Quyết định về vụ án chấm dứt hợp đồng lao động

Chủ đề   RSS   
  • #264212 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định về vụ án chấm dứt hợp đồng lao động

    Số hiệu

    01/2003/HĐTP-LĐ

    Tiêu đề

    Quyết định về vụ án chấm dứt hợp đồng lao động

    Ngày ban hành

    28/02/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ01/2003/HĐTP-LĐ NGÀY 28-02-2003
    VỀ VỤ ÁN CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    ......................

    Tại phiên toà ngày 28-02-2003 , xét xử giám đốc thẩm vụ án lao động có các đương sự là:

    Nguyên đơn : Ông Nguyễn Công Khuông, sinh năm 1956.

    Trú tại : số 30 Trương Văn Bang, phường 7, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

    Bị đơn: Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovptro ( XNLD ''VSP'')

    Địa chỉ : số 105 Lê Lợi, phường 6, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

    NHẬN THẤY

    Ông Nguyễn Công Khuông nguyên là cán bộ phòng cháy chữa cháy (PCCC) thuộc PC 13 Sở Công an Thái Bình. Năm 1987 ông chuyển đến công tác tại Xí nghiệp liên doanh ''VSP'' với chức danh kỹ sư PCCC. Ngày 01-01-1991 Xí nghiệp liên doanh và ông Khuông chính thức ký hợp đồng lao động với chức danh trưởng ban phòng cháy, thời hạn 3 năm, mức lương 585 USD/ tháng.

    Ngày 20-07-1993 Xí nghiệp liên doanh ra quyết định số 698 chuyển ông Khuông sang chức vụ mới là Trưởng ban phòng chống cháy Ban Trung tâm an toàn và bảo vệ môi trường (TTAT và BVMT), mức lương 655 USD/ tháng từ ngày 01-07-1993.

    Theo ông Khuông, năm 1997 ông tố cáo ông Phùng Hưng (Trưởng ban TTAT và BVMT) về hành vi ký nhập lô hàng kém chất lượng, nên từ năm 1998 đến năm 2000, Xí nghiệp liên doanh ra nhiều quyết định đối với ông :

    - Năm 1999 ra Quyết định số 286 ngày 02-08-1999 về việc chuyển công tác từ chức danh Trưởng ban PCCC sang kỹ sư trưởng PCCC - Xí nghiệp địa vật lý. Ông khiếu nại quyết định này.

    Ngày 16-08-1999 Xí nghiệp liên doanh ra Quyết định 1291 huỷ Quyết định 286, trả lại chức danh Trưởng ban PCCC thuộc TTAT và BVMT .

    - Ngày 12-06-2000 Xí nghiệp liên doanh ra Quyết định 999 chuyển công tác ông Khuông từ Trưởng ban PCCC xuống kỹ sư hạng 5 PCCC Ban TTAT và BVMT, mức lương 490 USD/ tháng.

    - Ngày 01-09-2000 Xí nghiệp liên doanh ra Quyết định 1520 về việc ký kết hợp đồng lao động mới, nội dung quyết định trả lại chức danh Trưởng ban PCCC thuộc TTAT và BVMT, mức lương 655USD/tháng cho ông. Ông đã kiện hai quyết định 999 và 1520 tại Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và đã được giải quyết.

    Ngày 05-04-2001, ông được Xí nghiệp liên doanh mời lên thoả thuận ký hợp đồng lao động với chức danh kỹ sư PCCC hạng 5, lương 490 USD/ tháng, thời hạn 3 năm. ông không đồng ý mà yêu cầu được giữ Trưởng ban PCCC, lương 655 USD/ tháng, hai bên thoả thuận không thành.

    Ngày 09-04-2001, Xí nghiệp liên doanh “VSP” ra quyết định 508 chấm dứt hợp đồng lao động với ông. Nay ông kiện Quyết định 508 vì vi phạm khoản 2 Điều 27 Bộ luật lao động.

    Theo bị đơn: Thống nhất thời gian ông Khuông vào làm việc tại Xí nghiệp liên doanh “VSP”.

    Năm 1991 Xí nghiệp liên doanh và ông Khuông ký kết hợp đồng lao động thời hạn 3 năm, chức danh Trưởng ban PCCC thuộc Ban TTAT và BVMT, lương 585 USD/ tháng. Từ năm 1993 đến năm 1998 giữa ông Khuông và Xí nghiệp liên doanh sở dĩ chưa ký kết hợp đồng lao động mới vì những lý do sau:

    1. Nhân lực quá lớn, Xí nghiệp liên doanh chưa thể thực hiện ký kết hợp đồng lao động với từng cá nhân được. Người lao động không có ý kiến gì thì mặc nhiên hợp đồng lao động trước đó còn hiệu lực.

    2. Ngày 16-01-1995 Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh ra quyết định số 67 về việc gia hạn hợp đồng, trong đó quy định tất cả hợp đồng đã, sẽ kết thúc trước ngày 01-07-1995 được gia hạn đến ngày 31-07-1995.

    3. Sau khi có Bộ luật lao động, để thống nhất mẫu hợp đồng lao động trên toàn quốc nên ngày 11-07-1998 Tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh ra chỉ thị số 964 về việc ký kết hợp đồng lao động năm 1998, qui định: tất cả các hợp đồng lao động đã ký kết trước đó sẽ kết thúc vào ngày 31-07-1998.

    Vì vậy, từ 01-08-1998 phía Xí nghiệp liên doanh đã tổ chức xem xét ký hợp đồng lao động mới với tất cả người lao động trong liên doanh. Riêng trường hợp ông Khuông vì Ban TTAT và BVMT đề nghị xem xét lại khi ký kết hợp đồng lao động mới và hợp đồng lao động của ông Khuông sẽ do Ban Giám đốc xem xét quyết định. Trong khi chờ ký kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng lao động cũ của ông được bảo lưu cho đến khi thoả thuận ký kết hợp đồng lao động mới.

    Ngày 01-09-2000 Xí nghiệp liên doanh ra quyết định 1520 về việc cùng ông Khuông thoả thuận ký kết hợp đồng lao động mới nhưng không thoả thuận được, ông không đồng ý với chức danh và mức lương mà phía liên doanh thoả thuận.

    Ông Khuông khởi kiện quyết định 1520. Tại Bản án số 01/LĐST ngày 03-10-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bản án số 01/LĐPT ngày 16-02-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đều xử bác đơn kiện của ông Khuông yêu cầu huỷ quyết định 1520 và công nhận quyết định trên là đúng.

    Thực hiện Bản án đã có hiệu lực pháp luật số 01/LĐPT ngày 16-2-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Xí nghiệp liên doanh mời ông Khuông đến thoả thuận việc ký kết hợp đồng lao động mới nhưng hai bên không thoả thuận được vì ông Khuông không đồng ý hợp đồng lao động mới với chức danh kỹ sư 5 PCCC, lương 490 USD/ tháng, mà yêu cầu giữ nguyên chức danh Trưởng ban PCCC, lương 655 USD/tháng.

    Do không thoả thuận được hợp đồng Lao động mới mà hợp đồng lao động của ông Khuông đã hết hạn từ 31-07- 1998, nên căn cứ khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động và Quy chế cán bộ công nhân viên Xí nghiệp liên doanh, Tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh ra quyết định 508 ngày 09-04-2001 chấm dứt hợp đồng lao động với ông Khuông từ 16-04-2001 .

    Ông Nguyễn Công Khuông khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định 508/CB ngày 09-04-2001 của Tổng giám đốc xí nghiệp liên doanh vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

    Tại Bản án số 01/LĐST ngày 07-08-2001, Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã áp dụng các Điều 12, Điều 31 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động; Điều 9, Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản1 Điều 36, Điều 162 Bộ luật Lao động, quyết định :

    - Bác yêu cầu của ông Nguyễn Công Khuông về việc yêu cầu Toà án giải quyết huỷ quyết định số 508/CB ngày 09-04-2001 của Xí nghiệp liên doanh “VSP”.

    - Chấp nhận quyết định số 508/CB ngày 09-04-2001 của Xí nghiệp liên doanh về việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa Xí nghiệp liên doanh “VSP” với ông Nguyễn Công Khuông.

    - Ông Khuông không phải nộp án phí lao động sơ thẩm.

    Ngày 13-08-2001 ông Khuông kháng cáo.

    Tại Bản án phúc thẩm số 167/LĐPT ngày 21-12-2001 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ điểm a khoản 2 Điều 70 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động và Điều 3, Điều 9, Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 1 Điều 36 và Điều 162 Bộ luật Lao động, Điều 2 Hiệp định ngày 16-07-1991 giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, quyết định :

    1. Bác kháng cáo của ông Nguyễn Công Khuông, giữ nguyên các quyết định của Bản án sơ thẩm.

    2. Bác yêu cầu của ông Nguyễn Công Khuông đòi huỷ quyết định 508/CB ngày 09-04-2001 của Tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh "VSP".

    3. Công nhận hiệu lực của Quyết định 508 ngày 09-04-2001 của Tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh "VSP" với ông Nguyễn Công Khuông.

    4. Ông Nguyễn Công Khuông không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

    Sau khi có Bản án phúc thẩm, ông Nguyễn Công Khuông có đơn khiếu nại xin được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ kiện, tại Công văn số14/CV-LĐ ngày 27-06-2002, Toà Lao động Toà án nhân dân tối cao đã trả lời: Quyết định 508/CB ngày 09-04-2001 của Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh "VSP" chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Nguyễn Công Khuông theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động là đúng pháp luật. Vì vậy, Bản án lao động sơ thẩm số 01/LĐST ngày 07-08-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bản án lao động phúc thẩm số 01/LĐPT ngày 21-12- 2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đều xử bác đơn kiện của ông yêu cầu huỷ quyết định nêu trên, là có căn cứ, đúng pháp luật, không có cơ sở để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm.

    Tại Quyết định kháng nghị số11/KN-ALĐ ngày 19-11-2002, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã Kháng nghị Bản án lao động phúc thẩm số 167/LĐPT ngày 21-12-2001 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Sửa án sơ thẩm, yêu cầu Xí nghiệp liên doanh quan tâm quyền lợi của ông Khuông, sắp xếp việc làm cho ông Khuông trên cơ sở hai bên ký lại hợp đồng lao động theo yêu cầu phát triển sản xuất của Xí nghiệp liên doanh phù hợp với quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY

    – Ông Nguyễn Công Khuông tuy trước đây thuộc biên chế của ngành công an, nhưng khi chuyển vào làm việc tại Xí nghiệp liên doanh “VSP” là ông đã chuyển từ chế độ lao động theo biên chế sang chế độ lao động theo hợp đồng. Điều 12 Nghị định 198/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ được áp dụng đối với cán bộ công nhân viên thuộc lực lượng thường xuyên trong các doanh nghiệp Nhà nước được chuyển sang giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, căn cứ Điều 3 Bộ luật Lao động và căn cứ vào quy định tại Điều 2 Hiệp định liên doanh ký kết giữa Việt Nam và Liên Xô, Xí nghiệp liên doanh “VSP” đã ban hành Quy chế đối với cán bộ công nhân viên Xí nghiệp liên doanh (được Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chứng nhận ngày 16-06-1993).Tại mục 2.2 của Quy chế nêu rõ: “Xí nghiệp liên doanh ký hợp đồng lao động với cán bộ công nhân viên được tiếp nhận vào làm việc với thời hạn đến 3 năm”. Đây là những quy định được thoả thuận giữa Việt Nam và Liên Xô có tính điều ước Quốc tế nên có hiệu lực bắt buộc thi hành. Thời hạn hợp đồng 3 năm được áp dụng không những cho mọi người lao động phía Việt Nam mà cả phía Liên bang Nga, không có ngoại lệ, theo đó hợp đồng lao động giữa ông Khuông với Xí nghiệp liên doanh “VSP” là hợp đồng lao động xác định thời hạn.

    Căn cứ Điều 8 Quy chế lao động đối với các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ban hành theo Nghị định số 233/HĐBT ngày 22-06-1990 của Hội đồng Bộ trưởng, Viện kiểm sát tối cao cho rằng hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm của ông Khuông (01/01/1991-31/12/1993) đã trở thành hợp đồng lao động với thời hạn không xác định là không chính xác. Bởi vì tại Điều 1 cũng của Quy chế nêu trên quy định: “Quy chế này áp dụng cho cả người lao động và người nước ngoài, trừ các văn bản liên quan có quy định khác”. Như vậy, ông Khuông cũng như tất cả cán bộ công nhân trong Xí nghiệp liên doanh “VSP” đều phải tuân thủ nội dung Hiệp định và những quy định trong Quy chế của Xí nghiệp liên doanh mà Chính phủ hai nước Việt Nam - Liên Xô đã thoả thuận ký kết là ký kết hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm.

    Trường hợp ông Khuông cũng như hàng ngàn cán bộ công nhân khác, sau hợp đồng lao động được ký kết từ01/01/1991-31/12/1993 và sau khi Bộ luật Lao động có hiệu lực, trong điều kiện chưa ký được hợp đồng lao động mới, Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh ''VSP'' đã ra Quyết định số 67 ngày 16- 01-1995 gia hạn hợp đồng lao động cho tất cả cán bộ công nhân với thời hạn đến 31-07-1995. Khi thời hạn kết thúc, ngày 11-07-1998 Tổng Giám đốc lại ra Chỉ thị số 964/TCCB xác định thời hạn hợp đồng đối với mọi cán bộ công nhân trong Xí nghiệp liên doanh sẽ kết thúc vào 31-07-1998, hợp đồng Lao động mới được ký lại từ 01-08-1998. Do đó, hợp đồng lao động của ông Nguyễn Công Khuông cũng như vậy, thời hạn kết thúc là 31-07-1998, và phải được ký lại từ 01-08-1998.

    – Một trong những căn cứ nữa mà Quyết định 508/CB ngày 09-04-2001 của Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh ''VSP'' chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Khuông là căn cứ Quyết định tại Bản án đã có hiệu lực pháp luật số 01/LĐPT ngày 16-02-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân lối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận tính pháp lý của Quyết định 1520 ngày 01-09-2000 của Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh “VSP”.

    Tại Điều 1 Quyết định 1520 ngày 01-09-2000 ghi: “giao cho phòng cán bộ Xí nghiệp liên doanh trong thời hạn trước ngày 19-09-2000 thoả thuận các điều kiện của hợp đồng lao động với anh Nguyễn Công Khuông để trình Tổng Giám đốc ký kết hợp đồng lao động mới. Các chế độ, quyền lợi của anh Nguyễn Công Khuông được bảo lưu đến khi ký được hợp đồng lao động mới hoặc đến khi Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh có quyết định mới về quan hệ lao động với anh Nguyễn Công Khuông”. Nhưng trong suốt thời gian từ 19-09-2000 đến ngày 06-04-2001, phía Xí nghiệp liên doanh “VSP” nhiều lần mời ông Khuông đến để thoả thuận ký kết hợp đồng lao động nhưng ông không ký vì ông không chấp nhận những điều kiện mà phía Xí nghiệp liên doanh “VSP” đưa ra.

    Do các bên không đạt được thoả thuận để ký hợp đồng lao động mới mà thời hạn hợp đồng lao động cũ đã hết hạn, nên Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh “VSP” đã có Quyết định 508/CB ngày 09-04-2001 chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Khuông theo khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động là có căn cứ, đúng pháp luật.

    Bản án phúc thẩm lao động số 167/LĐPT ngày 21-12-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ những cơ sở pháp lý nêu trên quyết định bác đơn kiện của ông Nguyễn Công Khuông, công nhận Quyết định 508/CB ngày 09-04-2001 của Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh “VSP” chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Khuông là có căn cứ, đúng pháp luật.

    Tuy nhiên, theo qui định của pháp luật, mặc dù quyết định 508 ngày 09-04-2001 là có căn cứ, đúng pháp luật; nhưng sau này nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động lại tự nguyện và thoả thuận được với nhau thì các bên vẫn có thể ký kết hợp đồng lao động theo qui định chung của pháp luật. Đây là quyền của người lao động và người sử dụng lao động đều được pháp luật bảo vệ.

    Vì các lẽ trên và căn cứ khoản 1 Điều 78 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động,

    QUYẾT ĐỊNH

    Giữ nguyên các Quyết định của Bản án lao động phúc thẩm số 167/LĐPT ngày 21-12-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

     

    Lý do giữ nguyên quyết định của Bản án phúc thẩm:

    – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm của ông Khuông đã trở thành hợp đồng lao động với thời hạn không xác định là không chính xác.

    – Tổng Giám đốc xí nghiệp liên doanh "VSP" đã có Quyết định số 508/CB ngày 9/4/2001 chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Khuông theo Điều 36 Bộ luật Lao động là có căn cứ và đúng pháp luật.

     

     
    6148 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận