Quyết định tái thẩm về vụ án Tăng Minh Phụng

Chủ đề   RSS   
  • #263846 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định tái thẩm về vụ án Tăng Minh Phụng

    Số hiệu

    10/2008/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định tái thẩm về vụ án Tăng Minh Phụng

    Ngày ban hành

    17/06/2008

    Cấp xét xử

    Tái thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 17 tháng 6 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa tái thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Tăng Minh Phụng (có tên gọi khác là Bảy Phụng) sinh năm 1957, tại   thành phố Hồ Chí Minh; khi phạm tội là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Minh Phụng và Phó Giám đốc Công ty Epco; bị bắt giam ngày 24-3-1997.

    Trong vụ án còn có 76 bị cáo khác, nhưng không liên quan đến kháng nghị.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị:

    1. Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (sau đây gọi tắt là EXIMBANK), có trụ sở tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Ông Khương Minh Hiệp và bà Lục Thị Yến Anh, trú tại nhà số 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    NHẬN THẤY:

    Căn nhà số 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là căn nhà số 102/7 Lê Hồng Phong) có diện tích sử dụng là 324m2 thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng ông Khương Minh Hiệp và bà Lục Thị Yến Anh được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ngày 22-6-1994.

    Do có quan hệ làm ăn từ trước với vợ chồng ông Khương Minh Hiệp và bà Lục Thị Yến Anh, nên ngày 03-7-1996, theo sự chỉ đạo của Tăng Minh Phụng, Trần Văn Tiền là Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Nghi (Công ty này do Tăng Minh Phụng lập ra để lấy tư cách pháp nhân vay tiền của các ngân hàng, do Trần Thị Thương là vợ của Tăng Minh Phụng làm Giám đốc) đến gặp ông Khương Minh Hiệp hỏi mượn giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu căn nhà nêu trên để thế chấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (EXIMBANK) nhằm đảm bảo các khoản nợ của Công ty TNHH Thanh Long (Công ty này cũng do Tăng Minh Phụng lập ra để lấy tư cách pháp nhân vay tiền của các ngân hàng), được ông Khương Minh Hiệp đồng ý. Ông Khương Minh Hiệp đã làm “Giấy cam kết thế chấp nhà” đề ngày 01-7-1996, với nội dung: vợ chồng ông Khương Minh Hiệp và bà Lục Thị Yến Anh cam kết dùng căn nhà số 102/7 Lê Hồng Phong để bảo đảm phần nợ vay của Công ty TNHH Thanh Long tại EXIMBANK. Giấy cam kết thế chấp nhà có chữ ký và ghi tên vợ chồng ông Khương Minh Hiệp và bà Lục Thị Yến Anh, được Phòng Công chứng Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứng nhận.

    Tháng 3 năm 1997, Tăng Minh Phụng bị bắt giam. Căn cứ vào “Giấy cam kết thế chấp nhà”, ngày 08-4-1997 Cơ quan điều tra đã kê biên căn nhà số 102/7 Lê Hồng Phong.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định: “giải chấp căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu giao trả cho ông Khương Minh Hiệp”.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị đại diện cho EXIMBANK kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giao căn nhà nêu trên cho EXIMBANK để khai thác và phát mãi thu hồi nợ.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12-01-2000, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: “Giao cho Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ”.

    Vào các ngày 15-9-2001 và 28-9-2002, bà Lục Thị Yến Anh có đơn khiếu nại cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm giao căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong cho EXIMBANK để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ là không đúng và xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp 1/2 căn nhà của bà, vì chữ ký và chữ viết ghi tên Lục Thị Yến Anh trên “Giấy cam kết thế chấp nhà” đề ngày 01-7-1996 là do ông Khương Minh Hiệp và ông Trần Văn Tiền giả mạo. (Đơn này do Văn phòng Chính phủ chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo Công văn số42/PG-VI ngày 04-12-2002.)

    Ngày 28-7-2006, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định xác minh theo thủ tục tái thẩm số02/QĐ-VKSTC-V3 để thu thập tài liệu và giám định chữ ký của bà Lục Thị Yến Anh.

    Ngày 24-7-2007, Viện khoa học hình sự - Bộ Công an có Kết luận giám định số671/CV-C21(P6) với nội dung: chữ ký và chữ viết tên Lục Thị Yến Anh trên Giấy cam kết thế chấp căn nhà số 102/7 Lê Hồng Phong và chữ ký, chữ viết của bà Lục Thị Yến Anh trên 13 loại tài liệu mẫu so sánh không phải là do cùng một người ký, viết ra.

    Tại Kháng nghị tái thẩm số03/QĐ-VKSTC-V3 ngày 25-7-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12-01-2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy phần quyết định: “Giao cho Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ” trong phần trách nhiệm dân sự của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và hủy phần quyết định: “Giải chấp căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu giao trả cho ông Khương Minh Hiệp” trong phần trách nhiệm dân sự và các tài sản liên quan khác của bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Với lí do:

    “Khi ông Khương Minh Hiệp tự ý mang giấy tờ nhà số 102/7 Lê Hồng Phong đi thế chấp cho Ngân hàng EXIMBANK bà Lục Thị Yến Anh không biết, nhưng cơ quan công chứng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không xác định chữ ký của bà Lục Thị Yến Anh trên Giấy cam kết thế chấp là giả nên đã công chứng cho việc thế chấp này. Đây là tình tiết mới làm thay đổi việc xử lý đối với căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu mà các cơ quan tố tụng trước đây không biết. Do đó, bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12-01-2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao toàn bộ căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu cho Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (EXIMBANK) để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ là không đúng, đã vi phạm quyền sở hữu hợp pháp (1/2 căn nhà) của bà Lục Thị Yến Anh vì căn nhà này là đồng sở hữu của bà Lục Thị Yến Anh và ông Khương Minh Hiệp.”

    Tại phiên tòa tái thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Theo lời khai của ông Khương Minh Hiệp (tại các bút lục số 9 và số 10 trong hồ sơ xác minh theo thủ tục tái thẩm) thì ngày 03-7-1996, khi lập giấy cam kết thế chấp căn nhà số 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thuộc sở hữu chung của vợ chồng) để bảo đảm phần nợ vay của Công ty TNHH Thanh Long tại EXIMBANK, ông Khương Minh Hiệp đã tự viết và ký tên mình, đồng thời viết và ký tên của vợ là bà Lục Thị Yến Anh vào “Giấy cam kết thế chấp nhà”. Việc này bà Lục Thị Yến Anh không biết. Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Lục Thị Yến Anh có nhiều đơn khiếu nại cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm quyết định giao toàn bộ căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong cho EXIMBANK để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ là không đúng, xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp 1/2 căn nhà của bà, vì bà không ký tên vào giấy cam kết thế chấp nhà mà chữ viết và chữ ký của bà là do ông Khương Minh Hiệp và ông Trần Văn Tiền giả mạo.

    Căn cứ vào hồ sơ vụ án và kết quả xác minh theo thủ tục tái thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thấy có đủ cơ sở kết luận ông Khương Minh Hiệp đã giả mạo chữ ký và chữ viết của bà Lục Thị Yến Anh khi lập “Giấy cam kết thế chấp nhà”. Đây là tình tiết mới làm thay đổi việc xử lý đối với căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không biết tình tiết này, đồng thời cho rằng nghĩa vụ tài sản mà ông Khương Minh Hiệp phải bảo đảm đã được EXIMBANK hoán đổi bằng tài sản thế chấp khác nên đã quyết định giải chấp toàn bộ căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong giao trả cho ông Khương Minh Hiệp là không có cơ sở, vì thực tế nhóm công ty Minh Phụng không có tài sản hợp pháp nào khác để EXIMBANK thế chấp hoán đổi. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cũng không biết về tình tiết này nên quyết định giao căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong cho EXIMBANK để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ là không chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Lục Thị Yến Anh. Do đó, cần phải huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12-01-2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định “Giao cho Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ” và bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định “Giải chấp căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu giao trả cho ông Khương Minh Hiệp” để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà Lục Thị Yến Anh. Khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm cần thận trọng kiểm tra lại hồ sơ vụ án một lần nữa để làm rõ việc bà Lục Thị Yến Anh có biết và đồng tình để ông Khương Minh Hiệp thế chấp căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong bảo lãnh cho khoản nợ của Công ty TNHH Thanh Long hay không? Trường hợp bà Lục Thị Yến Anh không biết và không đồng tình để ông Khương Minh Hiệp thế chấp căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong thì cũng phải xử lý 1/2 căn nhà nêu trên để thi hành án đối với phần trách nhiệm của ông Khương Minh Hiệp. Ngoài ra, khi xét xử sơ thẩm lại Tòa án cấp sơ thẩm còn phải làm rõ giá trị khoản nợ mà ông Khương Minh Hiệp dùng căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong để bảo đảm là bao nhiêu, đồng thời xác minh trong giai đoạn thi hành án EXIMBANK đã phát mãi tài sản nào của nhóm Công ty Minh Phụng để xử lý khoản nợ mà ông Khương Minh Hiệp bảo đảm, từ đó xác định trách nhiệm của ông Khương Minh Hiệp đối với khoản nợ nêu trên.

    Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 296 và khoản 2 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12-01-2000 của Tòa  phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định “Giao cho Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu để quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ” và bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phần quyết định “Giải chấp căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu giao trả cho ông Khương Minh Hiệp”.

    2. Giao hồ sơ vụ án (gồm các tài liệu có liên quan đến việc xử lý đối với căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong) cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

    Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy một phần:

    Kết quả xác minh cho thấy ông Khương Minh Hiệp đã giả mạo chữ ký và chữ viết của bà Lục Thị Yến Anh, đây là tình tiết mới làm thay đổi việc xử lý đối với căn nhà 102/7 Lê Hồng Phong. Do đó, phần quyết định của bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm liên quan đến vấn đề này cần hủy đi để xét xử lại.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 10:09:40 SA
     
    20838 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận