Trước đây, theo quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định mức tối thiếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc trái phép là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) hoặc dưới 2.000.000đ nếu thuộc các trường hợp khác (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm).
Còn theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì tội đánh bạc quy định tại Điều 321, mức tối thiểu bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 5.000.000đ (năm triệu đồng) hoặc dưới 5.000.000đ nếu thuộc các trường hợp khác (đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự, hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm).
Do đó, việc xác định giá trị tài sản dùng vào việc đánh bạc là vô cùng quan trọng để có thể xác định hành vi đánh bạc có tới mức để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 hướng dẫn về tội đánh bạc và tội gá bạc đã xác định Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu được “trực tiếp tại chiếu bạc”; Tiền hoặc hiện vật thu được trong người các người chơi bạc (con bạc) hoặc tại nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Nguồn thứ nhất: Tiền thu được trực tiếp tại các chiếu bạc. Việc xác định tài sản đánh bạc thu được trực tiếp trên chiếu bạc là tương đối dễ dàng. Đây là tiền nằm trên chiếu bạc được dùng trực tiếp trong việc trao đổi đưa lại cho nhau khi được thua bài.
Nguồn tiền thứ hai: Tiền thu được tại canh bạc cần lưu ý là tiền hoặc hiện vật thu được trên người của “con bạc” hoặc nơi khác xung quanh khu đánh bạc. Việc xác định tài sản đánh bạc thu được từ trong người các con bạc và các nơi khác không hề đơn giản. Trên thực tế, khi công an ập vào bắt bạc ngoài số tiền có trên chiếu bạc họ còn thu giữ cả số tiền trong người các “con bạc”, tiền cũng như hiện vật xung quanh đó. Khi bị bắt, đa phần các “con bạc” nghĩ rằng tất cả số tiền hoặc hiện vật họ bị tịch thu đều được đưa vào tính giá trị của chiếu bạc. Tuy nhiên, để có thể đưa số tiền hoặc hiện vật thu giữ được canh bạc để tính giá trị thì cần phải đưa ra căn cứ khẳng định chắc chắn rằng số tiền hoặc hiện vật đó có được do đánh bạc hoặc sẽ được tiếp tục đưa vào đánh bạc. Nếu không chứng minh được thì phải trả lại tiền hoặc hiện vậy đó cho chủ sở hữu và loại khỏi giá trị tiền đánh bạc. Như vậy, số tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc hoặc tại nơi khác chỉ được đưa vào để tính giá trị tài sản đánh bạc khi chứng minh được số tiền hoặc hiện vật đó đã được hoặc sẽ được đưa vào đánh bạc.
Luật sư: Vũ Văn Toàn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 0978 99 4377
Website: https://myskincare.vn ; https://tplgiabinh.blogspot.com ; Email: luatsuvutoan@gmail.com.