Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh

Chủ đề   RSS   
  • #264221 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh

    Số hiệu

    11/2003/HĐTP-KT

    Tiêu đề

    Quyết định xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh

    Ngày ban hành

    06/11/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ11/2003/HĐTP-KT  NGÀY 06-11-2003 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP
    HỢP ĐỒNG LIÊN DOANH

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    .................

    .

    Tại phiên toà ngày 06-11-2003, xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh giữa:

    – Nguyên đơn: 1. Công ty Asia Investment and Trading (AIT)

    2. Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD

    Địa chỉ: Rm 1301 13F Shun Tak Center, 200 Connaught Road Central, Hong Kong;

    Đại diện cho các nguyên đơn: Ông Thái Hưng, giám đốc Công ty TNHH Úc - Á. Địa chỉ: Lô 12, đường số 2, khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

    – Bị đơn: Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh (SJC). Địa chỉ: Số 2D Nguyễn Trung Trực, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh,

    – Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EXIMBANK). Địa chỉ: số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Công ty tài chính cổ phần Sài Gòn (SFC). Địa chỉ: số 115 Nguyễn Công Trứ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

    NHẬN THẤY

    Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh số78/HĐ- LD ký ngày 30-11-1992 giữa hai bên gồm:

    1. Bên Việt Nam: Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh (SJC).

    2. Bên nước ngoài gồm có hai Công ty của Hồng Kông: Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD và Công ty Asia Investment and Trading (AIT).

    Hợp đồng liên doanh này được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp Giấy phép đầu tư số 648/GP ngày 28-07-1993. Tổng số vốn đầu tư là 10.481.300 USD, trong đó vốn pháp định là 9.481.300USD. Bên Việt Nam góp 45% vốn pháp định gồm quyền sử dụng đất trong 4,5 năm đầu và một phần máy móc thiết bị; bên nước ngoài góp 55% vốn pháp định bằng dây chuyền thiết bị máy móc sản xuất băng từ. Thời hạn hoạt động của liên doanh là 20 năm.

    Trong thời gian hoạt động, Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn đã thế chấp toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất băng từ để vay tiền của Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EXIMBANK) và Công ty tài chính cổ phần Sài Gòn (SFC). Tính đến ngày xét xử sơ thẩm, Công ty liên doanh còn nợ EXIMBANK 498.471,78 USD và nợ SFC 260.000 USD (chưa kể lãi phát sinh).

    Do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, bị thua lỗ nên Hội đồng quản trị Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn đã thống nhất xin giải thể liên doanh trước thời hạn. Ngày 27-12-1997 Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định số284/BKH- QLDA giải thể Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn.

    Ngày 06-01-1998 Ban thanh lý Công ty được thành lập để tiến hành thanh lý tài sản của liên doanh, ngày 13-01-1998 Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản xác nhận thành phần của Ban thanh lý.

    Ngày 15-06-1999 Ban thanh lý có Công văn gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo kết quả thanh lý, đồng thời xin chấm dứt hoạt động của Ban thanh lý do đã hoạt động quá thời hạn theo luật định. Nội dung báo cáo kết quả thanh lý đã nêu những điểm còn vướng mắc chưa giải quyết được giữa các bên trong liên doanh về vấn đề tài sản và công nợ của Công ty.

    Ngày 02-07-1999 Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4278 BKH/QLDA chấm dứt hoạt động của Ban thanh lý và hướng dẫn các bên trong liên doanh tiếp tục xử lý công việc tồn đọng trong quá trình thanh lý; trường hợp có tranh chấp thì xử lý theo quy định tại Điều 102 Nghị định số 12/CP ngày 18-02-1997 của Chính phủ.

    Trước đó, ngày 29-06-1999 các bên trong liên doanh đã thoả thuận ký “Bảng phân chia tài sản” của Công ty liên doanh.

    Ngày 11-01-2000 Ban thanh lý đã ký biên bản bàn giao cho các bên trong liên doanh, để các bên tiếp tục thực hiện các công việc còn lại liên quan đến vấn đề tài sản của liên doanh.

    Tuy nhiên, sau đó các bên vẫn không thực hiện được việc phân chia tài sản theo “Bảng phân chia tài sản” và biên bản bàn giao ngày 11-01-2000 nêu trên. Bên nước ngoài đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị can thiệp, giúp đỡ trong vấn đề thanh lý tài sản do việc giải thể Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn. Ngày 13-06-2000 Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp (gồm đại diện các chủ đầu tư, EXIMBANK, SFC) để bàn giải quyết vấn đề phân chia tài sản của Công ty liên doanh sau khi giải thể nhưng không thành. Phía nước ngoài đề nghị bên Việt Nam tiếp tục thực hiện theo Bảng phân chia tài sản ngày 29-06-1999 và biên bản bàn giao ngày 11-01-2000.

    Ngày 30-03-2001 Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD và Công ty Asia Investment and Trading do ông Thái Hưng đại diện đã có đơn khởi kiện đối với Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh gửi đến Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến việc thanh lý tài sản của Công ty liên doanh sau khi giải thể. Yêu cầu trong đơn khởi kiện bao gồm các nội dung sau:

    1. Thực hiện các cam kết thể hiện trong Bảng phân chia tài sản ngày 29-06-1999.

    2. Thực hiện việc bàn giao tài sản theo biên bản đề ngày 11-01-2000 để có nguồn tài chính trả nợ ngân hàng;

    3. Quyền sử dụng đất 4.280m2 tại 418/1C Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh là tài sản của liên doanh chưa được chia, nay cần được chia cho các bên;

    4. Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn phải giải quyết lương, trợ cấp mất việc, BHXH, BHYT và tiền lãi của các khoản trên cho ông Thái Hưng (nguyên Tổng giám đốc Công ty liên doanh) với tư cách là người có hợp đồng lao động;

    5. Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn phải trả cho Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD các khoản nợ tiền hàng là 13.081,95 USD;

    6. Do Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh chậm thực hiện việc bàn giao tài sản đã gây ra cho đối tác nước ngoài nhiều thiệt hại nên phải có trách nhiệm bồi thường số tiền là 453.740,21 USD.

    Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số140/XX- KTST ngày 29-08-2002, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    "1. Bác các yêu cầu của nguyên đơn.

    2. Về án phí: Asia Investment and Trading Company (AIT), Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm là 79.370.000đ, được tính vào số tiền 33.945.399 đồng là tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 024995 ngày 09-07-2001 của Phòng Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh, các nguyên đơn còn phải nộp thêm 45.424.601 đồng.

    3. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp Cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    4. Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án".

    Ngày 06-09-2002, các nguyên đơn có đơn kháng cáo cho rằng quyết định của Toà án cấp sơ thẩm là không đúng, gây thiệt hại lớn cho nguyên đơn và đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

    Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 50/PTKT ngày 09-12-2002, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định bác kháng cáo và giữ nguyên các quyết định của Bản án kinh tế sơ thẩm, đồng thời buộc nguyên đơn phải chịu tiền án phí kinh tế phúc thẩm là 200.000 đồng.

    Trong thời gian Toà án xem xét giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, ông Thái Hưng (đại diện cho các nguyên đơn) đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề nghị giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phía đối tác nước ngoài trong việc thanh lý tài sản của Công ty liên doanh.

    Ngày 09-12-2002 Văn phòng Quốc hội đã gửi giấy ghi ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Luân Kim (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) đến Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đề nghị xem xét chỉ đạo giải quyết đối với vụ án này.

    Tại Kháng nghị số04/2003/KT- TK ngày 14-05-2003 đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 50/PTKT ngày 09-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm; tuyên huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm số 50/KTPT ngày 09/12/2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế sơ thẩm số140/XX- KTST ngày 29-08-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

    Tại Kết luận số44/KL-AKT ngày 12-09-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng:

    Văn bản chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trần Luân Kim thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đề ngày 09-12-2002, yêu cầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét giải quyết vụ án này là trước ngày xét xử phúc thẩm vụ án. Sau khi xét xử phúc thẩm, hai bên đương sự và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không có đơn khiếu nại đối với Bản án phúc thẩm và Bản án này đã được thi hành theo luật định.

    Sau khi có bản Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, phía bị đơn là Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản giải trình kèm theo một số tài liệu về việc ngày 02-04-2003 các bên đã thoả thuận đồng ý để EXIMBANK được quyền bán, chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Công ty liên doanh theo biên bản kiểm kê giữa 4 bên để thu tiền trả nợ cho ngân hàng. Đến ngày 04-04-2003 các bên liên doanh tiếp tục họp bàn để thống nhất về nội dung kiểm kê tài sản của liên doanh, phía Việt Nam chỉ kiểm kê tài sản máy móc thiết bị không bao gồm quyền sử dụng đất, phía nước ngoài yêu cầu kiểm kê cả tài sản cố định là nhà xưởng, đất đai và đòi chia giá trị quyền sử dụng đất vì cho rằng đây là phần vốn góp của Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh. Đối với yêu cầu đòi chia giá trị quyền sử dụng đất, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng, việc góp vốn của phía Việt Nam bằng giá trị quyền sử dụng đất thuê trong thời hạn 4,5 năm, hết thời hạn đó Công ty liên doanh đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính thành phố Hồ Chí Minh và đến nay Công ty liên doanh đã giải thể được 06 năm, nên từ đó không còn nộp tiền thuê đất nữa. Theo thoả thuận tại khoản 4 Điều 3 của hợp đồng thuê đất thì hợp đồng này sẽ đương nhiên hết hiệu lực khi Công ty liên doanh bị giải thể trước thời hạn hoặc bị phá sản. Do vậy yêu cầu của ông Thái Hưng đòi chia giá trị quyền sử dụng đất là không đúng và việc giải quyết về vấn đề này là thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

    Vì các lẽ trên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xét thấy Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 50/KTPT ngày 09-12-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh là không cần thiết, nên đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử bác Kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và giữ nguyên hiệu lực của Bản án kinh tế phúc thẩm.

    XÉT THẤY

    - Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án thì ngày 28-07-1993 Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký giữa Công ty Asia Investment and Trading Company, Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD và Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 27-12-1997 Công ty liên doanh giải thể theo Quyết định số284/BKH- QLDA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ban thanh lý được thành lập và đã tiến hành thanh lý tài sản của Công ty liên doanh, nhưng do đã hoạt động quá thời hạn theo quy định nên ngày 02-07-1999 Ban thanh lý bị chấm dứt hoạt động, tuy nhiên việc thanh lý hợp đồng liên doanh vẫn chưa hoàn tất, các bên vẫn còn những vướng mắc liên quan đến tài sản là máy móc thiết bị, nhà xưởng của Công ty liên doanh. Ngày 11-01-2000 Ban thanh lý đã ký biên bản bàn giao các công việc còn lại liên quan đến vấn đề giải quyết tài sản của liên doanh cho các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện. Sau khi tiếp nhận công việc bàn giao từ Ban thanh lý, các bên trong liên doanh đã nhiều lần bàn bạc thương lượng nhưng đều không thống nhất giải quyết được. Ngày 13-06-2000 Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp có các bên tham gia để tiến hành giải quyết tiếp việc thanh lý nhưng không thành.

    Với nội dung vụ việc nêu trên, đối chiếu với quy định của pháp luật về Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì đây là tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng liên doanh trong việc thanh lý, giải thể doanh nghiệp liên doanh. Vì vậy ngày 30-03-2001 Công ty Asia Investment and Trading Company và Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp là hoàn toàn phù hợp, đúng pháp luật.

    - Việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm nhận định hợp đồng liên doanh chưa được các bên thanh lý xong, quá trình thanh lý không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật cho nên buộc các bên phải tiến hành thanh lý lại; nếu các bên không thoả thuận được thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết trong vụ án khác; từ đó bác các yêu cầu của nguyên đơn là không đúng và không phù hợp với thực tế vụ án. Trong vụ án này, nếu Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm nhận định như trên, có nghĩa là chưa xét đến các nội dung tranh chấp liên quan đến thanh lý hợp đồng liên doanh , nhưng đều có quyết định bác các yêu cầu của nguyên đơn và buộc nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí theo giá trị các yêu cầu trong đơn khởi kiện mà chưa được Toà án xem xét là không đúng. Như vậy, giữa phần nhận định và quyết định của Bản án là có mâu thuẫn, trái ngược nhau và theo quyết định này thì việc khởi kiện lại của nguyên đơn khó có thể thực hiện được.

    - Theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 24/CP ngày 31-07-2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, nợ thuế và các khoản nợ khác... của Công ty liên doanh là các nghĩa vụ được ưu tiên thanh toán trong quá trình thanh lý và giải thể doanh nghiệp. Đối chiếu với quy định nêu trên thì yêu cầu của Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD đòi Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn phải trả khoản nợ tiền hàng với số tiền là 13.081,95 USD và yêu cầu của ông Thái Hưng đòi Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn phải thanh toán trả cho ông khoản tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, y tế... là các vấn đề liên quan đến việc giải thể Công ty liên doanh. Vì vậy, phải được Toà án giải quyết đồng thời với việc thanh lý, giải thể doanh nghiệp, mà không thể buộc các đương sự khởi kiện lại bằng một vụ án khác sau khi việc thanh lý và giải thể doanh nghiệp đã được giải quyết.

    - Trong vụ án này, do yêu cầu của Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD đòi khoản nợ tiền hàng với số tiền là 13.081,95USD cũng như yêu cầu của ông Thái Hưng đòi khoản tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, y tế đối với Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn là các yêu cầu độc lập, nên Công ty Indesen (Hong Kong ) Co., LTD và ông Thái Hưng phải được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng. Như vậy thì việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận ông Thái Hưng là người đại diện cho các nguyên đơn cũng cần phải xem xét lại, vì quyền lợi của ông Thái Hưng và các nguyên đơn là có sự xung đột nhau.

    - Sau khi có Kháng nghị số04/2003/KT- TK ngày 14-05-2003 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, các bên liên doanh có thể đã thoả thuận hoặc thực hiện được một số nội dung thanh lý như việc thoả thuận bàn giao tài sản là máy móc, thiết bị cho EXIMBANK để xử lý thu hồi nợ. Nhưng theo đơn khiếu nại đề ngày 15-07-2003 và ngày 01-08-2003 của Công ty Asia Investment and Trading Company và Công ty Indesen (Hong Kong) Co., LTD thì những vấn đề phức tạp nhất như giá trị quyền sử dụng đất, các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội và các khoản nợ khác liên quan đến nội dung thanh lý các bên vẫn chưa thống nhất thực hiện được. Vì vậy, cần phải được giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa các bên trong việc thanh lý tài sản của Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn. Với những căn cứ này cho thấy, việc giữ nguyên hiệu lực của Bản án kinh tế phúc thẩm số 50/KTPT ngày 09-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh như đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ không giải quyết được dứt điểm các tranh chấp giữa các bên.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,

    QUYẾT ĐỊNH

    Huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm số 50/KTPT ngày 09-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh tế sơ thẩm số140/XX-KTST ngày 29-08-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

     

    Lý do huỷ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    - Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác đơn yêu cầu của nguyên đơn là không đúng và không phù hợp với thực tế vụ án.

    - Việc Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận ông Thái Hưng là người đại diện cho các nguyên đơn cần phải được xem xét lại vì quyền lợi của ông Thái Hưng và các nguyên đơn có sự xung đột nhau.

    - Cần phải giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa các bên trong việc thanh lý tài sản của Công ty liên doanh sản xuất băng từ Sài Gòn.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 05:27:51 CH
     
    3678 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận