Số hiệu
|
08/2003/HĐTP-HS
|
Tiêu đề
|
Quyết định số08/2003/hđtp-hs ngày 26-05-2003 về vụ án nguyễn trung trực phạm tội "vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới"
|
Ngày ban hành
|
26/05/2003
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
QUYẾT ĐỊNH SỐ08/2003/HĐTP-HS NGÀY 26-05-2003
VỀ VỤ ÁN NGUYỄN TRUNG TRỰC PHẠM TỘI
"VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HOÁ QUA BIÊN GIỚI"
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
.........
Tại phiên toà ngày 26-05-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo:
1. Nguyễn Trung Trực, sinh năm 1952 tại Tiền Giang, thường trú tại Malaysia.
Tạm trú tại: số 25/4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 01, thành phố Hồ Chí Minh. Quốc tịch:Australia. Nghề nghiệp: Doanh nhân (Tổng giám đốc Công ty Peregrine Việt Nam). Chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo tại ngoại.
2. Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1951.
Trú tại: số 557/F4 Nguyễn Tri Phương, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Nghề nghiệp: Nguyên giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiên Long, bị cáo tại ngoại.
NHẬN THẤY:
Nguyễn Trung Trực là Việt kiều Australia, thường trú tại Malaysia, về Việt Nam nhiều lần từ năm 1990 đến 1995 thông qua các hợp đồng vay vốn các cổ đông (chủ yếu là người nhà của Trực), Trực đã xin phép thành lập các Công ty trách nhiệm hữu hạn như Tiên Long, Đại Đế, Đại Bàng, Đại Phi Mã để tổ chức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Năm 1995 Trực liên doanh với Công ty Peregrine Capital Internatinal Hồng Kông xin giấy phép thành lập Công ty đầu tư và tư vấn tài chính Peregrine Việt Nam và được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp giấy phép kinh doanh số 120 ngày 15-04-1995.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Peregrine Capital Internatinal Hồng Kông có các Công ty trực thuộc ở nước ngoài như Motor World, Autostar, Indochina Autos... Các Công ty này có mối quan hệ kinh doanh một chiều với Công ty của Trực. Công ty của Trực lo các thủ tục để nhận các mặt hàng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Peregrine Capital Internatinal Hồng Kông gửi về để kinh doanh. Riêng mặt hàng xe gắn máy hiệu Piaggio do Công ty Motor World mua của hãng Piaggio rồi gửi về Việt Nam. Người được Trực giao trách nhiệm lo thủ tục giấy tờ để nhận các lô hàng này là Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiên Long.
Từ cuối năm 1995 đến tháng 07 năm 1996, Công ty Motor World đã gửi về Việt Nam 03 chuyến hàng xe Piaggio. Dũng đã lo giấy tờ và nhận đầy đủ, giao cho Công ty Đại Phi Mã bán.
Tháng 07 năm 1996 Trực giao cho Dũng lo tìm mua quota để nhận tiếp 242 xe Piaggio về Việt Nam. Dũng tìm mua hạn ngạch nhập khẩu nhưng không được, Dũng đã báo lại cho Trực biết, Trực vẫn thúc giục Dũng lo tiếp và Dũng hứa sẽ lo được quota. Do vậy Trực không thông báo cho phía nước ngoài dừng việc chuyển hàng về Việt Nam.
Ngày 25-09-1996 tàu Mekông Harmony chở 05 Container chứa 242 xe gắn máy hiệu Piaggio nhập cảng Cát Lở- Vũng Tàu, phía nhận hàng là Công ty dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico). Nhưng thực chất lô hàng này Trực chỉ đạo cho Motor World gửi về Việt Nam để kinh doanh. Việc ghi người nhận là Công ty Savico vì Savico là đầu mối nhập khẩu các lô trước, còn lần này Savico chưa ký hợp đồng ngoại để nhập xe máy nên Savico từ chối. Trực chỉ đạo Dũng tiếp tục tìm lo mua quota. Thông qua sự môi giới của Phan Thị Cẩm Vân, Dũng tìm mua được quota nhập khẩu 237 xe gắn máy tại Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu và du lịch Bộ Quốc phòng (Hacota) với giá 14.220 USD. Dũng lập hợp đồng mua bán số 180 ngày 10-12-1996 để Nguyễn Hoài Linh- Giám đốc Công ty Đại Phi Mã ký với Trịnh Đình Vinh - Giám đốc Công ty Hacota. Do hạn ngạch cấp ngày 02-12-1996 nhưng lô hàng 242 xe Piaggio nhập về từ 25-09-1996 nên Savico từ chối ký hợp đồng uỷ thác, vì vậy hợp đồng trên không thực hiện được. Dũng nhận lại 14.220 USD của Công ty Hacota và mang về nhà cất giữ. (Sau khi bị bắt giữ, Dũng đã viết giấy cho vợ là Nguyễn Thanh Việt giao nộp số tiền trên cho cơ quan an ninh điều tra).
Sau khi xác định Công ty Savico không phải là chủ lô xe máy trên và thời gian lưu bãi quá hạn không có người đứng ra nhận hàng, Cục hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định 02/HC ngày 17-03-1997 tịch thu sung công quỹ Nhà nước 242 xe gắn máy Piaggio không xác định được chủ sở hữu.
Khi biết được tin lô hàng bị tịch thu và việc tìm mua quota không có kết quả, Trực không dám đứng ra nhận lô hàng của mình và Trực vẫn chỉ đạo Dũng tìm cách xin lại lô hàng. Dũng đã báo và xin ý kiến Trực để thông tin cho Công ty Motor World đứng ra nhận là chủ hàng với lý do người mua hàng trả về, để tái xuất lô hàng trên và chịu mọi chi phí các khoản phạt, Dũng liên hệ các cơ quan có thẩm quyền nhưng không được giải quyết.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 209/HSST ngày 25-12-1998 Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã áp dụng điểm b khoản 2 Điều 97 Bộ luật Hình sự xử phạt:
1. Nguyễn Trung Trực 5 năm tù về tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
2. Nguyễn Văn Dũng 5 năm tù về tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian đã tạm giam ngày 30-06-1997 đến ngày 09-05-1998.
Áp dụng Điều 33 Bộ luật Hình sự; tịch thu sung công quỹ 242 xe gắn máy Piaggio (hiện nay Sở Tài chính đã bán đấu giá).
Tịch thu sung công quỹ 150.000.000 đồng (hiện nay Công an tỉnh đang gửi kho bạc ngày 16-07-1997).
Sau khi xử sơ thẩm Nguyễn Trung Trực có đơn kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự, Nguyễn Văn Dũng kháng cáo kêu oan.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 2292/HSPT ngày 20-09-2000 Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng điểm b khoản 2 Điều 154, khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt Nguyễn Trung Trực 5 năm tù; Nguyễn Văn Dũng 5 năm tù, đều về tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Tại Quyết định số 22 ngày 19-04-2001 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị quyết định về hình phạt tại Bản án hình sự phúc thẩm số 2292 ngày 20-09-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm để huỷ quyết định về hình phạt tại Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên. Giao hồ sơ cho cấp phúc thẩm xét xử lại theo hướng giảm hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số45/UBTP- HS ngày 02-11-2001 Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự phúc thẩm số 2292/HSPT ngày 20-09-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Quyết định kháng nghị số 38 ngày 11 tháng 6 năm 2002 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm để giảm hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.
XÉT THẤY:
Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Văn Dũng đã nhập 242 xe gắn máy nhãn hiệu Piaggio vào Việt Nam để kinh doanh mặc dù không có giấy phép nhập khẩu là vi phạm pháp luật Việt Nam, hàng phạm pháp có giá trị rất lớn nên hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3 Điều 97 Bộ luật Hình sự). Nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, chỉ có các bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, Viện Kiểm sát không kháng nghị theo hướng tăng nặng nên Toà án cấp phúc thẩm đã áp dụng khoản 2 Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 1999 và giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
Sau khi có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tại Quyết định giám đốc thẩm số 45/UBTP ngày 02-11-2001 Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã nhận định các hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã quyết định đối với các bị cáo không phải là nặng và đã giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự phúc thẩm số 2292/HSPT ngày 20-09-2000 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Quyết định kháng nghị số 38 ngày 11-06-2002 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Quyết định số 45/UBTP ngày 02-11-2001 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giảm hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo, nhưng trong Bản kháng nghị cũng không nêu được các căn cứ cho việc giảm hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.
Đối với số hàng nhập lậu và 150 triệu đồng dùng vào việc mua quota trái phép của các bị cáo đã bị tịch thu là đúng pháp luật, không thể coi quyết định này là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Do đó, không có căn cứ để giảm án và cho các bị cáo được hưởng án treo như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào Điều 254 Bộ luật Tố tụng Hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Giữ nguyên quyết định về hình phạt tại Quyết định số45/UBTP- HS ngày 02-11-2001 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 154, khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt:
+ Nguyễn Trung Trực 5 (năm) năm tù về tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
+ Nguyễn Văn Dũng 5 (năm) năm tù về tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian đã bị tạm giam từ ngày 30-06-1997 đến ngày 09-05-1998.
2. Các quyết định khác của Quyết định giám đốc thẩm nêu trên không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ bác Kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Bản kháng nghị không nêu được căn cứ cho việc giảm hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 11:31:04 SA