Với câu hỏi trên, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
a) Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Khoản 1 Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
Theo thông tin bạn cung cấp, em của bạn do đi ngược chiều nên đã gây tai nạn giao thông và làm chết 1 cô bé, do đó em bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điểm a |Khoản 1 Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, hình phạt mà em bạn phải chịu là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo thông tin trên, em bạn là con thương binh, không phải con liệt sĩ do đó nếu em bạn thực hiện việc bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do mình gây ra thì chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ, do vậy căn cứ vào Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP và Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì em bạn không đủ điều kiện để được hưởng án treo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP.
b) Quy trình xét xử vụ án hình sự:
Theo quy định củaBộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, quy trình giải quyết vụ án Hình sự trải qua các bước cơ bản sau:
1. Khởi tố vụ án hình sự: Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, trong đó các cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Giai đoạn này được bắt đầu từ khi các cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo hoặc tố giác về tội phạm và kết thúc khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Theo thông tin bạn cung cấp, CA giao thông gọi 2 nhà qua làm việc và thông báo đã gửi “biên bản” vụ tai nạn lên VKS, do vậy, VKS sẽ xem xét trong trường hợp này có dấu hiệu tội phạm hay không để tiến hành khởi tố.
2. Điều tra vụ án hình sự: Trong giai đoạn này các cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án. Các hoạt động điều tra vụ án hình sự bao gồm:
- Khởi tố và hỏi cung bị can.
- Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng.
- Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật.
- Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra.
- Giám định và định giá tài sản.
Khi kết thúc điều tra cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm.
3. Xét xử sơ thẩm án hình sự: Giai đoạn xét xử sơ thẩm được bắt đầu từ khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang (Điều 276 Bộ luật Tố tụng Hình sự). Trình tự xét xử tại phiên tòa bao gồm: Khai mạc; xét hỏi; tranh luận trước tòa; nghị án và tuyên án. Quá trình xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục, chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa ra xét xử. Khi kết thúc hội đồng xét xử ra bản án hoặc các quyết định. Khi có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án tiến hành xét xử phúc thẩm.
c) Bồi thường thiệt hại:
Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, cụ thể: phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Những thiệt hại mà bên kia có quyền yêu cầu bạn phải bồi thường:
- Đối với xe bị hư hỏng: Điều 589 Luật dân sự 2015 có quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
+ Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
+ Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
+ Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
- Đối với thiệt hại về tính mạng: Điều 591 BLDS 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Thiệt hại về sức khở bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, nếu bên kia chứng minh được có tổn thất về tinh thần, em bạn còn có thể phải bồi thường cho bên kia tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm là tối đa không quá 50 mức lương cơ sở.
Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 593 BLDS 2015: từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn. Nếu còn thắc mắc hoặc có các trường hợp vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn, các bạn hãy gọi 1900 6280 liên lạc với luật sư để được tư vấn cụ thể hơn nhé.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.