Căn cứ Khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo 2011 quy định về nghĩa vụ của người tố cáo như sau:
"2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;
b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;
d) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, nếu có hành vi tố cáo sai sự thật thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà bị xử lý theo các hình thức khác nhau, và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Bạn bị mẹ vợ cũ tố cáo việc bạn vi phạm đạo đức nhưng bà không có bằng chứng nào để chứng minh nội dung tố cáo. Khi các thủ trưởng cơ quan thanh tra và kiểm tra của đơn vị bạn làm việc và trả lời về việc tố cáo không có căn cứ đó, bà tiếp tục gửi đơn tố cáo lên các cấp trên và tố cáo cả các thủ trưởng cơ quan của mình. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn yêu cầu người thực hiện hành vi chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu bà mẹ vợ cũ không cấm dứt thì bạn và những người bị tố cáo có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan công an cấp huyện nơi người tố cáo cư trú để xử lý hành vi vi phạm trong trường hợp này. Nếu việc cố ý tố cáo sai sự thật mà gây thiệt hại cho gia đình bạn thì phải bồi thường theo quy định tại Khoản 1 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định
Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Luật sư: Nguyễn Thanh Tùng; Điện thoại: 0913586658
Văn phòng luật sự Phạm Hồng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội;
Email: luatsuthanhtung@gmail.com;