Quyết định số 105/GĐT-DS ngày 30/5/2003 giải quyết việc tranh chấp về bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Chủ đề   RSS   
  • #264210 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định số 105/GĐT-DS ngày 30/5/2003 giải quyết việc tranh chấp về bảo hiểm trách nhiệm dân sự

    Số hiệu

    105/GĐT-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số105/GĐT-DS ngày 30/5/2003 giải quyết việc tranh chấp về bảo hiểm trách nhiệm dân sự

    Ngày ban hành

    30/05/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ105/GĐT-DS NGÀY 30/5/2003

    Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao

    HỘI ĐỒNG XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM

    NHẬN ĐỊNH

    Việc ông Khóm vận chuyển 2600 con vịt cho ông Điền và ông Trình vào ngày 16/8/1999 là có thật. Tuy hợp đồng miệng nhưng các bên không tranh chấp về hợp đồng này. Thỏa thuận này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 539 BLDS (Hợp đồng vận chuyển tài sản có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản).

    Trong quá trình vận chuyển đã có thiệt hại xảy ra. Đêm ngày 16/8/1999 do mưa gió to, nước chảy mạnh, tàu va vào chân cầu bị chìm. Tổn thất mất và chết 2260 con vịt, chỉ còn lại 340 con. Tổng số thiệt hại các bên xác định là 79.100.000 đồng.

    Sự cố chìm tàu và tổn thất đã được chủ tàu là ông Khóm làm bản tường trình báo cáo Công an huyện Tịnh Biên, Công an huyện Tịnh Biên có biên bản giải quyết tai nạn giao thông ngày 19/8/1999 và bản tường trình thông báo tai nạn gửi Bảo Việt An Giang ngày 17/8/1999. Sự kiện tai nạn thiệt hại do tai nạn gây ra đã được cơ quan Công an huyện Tịnh Biên xác nhận.

    Theo hợp đồng bảo hiểm số 007427 ngày 23-4-1999 (BL 74) ông Khóm tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu với mức trách nhiệm là 100 triệu đồng tại Bảo Việt An Giang. Về nguyên tắc quan hệ trách nhiệm giữa Bảo Việt An Giang với ông Khóm được xác định căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm trong đó có nêu rõ điều kiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, thuyền. Theo phạm vi trách nhiệm bảo hiểm thì Bảo Việt nhận trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hóa, tài sản chuyên chở trên tàu, thuyền được bảo hiểm. Do đó, trong trường hợp của ông Khóm, Bảo Việt An Giang phải có trách nhiệm bồi thường mất mát 2260 con vịt là tổn thất do sự kiện bảo hiểm gây ra tối 16-8-1999.

    Những lý do mà Bảo Việt An Giang nêu ra để từ chối việc giải quyết bồi thường cho ông Khóm theo Thông báo số 87/1999/TB.BH ngày 04/9/1999 như: “căn cứ Điều 30 Thể lệ vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa thủy, nội địa quy định, bên vận chuyển được miễn bồi thường trong trường hợp do thiên tai, địch họa hoặc bất khả kháng” là không đúng và không có căn cứ, bởi lẽ việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phải căn cứ vào quy định tại các điều từ Điều 571 đến 584 BLDS về hợp đồng bảo hiểm.

    Việc trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 580 Bộ luật dân sự. Bên bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp bên được bảo hiểm cố ý để xảy ra thiệt hại; nếu do lỗi vô ý của người được bảo hiểm, thì bên bảo hiểm không phải trả một phần tiền bảo hiểm tương ứng với mức độ lỗi của bên được bảo hiểm.

    Đối với trường hợp của ông Khóm thì ông Khóm không cố ý để xảy ra thiệt hại. Mặt khác theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm về những loại trừ trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu (Mục B) thì không có thỏa thuận nào về việc Bảo Việt An Giang được từ chối trách nhiệm do tai nạn tàu bị chìm vì gió bão. Vì vậy, Bảo Việt An Giang từ chối trách nhiệm là không đúng. Mặt khác, Điều 549 Bộ luật dân sự vẫn cho phép người vận chuyển và bên thuê vận chuyển được thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả trong trường hợp bất khả kháng. Do đó, thỏa thuận giữa ông Khóm và ông Trinh, ông Điền là không trái pháp luật, có hiệu lực và ràng buộc cả Bảo Việt An Giang.

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng bảo hiểm cũng như thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm, mà đã chấp nhận lý do từ chối trách nhiệm của Bảo Việt An Giang để bác yêu cầu của ông Khóm là không đúng. Bởi vậy, cần hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm theo hướng buộc Bảo Việt An Giang phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo cam kết trong hợp đồng bảo hiểm.

    Căn cứ vào những nhận định;

    Căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH

    - Hủy bản án sơ thẩm số 03 ngày 24-12-1999 của Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên và bản án phúc thẩm số 74 ngày 29-2-2000 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.

    - Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.”

     

     
    5241 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận