Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động 2012, sửa đổi bổ sung 2015 thì:
“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.
3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”
Và theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: “Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.”
Như vậy, tiền lương là sự thỏa thuận giữa công ty và người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc, khi trả lương công ty phải căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động mà hai bên đã giao kết. Do đó, nếu công ty muốn giảm lương của bạn thì cần phải có sự thỏa thuận và đồng ý của bạn để sửa đổi hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2012 - sửa đổi bổ sung 2015:“ Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung”
Một trong những trường hợp người lao động bị cắt giảm và giảm lương là thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật lao động 2012, sửa đổi bổ sung 2015.
Trường hợp công ty vẫn cắt giảm lương nhằm tăng cổ tức và lợi nhuận và cắt giảm lương người lao động mà không được sự đồng ý của người lao động thì bạn và những người lao động có quyền yêu cầu thỏa thuận lại với công ty về mức tiền lương, khiếu nại lên tổ chức Công đoàn để được giải quyết.
Do đó, nếu công ty muốn giảm lương của người lao động thì cần phải thông bảo trước ít nhất 03 ngày để hai bên tiến hành thỏa thuận sửa đổi lại hợp đồng lao động. Nếu không thỏa thuận được thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Như vậy, việc công ty tự ý giảm lương của người lao động với lý do bạn nêu ở trên là trái quy định pháp luật.
Theo Điều 191 Bộ Luật lao động quy định về Quyền của cán bộ công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động:"Gặp người sử dụng lao động để đối thoại, trao đổi, thương lượng về những vấn đề lao động và sử dụng lao động". Do đó, người lao động có thể nhờ cán bộ Công đoàn cơ sở gặp người có thẩm quyền ở công ty để thương lượng về vấn đề giảm lương của người lao động.
Trường hợp bạn và những người lao động không đồng ý yêu cầu giảm lương của công ty thì có thể làm đơn yêu cần tới Phòng Lao động - thương binh và xã hội để hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được vấn đề thì người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi mà công ty có trụ sở.
Trên đây là nội dung trả lời trường hợp bạn hỏi và hy vọng sẽ có cách giải quyết cho bạn. Nếu bạn có thắc mắc hay vấn đề gì để làm sáng tỏ thì hãy liên lạc trực tiếp với tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.