Quyết định số 08/2003/hđtp-ds ngày 26-02-2003 về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá

Chủ đề   RSS   
  • #264643 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định số 08/2003/hđtp-ds ngày 26-02-2003 về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá

    Số hiệu

    08/2003/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số08/2003/hđtp-ds ngày 26-02-2003 về vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá

    Ngày ban hành

    26/02/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ08/2003/HĐTP-DS NGÀY 26-02-2003
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP QUYỀN
    SỞ HỮU NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ
     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .....................

    Tại phiên toà ngày 26-02-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án về tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá giữa các đương sự :

    Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam; có trụ sở tại phòng l03 K1 Tập thể Thành Công, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, do ông Nguyễn Quốc Hoài là giám đốc đại diện;

    Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương, có trụ sở tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, do ông Nguyễn Hữu Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn làm đại diện theo uỷ quyền;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ông Đặng Minh Tuấn, trú tại nhà số 12, ngõ 9, phố Sơn Tây, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;

    2. Ông Nguyễn Tuấn Anh, trú tại nhà số 9, Lê Gia Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

    NHẬN THẤY:

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam do ông Nguyễn Quốc Hoài làm giám đốc được thành lập theo giấy phép số35/GP-UB ngày 11-12-1993 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và được bổ sung chức năng kinh doanh mặt hàng ăn uống theo Quyết định số3730/QĐ-UB ngày 14-10-1995 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

    Ngày 30-05-1996, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam ký hợp đồng thuê nhà số 47 Trần Xuân Soạn của ông Nguyễn Hữu Lâm với thời hạn 3 năm để mở nhà hàng ăn uống có tên gọi là Nhà hàng Phù Đổng. Nhà hàng Phù Đổng do 5 người góp vốn kinh doanh là các ông: Nguyễn Quốc Hoài, Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Hữu Long (ông Thành và ông Long là em ruột của ông Lâm). Trong quá trình kinh doanh dịch vụ ăn uống thì ngày 31-07-1998, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận số 32102 (Theo Quyết định số 2905/QĐNH ngày 19-09-1999) bảo hộ nhãn hiệu Nhà hàng Phù Đổng với lô gô gồm có hình vẽ nhà hàng và hình người cưỡi ngựa cho dịch vụ cửa hàng ăn uống giải khát thuộc nhóm 42. Do hết hạn hợp đồng thuê nhà và ông Lâm không cho thuê nữa nên ngày 26-07-1999, các ông Hoài, Tuấn Anh và Tuấn đã lập giấy bán phần tài sản đầu tư vào cửa hàng cho ông Lâm với giá 260.000.000 đồng một suất, ba suất là 780.000.000 đồng. Sau đó các ông Hoài, Tuấn Anh và Tuấn thuê nhà số 32 Thi Sách để mở lại nhà hàng Phù Đổng.

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương được thành lập theo giấy phép số 4503 GP/TLDN ngày 17-07-1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Hữu Thành làm giám đốc được phép kinh doanh mặt hàng ăn uống. Ngày 18-07-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương thành lập nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn để kinh doanh ăn uống, giải khát và giao cho ông Lâm làm chủ nhà hàng.

    Vào ngày 23-11-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có ký hợp đồng với báo Hà Nội mới để thông báo chuyển địa điểm nhà hàng Phù Đổng từ nhà số 47 Trần Xuân Soạn về nhà số 32 Thi Sách. Sau đó, ngày 08-12-1999, ông Lâm có ký hợp đồng với báo Hà Nội mới để đăng lời cám ơn của nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương vào các ngày 07, 08, 09 tháng 12 năm 1999 với nội dung là nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương số 47 Trần Xuân Soạn Hà Nội, chúng tôi xin chân thành cám ơn quý khách đã dành tình cảm đến với nhà hàng chúng tôi trong thời gian qua... đồng thời, có sử dụng một phần lô gô mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã đăng ký bảo hộ là hình vẽ nhà hàng in trên góc tờ đăng tin quảng cáo.

    Ngày 20-12-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có đơn khởi kiện về việc ông Lâm vi phạm quyền nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Ngày 27-01-2000, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương có đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận số 35309 (theo Quyết định số 2314/QĐNH ngày 30-10-2000) bảo hộ nhãn hiệu chữ Phù Đổng Thiên Vương cho dịch vụ buôn bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, đại lý mua, đại lý bán, ký gửi hàng hoá; mua bán đồ ăn thức uống các loại thuộc nhóm 35.

    Ngày 19-10-2001, Cục Sở hữu công nghiệp có Công văn số 305 thu hồi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá nêu trên đối với nhóm dịch vụ mua bán đồ ăn thức uống các loại và cho rằng đó là sai sót của Cục Sở hữu công nghiệp khi làm giấy chứng nhận bảo hộ.

    Theo ông Hoài, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam thì việc ông Lâm lấy tên nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương là xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã đăng ký bảo hộ là Phù Đổng. Ông Lâm phải dỡ bỏ biển hiệu đang treo trước cửa nhà hàng vì cố tình tạo nên nhầm lẫn cho khách hàng. Ông Lâm phải chấm dứt việc quảng cáo sai sự thật cũng như việc sử dụng nhãn hiệu mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Namđã đăng ký bảo hộ khi quảng cáo.

    Theo lời trình bày của ông Lâm thì nhà hàng ăn uống của ông lấy tên gọi nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương là hoàn toàn đúng vì nhà hàng này nằm ở phố Phù Đổng Thiên Vương và thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương. Việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đăng thông báo chuyển địa điểm từ nhà số 47 Trần Xuân Soạn sang nhà số 32 Thi Sách là việc làm trái thoả thuận 2 bên đã ký ngày 26-07-1999 và nhằm gây khó khăn cho ông khi mở nhà hàng ở nhà số 47 Trần Xuân Soạn. Do vậy, ông phải đăng quảng cáo vào các ngày 07, 08, 09-12-1999, nhưng nội dung quảng cáo của ông không có gì sai, còn hình vẽ ông sử dụng ở góc tờ quảng cáo chính là hình ảnh ngôi nhà của ông. Do vậy, ông không chấp nhận một yêu cầu nào của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam.

    Theo lời trình bày của các ông Tuấn Anh và Tuấn thì hai ông nhất trí với lời khai của ông Hoài và uỷ quyền cho ông Hoài giải quyết.

    Theo lời trình bày của các ông Thành và ông Long thì nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương, nhưng ông Lâm có toàn quyền trong việc kinh doanh, quảng cáo. Đồng thời ông Thành và ông Long cùng uỷ quyền cho ông Lâm giải quyết.

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 28/DSST ngày 07-07-2000, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

    Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đối với ông Nguyễn Hữu Lâm chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương về việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và xử như sau:

    Ông Lâm có trách nhiệm sửa lại phần biển hiệu cửa hàng ở mặt phố (phía gần phố Phù Đổng Thiên Vương) sao cho chữ Phù Đổng Thiên Vương có chung một kích thước để trên cùng một mặt phẳng không gian, có màu sắc và thiết kế dễ đọc.

    Xác nhận việc sử dụng tên gọi nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương, việc quảng cáo của nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương vào Tháng 12-1999 và tháng 01-2000 của ông Lâm trên phương tiện thông tin đại chúng và tại nhà hàng là không xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã đăng ký bảo hộ theo giấy chứng nhận số 32102 ngày 19-09-1999 của Cục Sở hữu công nghiệp.

    Bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về việc xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đối với ông Lâm.

    Bác các yêu cầu khác của các đương sự.

    Ngày 21-07-2000, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam kháng cáo không đồng ý quyết định của Bản án sơ thẩm.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 181/DSPT ngày 21-11-2001, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đối với ông Nguyễn Hữu Lâm chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương địa điểm nhà số 47 Trần Xuân Soạn về việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và xử như sau:

    Buộc ông Lâm là chủ nhà hàng nhà số 47 Trần Xuân Soạn không được phép sử dụng nhãn hiệu hàng hoá mang biển hiệu nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương và sử dụng lô gô có hình người cưỡi ngựa và dòng chữ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở bao bì đũa ăn và bao bì giấy ăn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát.

    Chấp nhận Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam không yêu cầu ông Lâm phải bồi thường thiệt hại.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Hữu Lâm có đơn khiếu nại cho rằng, nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương nên bị đơn của vụ án phải là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương.

    Tại Quyết định số04/KN-KSXXDS ngày 08-01-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên với nhận định:

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phù Đổng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phù Đổng Thiên Vương đều được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá ở nhóm dịch vụ “Đồ ăn thức uống”. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại Cục Sở hữu công nghiệp có Quyết định số 305 ngày 19-10-2001 thu hồi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 35309 đã cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đối với nhóm dịch vụ “Đồ ăn thức uống” và cho rằng, đó là sai sót của Cục Sở hữu công nghiệp khi làm giấy chứng nhận bảo hộ. Như vậy, nhóm dịch vụ “Đồ ăn thức uống” của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương không được bảo hộ chữ Phù Đổng Thiên Vương khi có chủ nhà hàng khác xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá trong cùng nhóm dịch vụ. Việc rút bảo hộ đó của Cục Sở hữu công nghiệp không đồng nghĩa với việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Vì Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chữ nhà hàng Phù Đổng, còn Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương lấy tên cửa hàng là Phù Đổng Thiên Vương. Giữa hai cụm từ này hoàn toàn khác nhau về kết cấu của câu và số lượng chữ của biển hiệu, không thể gây nhầm lẫn cho khách hàng. Mặt khác, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương có trụ sở tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn và có một mặt trụ sở nằm trên mặt phố Phù Đổng Thiên Vương. Vì vậy, việc đăng biển Phù Đổng Thiên Vương cũng là bình thường, không xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam, không gây nhầm lẫn cho khách hàng và không vi phạm các quy định của pháp luật về việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ. Nhưng án phúc thẩm buộc ông Lâm phải dỡ bỏ biển hiệu Phù Đổng Thiên Vương là chưa có cơ sở.

    Mặt khác, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương được thành lập theo quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gồm 2 sáng lập viên là ông Nguyễn Hữu Thành và ông Nguyễn Hữu Long. Nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đứng tên đăng ký và nộp thuế làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, nay có tranh chấp về biển hiệu cửa hàng, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đưa ông Nguyễn Hữu Lâm 1à bị đơn của vụ kiện trong khi ông Lâm không phải là thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương là chưa chính xác.

    Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm nêu trên.

    XÉT THẤY:

    Ngày 18-07-1999, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương thành lập nhà hàng kinh doanh ăn uống, giải khát tại nhà số 47 Trần Xuân Soạn và lấy tên là Phù Đổng Thiên Vương. Đến Tháng 12-1999, ông Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương có đăng lời cám ơn của nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương trên báo không đúng sự thật nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam có đơn khởi kiện gửi đến Toà án và Cục Sở hữu công nghiệp khiếu nại về việc ông Lâm đã có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam đã được bảo hộ. Ngày 02-02-2000, Cục Sở hữu công nghiệp đã có Công văn số105/SHCN-KN trả lời Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam là nếu ông Lâm sử dụng nhãn hiệu Phù Đổng Thiên Vương thì hành vi đó có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng và bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ nhãn hiệu hàng hoá, được quy định tại Điều 805 Bộ luật Dân sự. Ngày 14- 02-2000, ông Nguyễn Thanh Hồng là phó phòng quản lý pháp chế Cục Sở hữu công nghiệp cũng có ý kiến là ông Lâm hiện đang kinh doanh nhà hàng ăn uống thì việc quảng cáo của ông Lâm là xâm phạm đến quyền sở hữu nhãn hiệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam, cụ thể là xâm phạm chữ Phù Đổng và xâm phạm hình ảnh nhà hàng. Ngày 30-10-2000, Cục Sở hữu công nghiệp có Quyết định số 2314/QĐNH cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 35309 cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đối với dịch vụ buôn bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, đại lý mua, đại lý bán, ký gửi hàng hoá, nhưng tại giấy chứng nhận số 35309 lại ghi bảo hộ nhãn hiệu chữ Phù Đổng Thiên Vương cho các dịch vụ nêu trên và có thêm cụm từ mua bán đồ ăn thức uống các loại thuộc nhóm 35. Tuy nhiên, Cục Sở hữu công nghiệp đã thừa nhận đây là sai sót trong quá trình hoạt động nghiệp vụ của Cục Sở hữu công nghiệp, không phản ánh quá trình xem xét nội dung đơn đăng ký theo các quy định của pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá. Cục Sở hữu công nghiệp đã khẳng định là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương không có quyền sử dụng nhãn hiệu Phù Đổng Thiên Vương đối với dịch vụ “mua bán đồ ăn thức uống”. Ngày 19-10-2001, Cục Sở hữu công nghiệp có Quyết định số 305/QĐ.KN thu hồi  giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 35309 đã cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương đối với nhóm dịch vụ “mua bán đồ ăn thức uống”. Việc rút bảo hộ này của Cục Sở hữu công nghiệp đồng nghĩa với việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương không được lấy tên biển hiệu cửa hàng ăn uống, giải khát là Phù Đổng Thiên Vương. Vì vậy, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương làm đại diện không được phép sử dụng nhãn hiệu hàng hoá mang biển hiệu nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương và sử dụng lô gô có hình người cưỡi ngựa và dòng chữ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở bao bì đũa ăn và bao bì giấy ăn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát là đúng.

    Nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương do Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương thành lập, đồng thời cũng chính do Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương có đơn gửi Cục Sở hữu công nghiệp để đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho cửa hàng là Phù Đổng Thiên Vương. Nay có tranh chấp về biển hiệu cửa hàng thì Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương phải tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn mới đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Thành là giám đốc đại diện đã được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời, ông Thành với tư cách là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương lại uỷ quyền cho ông Lâm chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở nhà số 47 Trần Xuân Soạn có trách nhiệm giải quyết mọi vướng mắc liên quan đến pháp luật đối với vụ kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam. Vì vậy, quyền lợi của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương vẫn được bảo đảm, nên chỉ cần sửa lại bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là người đại diện theo uỷ quyền là được. Do đó, không cần thiết phải huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 181/DSPT ngày 21-11-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án dân sự sơ thẩm số 28/DSST ngày 07-07-2000 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về việc giải quyết tranh chấp nhãn hiệu hàng hoá giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam và ông Lâm để đưa Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn.

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;

    Căn cứ vào Điều 785, khoản 3 Điều 805 Bộ luật Dân sự;

    Căn cứ vào Điều 6 (1.b) Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về Sở hữu công nghiệp;

    Căn cứ vào Điều 11 Nghị định số 70/CP ngày 12-06-1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án.

    QUYẾT  ĐỊNH:

    Sửa Bản án dân sự phúc thẩm số 181/DSPT ngày 21-11-2001 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và xử như sau:

    Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là chủ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở nhà số 47 Trần Xuân Soạn làm đại diện không được phép sử dụng nhãn hiệu hàng hoá mang biển hiệu nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương và sử dụng lô gô có hình người cưỡi ngựa và dòng chữ nhà hàng Phù Đổng Thiên Vương ở bao bì đũa ăn và bao bì giấy ăn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát.

    Chấp nhận sự tự nguyện Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam không yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là người đại diện phải bồi thường thiệt hại.

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Phù Đổng Thiên Vương do ông Lâm là người đại diện phải nộp 50.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

    Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoài Nam không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí là 50.000 đồng đã nộp tại hoá đơn số 000548 ngày 21-01-2000 do Đội Thi hành án quận Hai Bà Trưng thu và tiền dự phí kháng cáo là 50.000 đồng nộp tại hoá đơn số 005033 ngày 21-07-2000 do Phòng Thi hành án thành phố Hà Nội thu, tổng cộng là 100.000 đồng.

    Lý do sửa Bản án phúc thẩm:                      

    Bên nguyên đơn đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá đối với biển hiệu Phù Đổng cùng lôgô của Nhà hàng ăn uống. Về nội dung, Toà án cấp phúc thẩm đã quyết định đúng bản chất của sự việc, nhưng xác định không đúng bị đơn trong vụ án, nên Hội đồng giám đốc thẩm đã sửa lại địa vị tham gia tố tụng.

     

     
    3398 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận