Luật bây giờ mênh mông lắm bạn ạ, mình nghĩ tinh thần chung là cần thiết hiểu biết về pháp luật (có thể tự tìm hiểu hoặc thuê các Luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý), nhưng biết luật để làm đúng thì chưa đủ, cũng có thể biết thừa nhưng không hiệu quả.
Để chuẩn bị hoạt động sản xuất - kinh doanh (hai lĩnh vực này thường đi chung với nhau, nếu chỉ sản xuất không thì hiểu cơ sở của bạn đang nhận gia công một công đoạn sản phẩm nào đấy thôi). Mình chỉ nêu Luật thôi nhé, các Nghị định, Thông tư và hướng dẫn dưới luật cấp tỉnh thì bạn tìm hiểu thêm tại các website như vbpl.vn, thuvienphapluat.vn,...
- Chuẩn bị mặt bằng, xây dựng nhà xưởng: Luật Đất đai, Luật Xây dựng.
- Đăng ký kinh doanh: Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại.
- Thuê mướn lao động: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm.
- Xuyên suốt quá trình hoạt động: Luật Thuế.
- Hoạt động sản xuất (lương thực, thực phẩm, nước uống,...các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng sản phẩm): Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường.
- Hoạt động sản xuất có liên quan đến hóa chất: Luật Hóa chất.
- Hoạt động sản xuất thuộc lĩnh vực có điều kiện, tùy thuộc vào điều kiện mà tìm hiểu thêm các luật có liên quan.
- Nếu tìm hiểu các luật và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật như đã nêu ở trên xong rồi mà vẫn chưa xong thủ tục đất đai thì xem xét lại có nên tiếp tục hay không, còn nếu đã đưa vào hoạt động thì bạn tìm hiểu thêm Luật Phá sản nhé ^_^. Nói vui thôi, nếu tìm hiểu luật như vậy thì nhiều thật, không xem hết được đâu.
Quan trọng, là bạn chỉ cần hiểu biết cơ bản các quy định về 4 lĩnh vực: Lao động - để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Thuế - để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của người dân, Vệ sinh an toàn thực phẩm - để giữ đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ cho bản thân và những người liên quan, các Văn bản liên quan đến loại hình hoạt động sản xuất của cơ sở. Còn lại những cái khác, các biên bản kiểm tra định kỳ, các quyết định xử lý vi phạm hành chính sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm trong quá trình hoạt động.
Chúc bạn thành công.