Người ra nước ngoài du học có được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự không? Hồ sơ xin tạm hoãn nghĩa vụ đối với trường hợp này như thế nào? Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt ra sao? Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc nêu trên.
(1) Ra nước ngoài du học có được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự không?
Căn cứ theo Điểm g Khoản 1 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được bổ sung bởi Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về những trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự như sau:
“g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.”
Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, đang được đào tạo trình độ đại học hoặc trình độ cao đẳng theo quy định thuộc một trong những trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự mà không phân biệt cơ sở đào tạo trong nước hay ở nước ngoài. Theo đó, khi ra nước ngoài du học thì sẽ được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.
(2) Hồ sơ hoãn NVQS khi ra nước ngoài du học như thế nào?
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về những giấy tờ, thủ tục mà người thuộc diện được hoãn nghĩa vụ quân sự phải chuẩn bị. Tuy nhiên, tại Điều 42 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định như sau:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ đối với công dân quy định tại Điều 41 của Luật này.”
Theo đó, trường hợp ra nước ngoài du học thì công dân cần làm đơn xin tạm hoãn và nộp kèm theo đơn là giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ (tại trường hợp này có thể là giấy báo nhập học hay xác nhận của nhà trường) và nộp cho Chủ tịch UBND cấp huyện để được xét duyệt.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/24/mau-don-xin-hoan-mien-nghia-vu-quan-su-tvpl.docx Mẫu Đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự
(3) Người trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với người có hành vi trốn nghĩa vụ quân sự như sau:
- Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng: Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
- Có hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ: Phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng.
- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, ngoại trừ 02 trường hợp như đã nêu trên: Phạt tiền từ 50 đến 75 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, theo Điều 332 Bộ Luật Hình sự 2015 trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xóa án tích những tiếp tục vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đồng thời, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình
- Phạm tội trong thời chiến
- Lôi kéo người khác phạm tội.
Như vậy, người có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình như đã nêu trên.