Số hiệu
|
19/2003/HĐTP-HS
|
Tiêu đề
|
Quyết định số 19/2003/ hđtp-hs ngày 26-08-2003 về vụ án hoàng văn bắc và đồng bọn phạm tội "giết người" và "gây rối trật tự công cộng"
|
Ngày ban hành
|
26/08/2003
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
QUYẾT ĐỊNH SỐ 19/2003/ HĐTP-HS
NGÀY 26-08-2003 VỀ VỤ ÁN HOÀNG VĂN BẮC
VÀ ĐỒNG BỌN PHẠM TỘI "GIẾT NGƯỜI" VÀ
"GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG"
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
.........
Tại phiên toà ngày 26-08-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo:
1- Hoàng Văn Khoa, sinh năm 1982; trú tại xóm Gà, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp làm ruộng; con ông Hoàng Văn Phần (chết) và bà Nguyễn Thị Tý.
2- Nguyễn Kim Thắng, sinh năm 1982; trú tại xóm Gà, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp làm ruộng; con ông Nguyễn Kim Thơ và bà Trương Thị Thuận .
3- Nguyễn Kim Xướng sinh ngày 31-01-1983; trú tại xóm Gà, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; nghề nghiệp làm ruộng; con ông Nguyễn Kim Xuyến và bà Đào Thị Như.
(Trong vụ án còn có Hoàng Văn Bắc, Chu Đình Sắc, Nguyễn Văn Nghĩa, Chu Đình Mịnh, Lê Văn Nhuận, Nguyễn Văn Duyệt và Nguyễn Thanh Tâm).
NHẬN THẤY:
Khoảng 19 giờ ngày 07-08-2001, anh Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Hùng đi xe đạp có va chạm với Hoàng Văn Bắc và Nguyễn Văn Nghĩa, hai bên xảy ra xô xát đánh nhau, anh Hùng và Lâm chạy vào nhà ông Chu Đình Đạo ở xóm Nhồi Trên, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.
Hoàng Văn Bắc về gọi cậu là Chu Đình Sắc đến đánh trả thù. Trên đường đi, Bắc gặp Chu Đình Mịnh (em Sắc) và Lê Văn Nhuận (bạn Mịnh), nên rủ họ cùng đến nhà ông Đạo. Nghĩa chạy về xóm Gà gọi anh là Nguyễn Văn Duyệt và bạn là Nguyễn Kim Xướng, Hoàng Văn Khoa, Nguyễn Kim Thắng và Nguyễn Thanh Tâm đến nhà ông Đạo.
Nhóm của Bắc đến nhà ông Đạo trước. Khi vào nhà ông Đạo, Nhuận hô “Đánh bỏ mẹ chúng nó đi”, Sắc quát "thằng nào lúc nãy đánh cháu tao”. Bắc chỉ vào anh Hùng và Lâm, đồng thời dùng gạch ném anh Hùng nhưng không trúng. Bắc , Mịnh nhảy vào đấm đá hai anh, tiếp đó, Bắc lấy bát sứ đập vào gáy anh Lâm, rồi bắt hai anh ra ngoài sân. Sắc quát “hai thằng chúng mày muốn sống thì nằm xuống ...” Anh Hùng và Lâm phải nằm sấp và van xin nhưng Bắc, Mịnh và Nhuận vẫn dùng chân đá, đạp vào mặt, vào đầu; còn Sắc, Mịnh dùng dép đánh vào mặt, Bắc dùng dây lưng đánh vào đầu, vào người hai anh.
Thấy bọn Bắc đánh hai anh dã man, anh Chu Đình Thành (con ông Đạo) đã quỳ xuống van xin thì Bắc dọa ai vào sẽ chém chết, nên không ai dám vào can ngăn.
Sau khi bị đánh, hai anh Hùng và Lâm ngồi dựa ở cửa nhà ông Đạo thì Nghĩa và đồng bọn đến. Nghĩa xông vào dùng tay, chân đấm đá hai anh Hùng và Lâm. Sau đó Bắc kéo hai anh ra cổng để đồng bọn đánh tiếp, nhưng anh Hùng đã vùng chạy thoát, còn anh Lâm, bị đồng bọn của Bắc và Nghĩa đánh ngất ở cổng nhà ông Đạo. Nghĩa đi tìm anh Hùng để đánh nhưng không thấy. Lúc này, anh Nguyễn Văn Hanh (trú tại xóm Cầu Cả) đang đi đến gần cổng nhà ông Đạo thì bị bọn Bắc, Nghĩa, Khoa, Duyệt, Tâm, Xướng, Thắng xông vào dùng chân tay đấm đá vào người, vào mặt anh Hanh làm anh Hanh bị ngất. Lúc này, có người kêu “chúng mày đánh chết người ta à” thì cả bọn bỏ đi, gia đình ông Đạo và mọi người đưa anh Lâm và anh Hanh đi cấp cứu. Đến 11h ngày 08-08-2001 anh Lâm bị chết tại bệnh viện SanhPôn.
Tại Biên bản giám định y pháp số 37/2001 ngày 08-08-2001, Hội đồng giám định pháp y thành phố Hà Nội kết luận: Anh Nguyễn Văn Lâm chết là do chấn thương sọ não kín, vỡ xương sọ, chảy máu não ngoài màng cứng nhiều, rộng cấp, hành não bị chèn ép.
Anh Hùng và anh Hanh trên người có nhiều vết sây sát, sưng nề, bầm tím nhưng từ chối giám định thương tật.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 492/HSST ngày 08, 09 tháng 07 năm 2002 Toà án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b khoản 1 (thêm điểm p đối với Mịnh và Nhuận) Điều 46 Bộ luật Hình sự xử phạt: Chu Đình Sắc 19 năm tù, Hoàng Văn Bắc 17 năm tù, Chu Đình Mịnh 15 năm tù, Lê Văn Nhuận 15 năm tù và Nguyễn Văn Nghĩa 10 năm tù đều về tội giết người (đối với Bắc và Nghĩa áp dụng thêm Điều 68, Điều 69 và Điều 74 Bộ luật Hình sự).
Áp dụng khoản 1 Điều 245; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự xử phạt : Nguyễn Kim Thắng, Nguyễn Kim Xướng, Hoàng Văn Khoa mỗi bị cáo 14 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng; áp dụng thêm Điều 68, Điều 69 và khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự xử phạt Nguyễn Văn Duyệt 10 tháng tù và Nguyễn Thanh Tâm 09 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn buộc 5 bị cáo phạm tội giết người phải liên đới bồi thường cho gia đình anh Lâm số tiền 19.620.000đồng và bồi thường cho anh Hùng số tiền là 1.300.000 đồng. Buộc các bị cáo Khoa, Thắng, Xướng, Tâm (do bà Nguyễn Thị Sáu đại diện) và Duyệt (do ông Nguyễn Văn Thả đại diện) phải liên đới bồi thường cho anh Hanh số tiền 300.000 đồng (kỷ phần mỗi bị cáo là 60.000đồng).
Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo đều kháng cáo xin giảm hình phạt, gia đình các bị cáo đã nộp tiền bồi thường cho gia đình anh Lâm và anh Hanh theo quyết định của Bản án sơ thẩm.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 1377/HSPT ngày 27-09-2002 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Chu Đình Sắc và Hoàng Văn Bắc; Sửa quyết định của Bản án sơ thẩm, giảm hình phạt đối với Nhuận và Mịnh từ 15 năm tù xuống còn 14 năm tù, giảm hình phạt đối với Nghĩa từ 10 năm tù xuống còn 07 năm tù đều về tội giết người. Cho các bị cáo Hoàng Văn Khoa, Nguyễn Kim Xướng, Nguyễn Kim Thắng, Nguyễn Văn Duyệt và Nguyễn Thanh Tâm đều hưởng án treo về tội gây rối trật tự công cộng.
Tại Quyết định số26/HS-TK ngày 09-06-2003 Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 1377/HSPT ngày 27-09-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đối với các bị cáo Hoàng Văn Khoa, Nguyễn Kim Thắng và Nguyễn Kim Xướng; để Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ phần hình phạt đối với các bị cáo Khoa, Thắng, Xướng của Bản án hình sự phúc thẩm nói trên và giữ nguyên phần hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 492/HSST ngày 08, 09 tháng 07 năm 2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đối với các bị cáo Khoa, Thắng, Xướng;
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự để kết án các bị cáo Hoàng Văn Bắc, Chu Đình Sắc, Chu Đình Mịnh, Lê Văn Nhuận và Nguyễn Văn Nghĩa về tội giết người; áp dụng khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự kết án các bị cáo Hoàng Văn Khoa, Nguyễn Kim Xướng, Nguyễn Kim Thắng, Nguyễn Văn Duyệt và Nguyễn Thanh Tâm về tội gây rối trật tự công cộng là có căn cứ, đúng pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, gia đình các bị cáo Khoa, Thắng, Xướng, Duyệt, Tâm bồi thường cho anh Hanh 300.000đồng (mỗi gia đình bồi thường 60.000 đồng) theo quyết định của Bản án sơ thẩm; Tuy đây là tình tiết mới nhưng không làm thay đổi tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do Hoàng Văn Khoa, Nguyễn Kim Thắng và Nguyễn Kim Xướng gây ra, nhưng Toà án cấp phúc thẩm cho cả 3 bị cáo Khoa, Thắng và Xướng được hưởng án treo là đánh giá không đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và vai trò, trách nhiệm của các bị cáo, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này hiện nay.
Bởi các lẽ trên;
Căn cứ Điều 254 và Điều 256 Bộ luật tố Tụng Hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
l- Huỷ phần quyết định về hình phạt tại Bản án hình sự phúc thẩm số 1377/HSPT ngày 27-09-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và giữ nguyên phần quyết định hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 492/HSST ngày 08, 09 tháng 07 năm 2002 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đối với các bị cáo Hoàng Văn Khoa, Nguyễn Kim Thắng và Nguyễn Kim Xướng như sau:
Áp dụng khoản 1 Điều 245; điểm p khoản l Điều46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt: Nguyễn Kim Xướng 14 tháng tù; Nguyễn Kim Thắng 14 tháng tù và Hoàng Văn Khoa 14 tháng tù đều về tội gây rối trật tự công cộng.Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
2- Các quyết định khác của Bản án hình sự phúc thẩm không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật.
Lý do huỷ một phần Bản án phúc thẩm:
Việc các bị cáo nộp tiền bồi thường thiệt hại cho nạn nhân sau khi xét xử sơ thẩm không phải là tình tiết giảm nhẹ để cho các bị cáo được hưởng án treo.