Quyết định số 10/2003/hđtp-ds ngày 24-03-2003 về vụ án đòi ngôi miếu thờ

Chủ đề   RSS   
  • #264647 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định số 10/2003/hđtp-ds ngày 24-03-2003 về vụ án đòi ngôi miếu thờ

    Số hiệu

    10/2003/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số10/2003/hđtp-ds ngày 24-03-2003 về vụ án đòi ngôi miếu thờ

    Ngày ban hành

    24/03/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ10/2003/HĐTP-DS NGÀY 24-03-2003 
    VỀ VỤ ÁN ĐÒI NGÔI MIẾU THỜ 

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .....................

    Tại phiên toà ngày 24-03-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án đòi ngôi miếu thờ tại số 12/4, đường Quân sự, phường 11, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh giữa các đương sự :

    Nguyên đơn: Bà Vương Thị Lệ, sinh năm 1922; trú tại nhà số 12/4 C, đường Quân sự, phường 11, quận 11, thành phố Hồ chí Minh;

    Bị đơn: Bà Trương Thị Ánh Ngọc, sinh năm 1956; trú tại nhà số 12/4 Đường Quân sự, phường 11, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh ;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ban đại diện Hội phật giáo quận 11, có bà Nguyễn Thị Soi- pháp danh Như Huệ, sinh năm 1945; trú tại chùa Huệ Lâm, số 130, đường Hùng Vương, phường 2, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

    NHẬN THẤY:

    Theo nguyên đơn bà Vương Thị Lệ trình bày thì căn nhà số 12/4 đường Quân sự (hiện đang tranh chấp) do vợ chồng các cụ Vương Văn Do (cha của bà Lệ), Đặng Thị Thơm (mẹ kế của bà Lệ) xây cất trên đất của người khác. Sau khi cụ Do chết (khoảng năm 1960), cụ Thơm tu tại nhà trên và hành nghề cạo gió. Ngày 27-12-1977, cụ Thơm đã đứng tên kê khai nhà trên theo quy định của Nhà nước. Ngày 08-11-1985, cụ Thơm đã lập giấy uỷ quyền và di chúc để lại căn nhà số 12/4 trên cho bà Lệ có xác nhận của Uỷ ban nhân dân phường 11. Ngày 11-11-1985, cụ Thơm chết, nhà trên bỏ trống. Ngày 14-12-1989, bà Vương Thị Út (em gái bà Lệ) đã nhập hộ khẩu vào nhà số 12/4. Ngoài ra, bà Lệ còn cho bà Trần Thị Năm ( người bà con) ở đậu tại nhà này để tụng kinh và nhang khói cho cụ Thơm. Ngày 30-10-1989, được bà Năm giới thiệu và được sự đồng ý của bà Lệ, bà Trương Thị Ánh Ngọc đã làm đơn xin nhập hộ khẩu vào nhà số 12/4 để ở, chăm sóc nhà này theo yêu cầu của chủ hộ. Ngày 27- 12-1989, bà Lệ ký đơn xin bảo lãnh cho bà Ngọc được di chuyển hộ khẩu thường trú đến nhà số 12/4 để tiện việc nhang khói cho ông bà của bà Lệ. Ngày 18-01-1990, bà Ngọc chính thức được nhập khẩu vào nhà trên với tư cách ở đậu. Sau đó, bà Năm đi làm lễ nhập hạ vắng nhà, việc thắp đèn nhang khói do bà Ngọc đảm nhiệm; khi bà Năm quay trở về thì bị bà Ngọc xua đuổi nên bà Năm tự ái bỏ đi tu ở nơi khác. Sau đó, bà Ngọc còn tự ý dời bàn thờ cụ Thơm vào một góc nhà, rước tượng phật về thờ, thay đổi đồ vật, sửa chữa lại nhà, tự tiện cho người lạ vào tạm trú mà không khai báo với chính quyền địa phương, tự dựng bảng hiệu chùa trái phép (đã bị chính quyền buộc tháo dỡ 2 1ần). Vì bà Ngọc không thực hiện đúng yêu cầu của bà Lệ là vào ở đậu và thắp hương nhang khói cho cụ Thơm thay bà Lệ nên bà Lệ yêu cầu bà Ngọc phải chuyển đi nơi khác, giao nhà lại để bà Lệ cho người khác vào thờ cúng theo tín ngưỡng.

    Theo bị đơn bà Trương Thị Ánh Ngọc trình bày thì trước đây, bà Ngọc tu tại chùa Định Thành. Năm 1989, bà Lệ kêu bà Ngọc về ngụ tại nhà số 12/4 để nhang khói cho cụ Thơm. Bà Ngọc được bà Lệ bảo lãnh cho nhập khẩu vào nhà trên, ngày nhập tự có sự chứng kiến của nhiều người. Trước khi bà Ngọc vào ở, căn nhà số 12/4 là một ngôi miếu do cụ Thơm tạo dựng để thờ cúng theo tín ngưỡng phật giáo. Sau đó, bà Ngọc đã bỏ nhiều công sức để tôn tạo miếu trên thành tịnh thất tên là '' Phước Hoà''. Hiện nay, tịnh thất này do Thành Hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Bà Ngọc đồng ý sẽ dời đi nơi khác nếu có quyết định của Ban đại diện Phật giáo quận 11, đồng thời, bà Lệ phải hoàn trả tiền sửa chữa nhà cho bà Ngọc.

    Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11  trình bày: cụ Thơm là vợ sau của cụ Do. Năm 1948, do mâu thuẫn với con riêng của chồng nên cụ Thơm mới xuất gia ngụ tại miếu "Ngũ Hành'' còn gọi là ''miếu bà Năm'' để tu. Sau đó, bá tánh cúng tiến, công đức mới tạo thành tịnh thất như hiện nay. Ngày 01-11-1977, cụ Thơm đã lập giấy hiến tịnh thất trên cho Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11, đã vào sổ gốc của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11  và được đưa vào danh mục tịnh thất thuộc Ban trị sự Thành Hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quản 1ý, sử dụng. Ngoài ra, Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11 còn cho rằng: Sư cô Diệu Hoà là pháp danh của cụ Đặng Thị Thơm chỉ tu, cạo gió, cắt lễ tại đây; Sư cô Diệu Hoà không phải là chủ sở hữu ngôi tịnh thất trên. Trước khi chết, cụ Thơm ốm mê man trong thời gian khá dài nên không thể lập được di chúc ngày 08-11-1985. Hơn nữa, bản di chúc của cụ Thơm lập ngày 08-11-1985, chính quyền địa phương lại xác nhận ngày 07-11-1985 (trước 1 ngày) là không hợp lý. Cụ Vương Văn Do có 3 người con gồm các ông bà Vương Thị Lệ, Vương Văn Được và Vương Thị Út, nhưng trong bản di chúc lại chỉ xác định chỉ có bà Vương Thị Lệ là con duy nhất là không đúng, nên bản di chúc trên là giả mạo, không phải là ý nguyện của cụ Thơm. Năm 1983, bà Lệ đã bán căn nhà cũng mang số 12/4 (có 5 căn mang cùng số 12/4) nên ngôi tịnh thất mang số 12/4 không phải của vợ chồng các cụ Vương Văn Do, Đặng Thị Thơm tạo lập nên; cụ Thơm chỉ có công sức cùng bá tánh tôn tạo từ một ngôi miếu thành một tịnh thất.

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 122/DSST ngày 30-09-1996, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    - Chấp nhận yêu cầu của bà Vương Thị Lệ.

    - Buộc bà Trương Thị Ánh Ngọc phải giao trả nhà số 12/4 Đường Quân sự, phường 11, quận 11, cho bà Vương Thị Lệ trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.

    - Bà Vương Thị Lệ phải bồi hoàn tiền sửa chữa nhà cho bà Ngọc một số tiền là 14.337.139 đồng.

    - Việc giao tiền và trả nhà phải thực hiện cùng một lúc.

    - Án phí dân sự sơ thẩm bà Ngọc phải chịu 50.000 đồng, bà Lệ phải chịu 716.860 đồng.

     - Hoàn  lại tiền tạm ứng án phí cho bà Lệ theo biên lai số 50 ngày 11- 01- 1996.

    - Về lệ phí giám định sửa chữa, bà Lệ chịu (bà Lệ đã nộp).

     

    Ngày 04-l0-1996, bà Ngọc và Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11 có đơn kháng cáo.

    Tại Quyết định số 197/ DSPT ngày 01-08-1997, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân  tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, chờ quy định mới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định :

    1 .Chấp nhận yêu cầu của bà Vương Thị Lệ. Buộc bà Trương Thị Ánh Ngọc phải giao trả ngôi nhà số 12/4 đường Quân sự, phường 11 cho bà Vương Thị Lệ đại diện quản lý sử dụng. Bà Vương Thị Lệ đại diện phải bồi hoàn tiền trả nhà cho bà Trương Thị Ánh Ngọc là 14.337.239 đồng. Việc giao tiền trả nhà phải thực hiện cùng một lúc.

    2. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Toà Phúc thẩm không xét.

    3. Bà Trương Thị Ánh Ngọc phải chịu 50.000 đồng án phí phúc thẩm. Đại diện Hội Phật giáo quận 11 phải chịu 50.000 đồng án phí phúc thẩm.

    Bà Ngọc, Ban đại điện Hội Phật giáo quận 11 và Ban trị sự Thành Hội phật giáo thành phố Hồ Chí Minh có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số02/KN-DS ngày 08-01-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000 nêu trên, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao huỷ tất cả các Bản án về vụ án này, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm.

    XÉT THẤY:

    Sau khi bà Vương Thị Lệ có đơn khởi kiện đòi bà Trương Thị Ánh Ngọc trả ngôi nhà số 12/4 đường Quân sự, Ban Đại diện Hội phật giáo quận 11 xuất trình bản kê khai đề ngày 01-11-1977 có nội dung cụ Thơm hiến tịnh thất (nhà số 12/4 trên) cho Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11 và cho rằng nhà số 12/4 đã được đưa vào danh mục tịnh thất thuộc Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh quản lý, sử dụng. Toà án đã đưa Ban đại diện Hội phật giáo quận 11 tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ. Ban đại diện Hội Phật giáo quận 11 có yêu cầu độc lập, đề nghị Toà án xác định nhà số 12/4 đường Quân sự thuộc sở hữu tôn giáo, nhưng Toà án không buộc họ nộp tạm ứng án phí và tại phần quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã không xem xét giải quyết yêu cầu của Ban đại diện Hội phật giáo quận 11 mà vẫn buộc Ban đại diện Hội phật giáo quận 11 phải chịu 50.000đ án phí phúc thẩm là không đúng pháp luật. Ngoài ra, hầu hết các giấy tờ do các bên xuất trình đều là bản phôtô, chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, Toà án cũng chưa xác minh làm rõ tính hợp pháp của bản kê khai ngày 01-11-1977, chưa xác minh xem sổ gốc của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước quận 11 có sự việc hiến nhà của cụ Thơm hay không, mà quyết định ngay bà Ngọc phải giao trả ngôi nhà số 12/4 đường Quân Sự cho bà Lệ đại diện quản lý sử dụng là chưa có căn cứ vững chắc. Mặt khác, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều xác định nhà số 12/4 đường Quân Sự (hiện đang tranh chấp) thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Do, cụ Thơm nhưng lại không đưa các ông bà Vương Văn Được, Vương Thị Út vào tham gia tố tụng là vi phạm.

    Vì vậy, cần phải xác minh, làm rõ các vấn đề nêu trên và giải quyết lại vụ án theo đúng qui định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    1. Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 19/DSPT ngày 16-02-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Bản án dân sự sơ thẩm số 122/DSST ngày 30-09-1996 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;

    2. Giao hồ sơ vụ án trên cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác minh, xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

                      

    Lý do Bản án phúc thẩm bị huỷ.

    Toà án đã xác định Ban đại diện Hội phật giáo Quận 11 TP. Hồ Chí Minh tham gia tố tụng với tư­ cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nh­ưng lại không xem xét giải quyết yêu cầu của họ là không đúng pháp luật. Giấy tờ do các bên xuất trình đều là bản phô tô coppy chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, như­ng Toà án cũng không xác minh làm rõ tính hợp pháp của các giấy tờ đó là chưa bảo đảm tính giá trị pháp lý của chứng cứ. Toà án cũng không đưa một số ngư­ời có liên quan khác tham gia tố tụng là thiếu sót, không bảo đảm tính toàn diện trong việc giải quyết vụ án.

     

     
    2773 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận