Điều kiện Thành lập Công ty ở Việt Nam

Chủ đề   RSS   
  • #394231 29/07/2015

    Điều kiện Thành lập Công ty ở Việt Nam

    1. Phương pháp trực tiếp tuyển công nhân và nhân viên cao cấp điều hành công ty? Nhờ Luật sư hướng dẫn cụ thể nhé !

    2. Thông qua công ty cung cấp nhân lực để tuyển nhân viên thì phải làm cách nào?

    3. Nếu tuyển kỹ sư chuyên môn về ngành điện thì tuyển bằng cách nào?

    4. Tiền lương tối thiểu của một tháng là bao nhiêu? Ở Khu Công nghiệp Thành phố HCM

    5. Tiền lương tối thiểu của một giờ là bao nhiêu?

    6. Công nhân phải nộp bao nhiêu % thuế của mức lương của mình? công ty phải nộp bao nhiêu % thuế? cách tính cụ thể.

    7. Các công ty nước ngoài đầu tư vào việt nam trả lương cho công nhân bao nhiêu? ví dụ như giám đốc điều hành, trưởng phòng phó phòng nhân viên thường?

    8. Các chế độ phúc lợi cần thiết nhất cho công nhân và nhân viên?

    9. Luật lao động việt Nam quy định bao nhiêu tuổi có thể làm việc được? độ tuổi thấp nhất? độ tuổi cao nhất?

    (đối với trẻ em vị thành niên chưa đủ tuổi trưởng thành Nếu bố mẹ đồng ý cho con đi làm thì người lao động có thể làm việc ở độ tuổi nào?)

    phự nữ ở độ tuổi 30~40 có thể tuyển làm nhân viên được không?(vì ở hàn quốc và việt nam khác nhau nên tôi muốn biết rõ thêm)

    10 Nếu chủ và công nhân tranh chấp hay có vấn đề gì xảy ra thì phương pháp ứng phó hợp lý (hợp pháp) có hay không? quy định cụ thể.

     10. Phụ nữ mang thai hay đang nuôi con nhỏ mà vi phạm qui định của công ty thì có thể trừng phạt hay kỷ luật được không?

     

    11. Nội dung liên quan đến việc cho phép người nước ngoài làm việc tai việt nam

    - 1 một lần cho phép người nước ngoài lao động tại việt nam thời hạn bao lâu?

    - Tư cách để cho phép người nước ngoài ở việt nam làm việc là gì?(loại vi sa nào?) và cần những hồ sơ gì?

    - Nếu không xin đăng ký tạm trú tạm vắng thì có bị phạt hay không?

    (Có một số câu hơi vô lý nhưng cần để bổ sung cho công ty tổng nên nhờ các Luật sư tư vấn giúp nhé)

    - Nếu phạt thì phạt hành chính hay như thế nào?

    12. Người Hàn cử sang việt nam làm việc thì nằm trong phạm vi nào của bộ luật lao đông? thời gian được cư trú tối đa là bao lâu?

    Có phải mỗi năm phải gia hạn lưu trú không?

    Mỗi khi gia hạn lưu trú thì tiền trợ cấp thôi việc là bao nhiêu %?

    13. Làm thế nào để gia nhập chi phí điều hành của công đoàn lao động? hay nộp cho công đoàn lao động? công ty hỗ trợ chế độ này như thế nào?

    14) Chủng loại của nghĩ việc có lương? thời gian ra sao?

    nếu ngày nghỉ công nhân hay nhân viên làm việc thì tiền lương được tính theo phương pháp nào?

    15.Thời gian thử việc được trả bao nhiêu % của mức lương? nếu như trong thời gian này làm việc không tốt công nhân bị sa thải thì theo phương pháp và thủ tục và trình tự gi?

    16.Thái độ làm việc không tốt của công nhân hay nhân viên nếu bị sa thải thì phải theo căn cứ gì và trình tự như thế nào ? ví dụ như thông báo hay cảnh cáo v.v 

    Ở mỗi câu trả lời nếu được xin Luật sư trích dẫn Văn bản Luật luôn ạ !

    Nhờ các Luật sư nhiệt tình tư vấn giúp đỡ ạ, xin cám ơn các Luật sư !

     

     
    5915 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #394681   31/07/2015

    daolienluatsu
    daolienluatsu
    Top 75
    Female
    Luật sư địa phương

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:11/11/2012
    Tổng số bài viết (836)
    Số điểm: 4505
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 416 lần


    Chào bạn,

    Vấn đề bạn hỏi khá rộng và liên quan đến nhiều chuyên ngành luật, Luật sư Đào Thị Liên  - Công ty Luật Tiền Phong tư vấn cho bạn lần lượt từng vấn đề như dưới đây: 

    1. Về việc tuyển dụng lao động:

    Doanh nghiệp thực hiện hoạt động thông qua người đại diện theo pháp luật và thông thường là giám đốc doanh nghiệp. Điều 99 Luật Doanh nghiệp quy định, giám đốc công ty có quyền đại diện cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

    Việc tuyển dụng lao động có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung tâm môi giới việc làm/tuyển dụng tùy theo khả năng và nhu cầu của doanh nghiệp.

    Nếu bạn tuyển dụng qua trung tâm tuyển dụng lao động, bạn cần cung cấp danh sách các vị trí tuyển dụng cũng như mô tả cụ thể yêu cầu tuyển dụng. Trên cơ sở hợp đồng dịch vụ ký với doanh nghiệp của bạn, đơn vị dịch vụ tuyển dụng sẽ tuyển người theo tiêu chí và danh sách bên bạn đưa ra và cung cấp danh sách nhân sự này cho công ty của bạn.

    Việc tuyển nhân sự cho từng chức danh chuyên môn nói chung và vị trí kỹ sư điện nói riêgn cũng như vậy, bạn cần đặt ra các tiêu chí tuyển dụng để tự mình tuyển hoặc thông qua đơn vị cung ứng dịch vụ tuyển dụng.

    2. Tiền lương tối thiểu theo quy định hiện hành

    Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động  có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau:

    a) Mức 3.100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

    b) Mức 2.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

    c) Mức 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

    d) Mức 2.150.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

    Các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng I; Huyện Cần Giờ thuộc thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng II, các địa bàn còn lại của thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng IV.

    3. Về tiền lương tối thiểu một giờ

    Luật Lao động quy định tại Điều 104: Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Bạn đối chiếu vùng nơi doanh nghiệp của bạn sử dụng lao động để chia bình quân mức lương tối thiếu cho số giờ làm việc bình thường để xác định mức lương tối thiểu một giờ nhé.

    4. Thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp

    - Thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động trừ lương làm thêm giờ ban đêm là thu nhập bị tính thuế thu nhập cá nhân. Khoản 4 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định: Người lao động được giảm trừ gia cảnh (trước khi chịu thuế) với mức giảm trừ là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), đối với mỗi người phụ thuộc, mức giảm trừ là 3,6 triệu đồng/tháng. Nếu người lao động nào có mức thu nhập cao hơn mức được giảm trừ thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất được quy định tại Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân biểu thuế lũy tiến từng phần như sau:

    Bậc thuế

    Phần thu nhập tính thuế/năm

    (triệu đồng)

    Phần thu nhập tính thuế/tháng

    (triệu đồng)

    Thuế suất (%)

    1

    Đến 60

    Đến 5

    5

    2

    Trên 60 đến 120

    Trên 5 đến 10

    10

    3

    Trên 120 đến 216

    Trên 10 đến 18

    15

    4

    Trên 216 đến 384

    Trên 18 đến 32

    20

    5

    Trên 384 đến 624

    Trên 32 đến 52

    25

    6

    Trên 624 đến 960

    Trên 52 đến 80

    30

    7

    Trên 960

    Trên 80

    35

    - Thuế thu nhập doanh nghiệp được dựa trên căn cứ là thu nhập tính thuế và thuế suất. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.

    Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 quy định về thuế suất như sau: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22% và chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

    Với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.

    Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

    5. Mức lương tối thiểu áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

    Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là đối tượng thực hiện quy định về lương tối thiểu như chúng tôi tư vấn tại mục 2 nêu trên.

    Đối với các vị trí quan trọng trong công ty như giám đốc điều hành hoặc trưởng/phó phòng, doanh nghiệp có quyền tự chủ cân đối trong việc xây dựng quỹ lương cho mình theo từng năm hoặc mỗi 6 tháng.

    6. Chế độ phúc lợi cần thiết cho người lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành

    Căn cứ điều 5 Luật Lao động 2012, người sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động được hưởng các quyền cơ bản sau:

    - Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;

    - Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể (như được tham gia các khóa đào tạo, tham quan, nghỉ mát, hội họp…).

    - Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

    - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;

    - Đình công;

    - Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

    7. Độ tuổi lao động

    Theo Điều 3, Điều 187 Luật Lao động 2012 thì người trong độ tuổi lao động là người có độ tuổi từ đủ 15 trở lên đến 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.

    Luật Lao động cũng cho phép sử dụng người lao động cao tuổi tức là những người nhiều tuổi hơn 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ mà không giới hạn mức tối đa. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi.

    Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

    Pháp luật Việt Nam không hạn chế quyền lao động của phụ nữ độ tuổi 30-40 tuổi.

    8. Giải quyết tranh chấp lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động

    Điều 194 Luật Lao động 2012 quy định: nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động là (i) Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động; (ii) Bảo đảm thực hiện hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật; (iii) Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật; (iv) Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động; (v) Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội và (vi) Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện.

    Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là Hoà giải viên lao động và Toà án nhân dân.

    9. Hình thức xử lý kỷ luật lao động với người lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ

    Điều 123 Luật Lao động quy định: Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

    10. Quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài tại Việt Nam

    Điều 169, Điều 171, 172 Luật Lao động quy định:

    Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

    c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;

    d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

    Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

    Người lao động là công dân nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi làm các thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Chính phủ nước Việt Nam.

    Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm.

    Các trường hợp sau đây không thuộc diện phải xin giấy phép lao động:

    1. Là thành viên góp vốn hoặc là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn.

    2. Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.

    3. Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

    4. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

    5. Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

    6. Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật luật sư.

    7. Theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    8. Là học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng người sử dụng lao động phải báo trước 07 ngày với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

    9. Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ Việt Nam.

    Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động gồm:

    1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động;

    2. Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế. 

    3. Văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài có giá trị trong thời hạn 06 tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

    4. Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật (Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành gồm: giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hoặc quyết định bổ nhiệm có xác định người lao động nước ngoài đó đã làm việc ở vị trí quản lý, giám đốc điều hành hoặc Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người lao động nước ngoài đó đã từng làm việc xác nhận)

    5. Văn bản về việc chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài.

    6. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

    7. Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.

    Trước ít nhất là 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động, thì người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

    11. Về việc cấp thẻ tạm trú cho người lao động nước ngoài

    Người nước ngoài có giấy phép lao động đang làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng được cấp thẻ tạm trú với hồ sơ và thủ tục thực hiện như sau:

    1./ 01 văn bản đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu N5A).Tờ khai thông tin về người nước ngoài đề nghị cấp thẻ tạm trú (mẫu N5B),có dán ảnh (kèm theo 02 ảnh cỡ 2x 3 cm)

    2./ 01 bản photo hộ chiếu, thị thực còn giá trị (mang bản chính để đối chiếu)

    3./ 01 bản sao hoặc bản photo (mang bản chính để đối chiếu) hồ sơ pháp nhân của doanh nghiệp bảo lãnh đề nghị cấp thẻ tạm trú, tùy trường hợp cụ thể nộp giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy phép thành lập VPĐD; Chi nhánh công ty (gồm giấy thông báo hoạt động); Giấy đăng ký mẫu dấu; 01 bản photo giấy phép lao động (mang bản chính để đối chiếu), đối với trường hợp phải có giấy phép lao động.

    4./ Xuất trình giấy tờ chứng minh đã khai báo tạm trú tại công an phường xã, thị trấn nơi người đề nghị cấp thẻ tạm trú.

    Theo Điều 38, Điều 8 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: Thẻ tạm trú được cấp cho người nước ngoài có thời hạn không quá 2 năm. Visa thị thực ký hiệu LĐ – được cấp cho người vào lao động.

    Xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm

    Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:  Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với Người nước ngoài ở lại Việt Nam quá thời hạn được phép; hoặc người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 15 ngày trở xuống mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

    Quy định trên áp dụng cho mọi người nước ngoài khi lưu trú, lao động tại Việt Nam không phân biệt là người Hàn Quốc hay không.

    Khi hết thời hạn giấy phép lao động (hết hạn lưu trú hợp pháp tại Việt Nam cho mục đích làm việc) thì phải tiến hành thủ tục câp lại giấy phép lao động với hồ sơ được quy định tại Điều 14 Nghị định 102/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lao động về lao động nước ngoài như sau:

    -  Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động;

    -  02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

    -  Giấy phép lao động đã được cấp còn thời hạn ít nhất 05 ngày, nhưng không quá 15 ngày, trước ngày giấy phép lao động đã được cấp hết hạn;

    - Giấy chứng nhận sức khỏe;

    - Văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài.

    - Hợp đồng lao động.

    12. Thời gian thử việc và lương trong thời gian thử việc

    Điều 27, 28, 29 Luật Lao động quy định:

    Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần và không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

    Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

    Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận

    13. Sa thải người lao động

    Điều 126 Luật Lao động quy định: sa thải là hình thức kỷ luật lao động chỉ áp dụng trong trường hợp:

    1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

    2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

    3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

    Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

    Trình tự thực hiện việc sa thải:

    Việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải.

    Người sử dụng lao động không được sa thải đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

    Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn bằng văn bản cho tất cả các vấn đề nêu trên, hoặc cần luật sư tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 hoặc 1900 2118 để được trợ giúp.

    Thân chúc bạn và doanh nghiệp sức khỏe, thành công.

    Trân trọng./.

     
    Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn daolienluatsu vì bài viết hữu ích
    soncantho123 (03/08/2015) thhai981990 (05/08/2015)
  • #394821   03/08/2015

    Xin cám ơn Luật sư trước ạ !

     
    Báo quản trị |  

Tư vấn của Luật sư có tính chất tham khảo, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH Tiền Phong

Hotline: 0916162618

Website: www.luattienphong.vn - www.luattienphong.net