nêu đã có hành vi gian dối với người bạn đã nhận thế chấp để “bán tài sản bảo đảm” thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, hành vi của người thế chấp còn có thể được tiếp tục xem là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền vay và còn bị truy cứu trách nhiệm thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (lừa người mua xe) theo điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;