Theo Điều 2 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP thì chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng nhận dạng người được cấp chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rằng công dân không được sử dụng CMND đã hết thời hạn sử dụng. Việc xác định tính hợp lệ của CMND hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng điều kiện để CMND được coi là hợp lệ là CMND đó phải còn thời hạn sử dụng, tính từ ngày cấp, đổi, cấp lại. Quan điểm khác thì cho rằng do hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định không được sử dụng CMND hết thời hạn sử dụng nên nếu như CMND vẫn còn khả năng nhận dạng thì CMND đó vẫn được coi là hợp lệ. Thực tế khi thực hiện các giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân vẫn sử dụng CMND hết thời hạn sử dụng làm giấy tờ tùy thân như đi công chứng hợp đồng, giao dịch, gửi tiền tại ngân hàng, đi tàu xe, hay tham gia tố tụng tại tòa, ngay cả khi bị cơ quan công an kiểm tra giấy tờ tùy thân khi vi phạm giao thông nếu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân là CMND hết hạn sử dụng thì vẫn được chấp nhận.
Như vậy, vấn đề CMND hết hạn có được chấp nhận hay có ảnh hưởng đến hiệu lực của các giao dịch hay không thì vẫn còn tùy vào các cơ quan, tổ chức liên quan. Nếu cơ quan Bảo hiểm xã hội mà bạn giao dịch không chấp nhận chứng minh nhân dân hết hạn thì đó là do quy định của cơ quan đó, bạn phải tuân theo quy định đó. Tuy nhiên trường hợp của bạn nên đổi lại căn cước công dân mới thì phù hợp hơn.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;