Quyết định số 13/2003/hđtp-ds ngày 28-05-2003 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

Chủ đề   RSS   
  • #264655 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định số 13/2003/hđtp-ds ngày 28-05-2003 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

    Số hiệu

    13/2003/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số13/2003/hđtp-ds ngày 28-05-2003 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

    Ngày ban hành

    28/05/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ13/2003/HĐTP-DS NGÀY 28-05-2003
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ 

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ..................

    Tại phiên toà ngày 28-05-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Bà Đinh Thị Minh, 63 tuổi;

    Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Nho, 56 tuổi;

    Cả nguyên đơn và bị đơn đều trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Bà Đỗ Thị Nga 73 tuổi (vợ ông Đinh Văn Luật)

    2. Anh Đinh Thế Chấn 40 Tuổi (con ông Luật)

    Cả hai người đều trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.

    3. Bà Đinh Thị Gái 61 tuổi; trú tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

    4. Bà Đinh Thị Năm 52 tuổi, trú tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

    NHẬN THẤY:

    Cụ Đinh Thế Pháp chết tháng 02-1966 và vợ là cụ Phan Thị Tùng chết tháng 07-1972 (âm lịch). Cụ Pháp và cụ Tùng sinh được 5 người con gồm: Ông Đinh Thế Luật (chết năm 1992), có vợ là bà Đỗ Thị Nga và con trai là anh Đinh Thế Chấn; Bà Đinh Thị Minh 63 tuổi; Bà Đinh Thị Gái 61 tuổi; Ông Đinh Thế Lệ (bộ đội hy sinh năm 1974); Bà Đinh Thị Năm 52 tuổi.

    Cụ Pháp, cụ Tùng chết để lại 2 khối tài sản:

    - Khối tài sản thứ nhất do bà Nguyễn Thị Nho (vợ ông Lệ) quản lý tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây gồm 4 gian nhà tre, lợp lá, vách đất và 3 gian nhà tranh, bếp trên diện tích 825,2m2 đất, trong đó 521,2m2 là đất ở, 304m2 đất ao. Nhà, bếp do lâu ngày cũ nát. Năm 1994, bà Nho đã tháo dỡ, xây lại như hiện nay.

    - Khối tài sản thứ hai do anh Đinh Thế Chấn (con trai cả ông Luật, bà Nga) quản lý gồm 5 gian nhà tranh tre lợp lá, 3 gian 1 trái bếp tranh tre trên diện tích 14 thước = 317,7m2.

    Theo bà Minh, bà Gái, bà Năm và anh Chấn khai, trước khi mất, hai cụ không để lại di chúc, tài sản trên chưa chia cho ai, nay yêu cầu được chia thừa kế theo pháp luật.

    Theo bà Nho khai: vợ chồng bà được bố mẹ chồng cho ở riêng từ năm 1961, nhà do bố mẹ chồng làm từ trước, trên diện tích đất 2 sào 1 thước. Cụ Tùng (mẹ chồng) cùng em gái út là bà Năm ở với vợ chồng bà, còn cụ Pháp ở với vợ chồng ông Luật. Năm 1963, ông Lệ (chồng bà) đi bộ đội. Năm 1974, hy sinh ở chiến trường. Năm 1966, cụ Pháp ốm nặng. Ngày 27-01-1966 âm lịch, cụ Pháp có nhờ con rể là ông Đỗ Sĩ Tiếp viết di chúc phân chia nhà đất trên cho hai người con là ông Luật và ông Lệ, di chúc hai cụ đã điểm chỉ, nhưng ông Luật, bà Nho và ông Tiếp không đồng ý ký vào bản di chúc và di chúc đó không qua xã chứng thực. Khi bố mẹ chồng ốm đau, bà là người trông nom nuôi dưỡng chính, khi hai cụ qua đời, bà cùng vợ chồng ông Luật đứng lo mai táng, còn các bà con gái tuy có đóng góp chỉ một ít báo hiếu với cha mẹ. Nay, các bà con gái cụ Pháp, cụ Tùng kiện yêu cầu chia di sản của bố mẹ, bà không đồng ý.

    Tại Bản án sơ thẩm số 01 ngày 26- 02-1997, Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ quyết định:

    - Giấy văn thư đề ngày 27-01-1966 của cụ Đinh Thế Pháp là không hợp pháp.

    - Xác định hàng thừa kế theo pháp luật gồm: 5 người là: Ông Đinh Thế Luật, ông Đinh Thế Lệ, bà Đinh Thị Minh, bà Đinh Thị Gái, bà Đinh Thị Năm.

    - Không chấp nhận việc bà Nho cho anh Đinh Thế Tiến 7 thước đất hồ ao cấy dọc khoai.

    - Khối di sản sau khi trừ các khoản chi phí còn lại trị giá 58.000.000 đồng chia cho 5 kỷ phần, mỗi kỷ phần là 11,6 triệu đồng.

    Khối di sản được chia như sau:

    1. Khối di sản do anh Chấn đang quản lý, sau khi trừ chi phí mai táng số tiền còn lại tương ứng với các kỷ phần kia. Như vậy, số đất ở anh Chấn đang quản lý không phải chia cho ai nữa, vẫn để nguyên anh Chấn quản lý là 317,7m2

    2. Khối di sản bà Nho đang quản lý, sẽ chia cho 4 người.

    - Bà Đinh Thị Minh 144m2 có bề mặt trục đường làng dài 6m tính từ ngõ xóm kéo vào.

    - Bà Đinh Thị Gái 144m2 có bề mặt trục đường làng dài 6m tính tiếp theo giáp đất bà Minh kéo vào.

    - Bà Đinh Thị Năm 144m2 có bề mặt trục đường làng dài 6m tính tiếp theo giáp đất bà Gái kéo vào.

    - Bà Nguyễn Thị Nho 393m2 còn lại.

    Các kỷ phần không phải thanh toán tiền chênh lệch di sản.

    Bà Minh, bà Gái, bà Năm, mỗi bà phải chịu 504.000đồng án phí.

    Bà Nho chịu 580.000 đồng.

    Anh Chấn chịu 580.000 đồng

    Ngày 05-03-1997, bà Nguyễn Thị Nho có đơn kháng cáo, không đồng ý chia đất, vì trước khi mất, bố mẹ chồng đã có di chúc giao lại nhà đất cho bà.

    Ngày 10-03-1997, bà Đinh Thị Minh, đại diện cho bà Gái kháng cáo, yêu cầu ngoài số đất được hưởng bà Nho phải thanh toán chênh lệch tài sản cho chị em bà.

    Tại Bản án phúc thẩm số 47 ngày 24-04-1997, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:

    Bác yêu cầu đòi chia di sản thừa kế của bà Đinh Thị Minh, Đinh Thị Gái và Đinh Thị Năm đối với khối di sản của cụ Đinh Thế Pháp và Phan Thị Tùng để lại.

    Bà Minh, bà Gái, bà Năm mỗi người phải nộp 187.450 đồng.

    Hoàn trả cho bà Minh, bà Nho mỗi người 50.000 đồng dự phí kháng cáo.

    Sau khi có Bản án phúc thẩm, bà Minh, bà Gái, bà Năm, anh Chấn có nhiều đơn khiếu nại cho rằng tại biên bản định giá của cấp sơ thẩm, bà Nho, anh Chấn đồng ý. Nhưng Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào khung giá đất, tính giá đất giảm xuống, xác định giá trị di sản không còn, bác yêu cầu chia thừa kế của các bà là không đúng. Đề nghị xét xử lại và xin nhận bằng hiện vật.

    Tại Quyết định số 33 ngày 01-11-1999, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Kết luận số 162 ngày 29-11-1999, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với bản kháng nghị; đề nghị xử huỷ Bản án phúc thẩm, giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số 399 ngày 28-12-1999, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:

    Huỷ Bản án phúc thẩm số 47 ngày 24-04-1997 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây; giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 01 ngày 26-02-1997 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ xử việc tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Đinh Thị Minh và bị đơn là bà Nguyễn Thị Nho.

    Sau khi xử giám đốc thẩm, Ban chỉ đạo thi hành án huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây có Công văn số54/CV-UB ngày 26-08-2002 đề nghị Toà án nhân dân tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định kháng nghị số 14/KNDS ngày 25-11-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm nêu trên.

    Tại Kết luận số46/KL-VKSTC-KSXXDS ngày 03-04-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

    XÉT THẤY:

    Diện tích nhà và đất mà các đương sự đang tranh chấp là di sản của cụ Đinh Thế Pháp (chết năm 1966) và cụ Phan Thị Tùng (chết năm 1972) để lại. Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không xác minh làm rõ tờ “Giấy văn thư” do bà Nho xuất trình có phải do hai cụ Pháp và cụ Tùng để lại hay không? Dấu vân tay và chữ ký trên giấy này là của ai mà đã xác định “Giấy văn thư” này không hợp pháp là chưa có cơ sở vững chắc. Mặt khác, tại Quyết định giám đốc thẩm số 399/GĐT ngày 28-12-1999, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã huỷ Bản án phúc thẩm, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 26-02-1997 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, trong khi thực tế diện tích nhà đất đang tranh chấp có sự mua bán chuyển nhượng mà không đưa những người mua đất vào tham gia tố tụng là không đúng. Bà Nho đã có lời khai thửa đất đang tranh chấp có diện tích đất 5% do Uỷ ban nhân dân xã cấp cho gia đình bà vào năm 1961 và năm 1986, đồng thời, Uỷ ban nhân dân xã cũng có xác nhận việc cấp đất này, nhưng Toà án cũng chưa xác minh làm rõ để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của các đương sự.

    Bởi lẽ trên, căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ Quyết định giám đốc thẩm số 399/GĐT ngày 28-12-1999 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao; Bản án dân sự phúc thẩm số 47/DSPT ngày 24-04-1997 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây và Bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 26-02-1997 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ về vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Đinh Thị Minh với bị đơn là bà Nguyễn Thị Nho.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xác minh, xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

    Lý do Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, các Bản án phúc thẩm, sơ thẩm bị huỷ.

    Toà án đã không xác minh "Giấy văn thư" (bản di chúc) có phải do cụ Pháp và cụ Tùng để lại hay không. Diện tích nhà đất đang tranh chấp đã có sự chuyển nhượng, nhưng không đưa người mua tham gia tố tụng.

     

     
    3202 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận