Quyết định tái thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự

Chủ đề   RSS   
  • #263841 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định tái thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự

    Số hiệu

    03/2009/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định tái thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự

    Ngày ban hành

    09/03/2009

    Cấp xét xử

    Tái thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    ……..

    Ngày 09 tháng 3 năm 2009, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa xét xử theo thủ tục tái thẩm đối với Quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao.

    Theo quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao thì các đương sự được xác định như sau:

    Nguyên đơn dân sự:

    Bà Nguyễn Thị Tuội sinh năm 1917; trú tại ấp Phú Ân, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (đã chết năm 2005); người đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Thị Kim Tiếng sinh năm 1953; trú tại 163/42/7 Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

    Bị đơn dân sự:

    Ngân hàng ngoại thương Việt Nam – chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, có trụ sở tại số 29 Bến Chương Dương, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

    Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

    1. Công ty TNHH Minh Phụng, có trụ sở tại số 241 đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Ông Nguyễn Văn Tuân sinh năm 1953; trú tại 266/1 Lê Hồng Phong, phường 4, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;

    3. Anh Trần Văn Hùng (đã chết năm 2003); người đại diện là chị Trần Phi Bắc trú tại số 223 đường Âu Cơ, phường 5, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh (được ông Trần Văn Hai, người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của anh Trần Văn Hùng ủy quyền theo giấy ủy quyền ngày 23-11-2004).

    NHẬN THẤY:

    Căn nhà số 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích xây dựng 266m2 thuộc thửa đất số 51 (sau đây gọi tắt là căn nhà 60A Lê Hồng Phong) được Sở xây dựng Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất số 573/CNSH ngày 09-9-1991 mang tên ông Nguyễn Văn Nữ. Ông Nữ có vợ là bà Nguyễn Thị Tuội và ba người con là Nguyễn Kim Tiếng, bà Nguyễn Kim Nguyệt và ông Nguyễn Hồng Đăng. Năm 1992 ông Nữ chết không để lại di chúc, nên vợ và các con ông Nữ là những đồng thừa kế hợp pháp đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong.

    Ngày 15-5-1996, ông Nguyễn Văn Tuân (là cháu gọi ông Nữ bằng bác) cùng vợ là bà Võ Thị Tươi làm hợp đồng bán căn nhà 60A Lê Hồng Phong cho anh Trần Văn Hùng (là em vợ của Tăng Minh Phụng) ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh với giá 155 lượng vàng; hợp đồng mua bán được Phòng công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chứng thực.

    Sau khi mua căn nhà 60A Lê Hồng Phong, ngày 17-5-1997 anh Trần Văn Hùng đưa toàn bộ giấy tờ chủ quyền của căn nhà này cho chị gái là Trần Thị Thương (vợ của Tăng Minh Phụng) để thế chấp bổ sung bảo đảm nợ vay của Công ty TNHH Minh Phụng (do Tăng Minh Phụng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty) tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định “giao tài sản thế chấp được công nhận cho Ngân hàng ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ (phụ lục 2)”. Trong số các tài sản tại phụ lục số 2 có căn nhà 60A Lê Hồng Phong.

    (Quyết định này của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên có hiệu lực pháp luật).

    Ngày 09-4-2004, bà Nguyễn Thị Tuội và bà Nguyễn Kim Tiếng có đơn khiếu nại cho rằng ông Nguyễn Văn Tuân đã bán trộm căn nhà 60A Lê Hồng Phong của gia đình bà; đề nghị Phòng Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại Công văn số 821/THA ngày 07-4-2003 về việc yêu cầu gia đình bà thi hành án căn nhà số 60A Lê Hồng Phong.

    Sau khi có khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tuội về việc ông Nguyễn Văn Tuân bán căn nhà 60A Lê Hồng Phong của gia đình bà mà không hỏi ý kiến và không được sự đồng ý của gia đình bà, ngày 19-4-2004, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tuân về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt căn nhà 60A Lê Hồng Phong của gia đình bà Nguyễn Thị Tuội và bắt tạm giam Nguyễn Văn Tuân từ ngày 20-4-2004.

    Tại quyết định số70/VKSTC-V3 ngày 06-10-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị tái thẩm đối với quyết định “giao tài sản thế chấp được công nhận cho Ngân hàng ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ (phụ lục 2)” tại bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy quyết định này của bản án hình sự sơ thẩm nêu trên; cụ thể là đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để giải quyết lại cho đúng quy định của pháp luật.

    Tại quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao căn cứ vào Điều 296 và Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định:

    “Hủy quyết định: “giao tài sản thế chấp được công nhận cho Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (được ghi tại phục lục 2 kèm bản án)”, tại bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đình chỉ vụ án đối với phần quyết định này”.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 206/2006/HSST ngày 24-8-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng khoản 3 Điều 158 Bộ luật hình sự năm 1985; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; xử phạt Nguyễn Văn Tuân 11 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”.

    Ngày 07-9-2006, Nguyễn Văn Tuân làm đơn kháng cáo kêu oan.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1958/2006/HSPT ngày 19-12-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 2 Điều 107; Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên bố Nguyễn Văn Tuân không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; hủy bản án hình sự sơ thẩm số 206/2006/HSST ngày 24-8-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đình chỉ giải quyết vụ án; trả tự do ngay tại phiên tòa cho Nguyễn Văn Tuân; tách yêu cầu đòi lại tiền mua căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của người đại diện cho Trần Văn Hùng để giải quyết bằng vụ án dân sự khác, nếu như có yêu cầu.

    Tại quyết định kháng nghị tái thẩm số04/QĐ-VSKTC-V3 ngày 03-10-2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy phần quyết định “đình chỉ vụ án đối với phần quyết định này” ghi trong quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao; việc xác định quyền sở hữu căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở xem xét đơn kiện và chứng cứ do các bên hữu quan cung cấp; với lý do:

    “Qua quá trình điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà Nguyễn Văn Tuân là bị can, Cơ quan điều tra đã xác định được rằng: Gia đình bà Nguyễn Thị Tuội và các con là Nguyễn Kim Tiếng, Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Thị Nguyệt có kiện Nguyễn Văn Tuân “bán trộm nhà”. Nhưng ngày 12-8-1999 và ngày 14-7-2000 tại Cơ quan công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gia đình bà Tuội đã cùng Nguyễn Văn Tuân thỏa thuận cùng nhau bán nhà 60A, thống nhất không kiện nhau với một số điều kiện nhất định. Do vậy, bản án hình sự phúc thẩm số 1958/HSPT ngày 19-12-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tuyên bố Nguyễn Văn Tuân không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ. Bản án này còn quyết định “tách yêu cầu đòi lại tiền mua nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của người đại diện cho Trần Văn Hùng để giải quyết bằng vụ án dân sự khác nếu như có yêu cầu”. Đồng thời sau khi có bản án phúc thẩm số 1958/HSPT ngày 19-12-2006 bà Nguyễn Kim Tiếng đại diện cho gia đình ông Nữ, bà Tuội có nhiều đơn đề nghị công nhận gia đình bà là chủ sở hữu hợp pháp đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong nói trên.

    Tuy nhiên, trước đó, quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004 đã tuyên “đình chỉ vụ án đối với phần quyết định này”. Như vậy, về căn nhà 60A trên thửa đất 51 thì bản án phúc thẩm số 1958/HSPT và quyết định tái thẩm số38/HS-TT có sự khác nhau. Trong đó quyết định tái thẩm ghi “đình chỉ vụ án đối với phần quyết định này” là chưa chính xác. Vì lẽ, nếu đình chỉ việc xét xử thì quyền lợi của các bên về ngôi nhà 60A chưa được giải quyết. Mặt khác, Nguyễn Văn Tuân là người bán ngôi nhà này, Trần Văn hùng thế chấp cho Ngân hàng và Ngân hàng nhận thế chấp căn nhà này đều thiếu các thủ tục pháp lý. Việc đình chỉ vụ án nêu trong quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-4-2004 gây cản trở cho hoạt động của Tòa án khi xem xét giải quyết khiếu kiện của các bên đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.

    Tại phiên tòa tái thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, giao hồ sơ vụ án cho Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao để xét xử tái thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY:

    Tại kháng nghị số07/VKSTC-V3 ngày 06-10-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định ông Nguyễn Văn Tuân bán căn nhà 60A Lê Hồng Phong cho anh Trần Văn Hùng là trái pháp luật và ông Tuân đã bị cơ quan Công an khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” để làm căn cứ kháng nghị tái thẩm đối với quyết định “giao tài sản thế chấp được công nhận cho Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ (phụ lục 2)” tại bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (cụ thể là căn nhà số 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là không đúng. Bởi lẽ, kháng nghị tái thẩm nêu trên chỉ căn cứ vào những tài liệu chưa được điều tra, chứng minh, chưa có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (tại thời điểm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra kháng nghị tái thẩm số07/VKSTC-V3 ngày 06-10-2004 thì chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án kết luận về hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Tuân).

    Khi xét xử tái thẩm, Hội đồng tái thẩm của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao cũng xác định ông Nguyễn Văn Tuân bán căn nhà 60A Lê Hồng Phong cho anh Trần Văn Hùng là trái pháp luật và ông Tuân đã bị cơ quan Công an khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” để chấp nhận kháng nghị tái thẩm số07/VKSTC-V3 ngày 06-10-2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hủy quyết định “giao tài sản thế chấp được công nhận cho Ngân hàng ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (được ghi tại phụ lục 2 kèm bản án)” tại bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đình chỉ vụ án đối với phần quyết định này” là chưa bảo đảm các quy định của pháp luật về căn cứ để tái thẩm vụ án.

    Sau khi có quyết định tái thẩm của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao (quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004), khi xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Văn Tuân bị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết án về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xác định Nguyễn Văn Tuân bán căn nhà 60A Lê Hồng Phong cho anh Trần Văn Hùng là hợp pháp, nên tuyên bố Nguyễn Văn Tuân không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và đình chỉ giải quyết vụ án (bản án hình sự phúc thẩm số 1958/2006/HSPT ngày 19-12-2006). Bản án này đã có hiệu lực pháp luật và hiện không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đây là tình tiết mới làm thay đổi cơ bản quyết định tái thẩm của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đối với căn nhà số 60A Lê Hồng Phong.

    Xét hợp đồng mua bán căn nhà 60A Lê Hồng Phong giữa ông Nguyễn Văn Tuân và anh Trần Văn Hùng đã được Phòng công chứng nhà nước số 1 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chứng thực và đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bên mua chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; anh Trần Văn Hùng thế chấp căn nhà nêu trên cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm nợ vay của Công ty TNHH Minh Phụng cũng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định “giao tài sản thế chấp được công nhận cho Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ (phụ lục 2)” mà chưa xem xét, đánh giá để kết luận căn nhà 60A Lê Hồng Phong thuộc sở hữu của ai; việc giao tài sản thế chấp có tranh chấp hay không, nhưng đã quyết định như trên là chưa đủ căn cứ vững chắc.

    Khi xét xử tái thẩm, tuy căn cứ để tái thẩm là chưa có đầy đủ cơ sở, nhưng Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hủy quyết định nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm là cần thiết, nhưng đình chỉ vụ án là sai. Nừu chỉ hủy quyết định tái thẩm của Tòa hình sự về quyết định “đình chỉ vụ án đối với phần quyết định này”, thì tranh chấp (nếu có) đối với căn nhà 60A Lê Hồng Phong chưa được Tòa án xem xét, quyết định; vì vậy, cần hủy Quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao. Do Điều 296 Bộ luật tố tụng hình sự quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ có quyền tái thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự Trung ương, Tòa hình sự, các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, cho nên cần giao hồ sơ vụ án cho Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao để xét xử tái thẩm lại theo hướng hủy bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04-8-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về quyết định “giao tài sản thế chấp được công nhận cho Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh quản lý, khai thác, phát mãi thu hồi nợ (phụ lục 2)”, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Hủy quyết định tái thẩm số38/HS-TT ngày 23-11-2004 của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao.

    2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao để xét xử tái thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do quyết định tái thẩm của Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao bị hủy:

    Khi xét xử tái thẩm, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã đình chỉ giải quyết vụ án là sai. Do đó, phải xét xử tái thẩm lại.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 10:02:44 SA
     
    4142 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận