Quyết định số 05/2004/hđtp-ds ngày 25-03-2004 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán

Chủ đề   RSS   
  • #264754 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định số 05/2004/hđtp-ds ngày 25-03-2004 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán

    Số hiệu

    05/2004/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số05/2004/hđtp-ds ngày 25-03-2004 về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán

    Ngày ban hành

    25/03/2004

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ05/2004/HĐTP-DS NGÀY 25-03-2004
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN 

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .......................

    Tại phiên toà ngày 25-03-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án  tranh chấp hợp đồng mua bán phân urê giữa các đương sự:

    -Nguyên đơn: Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long.

    Địa chỉ: số 37/5B Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, có ông Lê Chia Vi là Giám đốc đại điện.

    - Bị đơn: Xí Nghiệp tư doanh Quốc Cường.

    Địa chỉ: số 79/22b  Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, có bà Nguyễn Thị Như Loan là giám đốc đại diện.

    NHẬN THẤY

    Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường (viết tắt là Xí nghiệp Quốc Cường) do bà Nguyễn Thị Như Loan làm giám đốc đại diện và Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long (viết tắt là Xí nghiệp Phước Long) do ông Lê Chia Vi làm giám đốc đại diện đã ký 02 hợp đồng mua bán phân urê.

    - Nội dung của hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001 là:

    Điều 1: Xí nghiệp Quốc Cường bán cho Xí nghiệp Phước Long 2.200 tấn phân urê sản xuất và đóng bao tại Indonesia

    Điều 2: Quy cách theo tiêu chuẩn hàng nhập khẩu; Bên Xí nghiệp Phước Long xem xét chất lượng hàng tại kho trước khi đặt cọc tiền mua cho Xí nghiệp  Quốc Cường,  không chịu trách nhiệm về chất lượng.

    Điều 3: Địa điểm giao nhận hàng tại kho Tân Quy - Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh; Bên Xí nghiệp Phước Long chịu chi phí bốc hàng và các khoản phí lưu kho.

    Điều 4: Phương thức thanh toán: Tổng trị giá 2.200 tấn ´ 2.251.500đ/tấn =4.953.300.000 đ (bao gồm cả thuế GTGT); thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, ngay sau khi ký hợp đồng xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường l0% trị giá hợp đồng (990.660.000 đồng), số tiền ký quỹ này được tính vào lô hàng sau cùng, thanh toán đến đâu nhận hàng đến đó. Lãi suất Xí nghiệp Phước Long phải trả cho Xí nghiệp Quốc Cường được tính từ ngày bên Xí nghiệp Phước Long đặt cọc 20% cho đến khi hết lô hàng (mức lãi suất 0,7%/tháng). Thời gian thực hiện nhận lô hàng không quá 45 ngày, nếu quá thời hạn trên mà Xí nghiệp Phước Long không nhận hết hàng thì Xí nghiệp Quốc Cường có quyền bán lô hàng còn lại. Số tiền tổn thất về giá, các phí lãi vay, lưu kho bãi bên Xí nghiệp Quốc Cường sẽ trừ vào tiền đặt cọc của Xí nghiệp Phước Long.

    Điều 5: Cam kết chung: hai bên cam kết thực hiện các điều khoản ghi trong hợp đồng, nếu có khó khăn trở ngại thì cùng nhau bàn bạc giải quyết trên tinh thần hợp tác hoặc ký bổ sung phụ kiện hợp đồng, bên nào làm sai bên đó bồi thường thiệt hại cho bên kia. Ngoài ra các bên không được đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Mọi thay đổi bổ sung phải được hai bên thống nhất bằng văn bản mới có giá trị thực hiện.Trường hợp có tranh chấp xảy ra nếu không giải quyết bằng thương lượng, sẽ đưa ra Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết. Hợp đồng có giá trị từ ngày ký đến khi thanh lý xong.

    Thực hiện hợp đồng này Xí nghiệp Phước Long đã ký quĩ 20% trị giá hợp đồng bằng 990.660.000đ. Ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận số lượng phân urê tương đương số tiền 335.248.350 đồng.

    - Nội dung của hợp đồng số02/PL-QC ngày 15-06-2001 là: Số lượng 2.453 tấn 903 kg phân urê Indonesia sản xuất và đóng bao tại Việt Nam. Tổng trị giá 2.453 tấn 903kg x 1.870.000 đồng/tấn =. 4.588.798.610 đồng, Xí nghiệp Phước Long ký quỹ 10% trị giá hợp đồng; Tất cả các thoả thuận khác trong hợp đồng này cũng giống như ở hợp đồng trên.

    Thực hiện hợp đồng này Xí nghiệp Phước Long đã ký quỹ 10% trị giá hợp đồng bằng 453.972.055 đồng. Từ ngày 27-06-2001 đến 23-08-2001 Xí nghiệp Phước Long có nộp tiền 2.337.500.000 đồng để nhận 1.250 tấn phân urê và ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận 206 tấn 903 kg tương đương số tiền 386.908.610 đồng.

    Hết thời hạn 45 ngày (đối với hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001 là ngày 21-07-2001 và hợp đồng số02/PL-QC ngày 15-06-2001 là ngày 30-07-2001) hai bên có công vãn trao đổi qua lại cho nhau như sau:

    - Ngày 04-08-2001, Xí nghiệp Quốc Cường có công văn với nội dung: Căn cứ vào tinh thần nội dung của hai hợp đồng trên (cụ thể Điều 4) Xí nghiệp Phước Long đã vi phạm về thời gian thực hiện lô hàng. Để đảm bảo tình hình tài chính, quay vòng vốn nên Xí nghiệp Quốc Cường quyết định bán lô hàng mà Xí nghiệp Phước Long chưa thực hiện nhận hàng, cụ thể sẽ bán 100 tấn phân urê với giá 2.000đ/kg của hợp đồng số01/PL-QC, 200 tấn phân urê với giá l.900đ/kg của hợp đồng số02/PL-QC.

    Cùng ngày, Xí nghiệp Phước Long có công văn trả lời là: Do tình hình nước lũ đang lên hàng tiêu thụ chậm, do đó Xí nghiệp Phước Long không kịp thực hiện đúng thời gian của hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001 và hợp đồng số02/PL-QC ngày 15-06-2001. Để đảm bảo tình hình tài chính vòng quay vốn của Xí nghiệp Quốc Cường, Xí nghiệp Phước Long đồng ý theo tinh thần công văn ngày 04-08-2001. Với số lượng hàng còn lại đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện thêm 2 tháng nữa, mọi thiệt hại Xí nghiệp Phước Long cam kết đền bù thoả đáng cho Xí nghiệp Quốc Cường.

    - Công văn số 62/CVQC ngày 07-08-2001, Xí nghiệp Quốc Cường có thông báo chỉ đồng ý cho Xí nghiệp Phước Long được gia hạn 50% trong tổng số lượng 4.653 tấn 903 kg phân urê trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày 45 (ngày hết hạn hợp đồng) cụ thể như sau:

    Hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001, ngày được gia hạn 21-07-2001 đến ngày           19-08-2001, số lượng được gia hạn 1.100 tấn = 2.476.650.000đ.

    Hợp đồng số02/PL-QC ngày 15-06-2001, ngày được gia hạn 30-07-2001 đến ngày  28-08-2001, số lượng được gia hạn 1.226 tấn 951,5 kg = 2.294.399.305đ. Xí nghiệp Quốc Cường không thể gia hạn thêm một thời gian nào nữa nếu đến hết thời gian trên, xí nghiệp Phước Long không nộp tiền để nhận hết số lượng phân còn lại thì Xí nghiệp Quốc Cường sẽ bán hàng và thanh lý. Ghi chú: Số lượng phân urê mà Xí nghiệp Phước Long đã nhận trong 50% chưa hết, do đó chúng tôi đã bán số lượng còn lại trong 50% này. Giá bán và ngày bán chúng tôi sẽ thông báo đến Xí nghiệp Phước Long bằng chứng từ số lượng cụ thể rõ ràng. Đơn giá của phân urê đóng bao tại Việt Nam chúng tôi đã bán 1.900đ/kg (cả thuế VAT). Mong Xí nghiệp Phước Long cố gắng nộp tiền và nhận hàng trong thời gian sớm nhất.

    - Công văn số 08/08 ngày 09-08-2001 của Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường: Do tình hình nước lũ đang lên cao hàng tiêu thụ chậm, do đó Xí nghiệp Phước Long không kịp thực hiện đúng thời gian của hai hợp đồng. Đồng ý theo công văn ngày 04-08-2001 của Xí nghiệp Quốc Cường và đề nghị gia hạn thêm '' tháng nữa, mọi thiệt hại Xí nghiệp Phước Long cam kết đền bù thoả đáng và chấp nhận chịu lãi quá hạn".

    - Công văn số 19/08/PLCV ngày 17-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi tiếp  cho Xí nghiệp Quốc Cường là chỉ chấp nhận cho Xí nghiệp Quốc Cường bán: 100 tấn phân urê sản xuất đóng bao tại Indonesia với giá 2000đ/kg và 200 tấn phân urê sản suất và đóng bao tại Việt Nam. Do tình hình vụ mua chưa đến, sức mua chậm chính Xí nghiệp Phước Long là người bị thiệt hại như: Phải tồn đọng vốn, tiền ký quỹ, số tiền này chỉ được trừ vào lô hàng sau cùng, phải đóng lãi Ngân hàng, phải đóng tiền thuê kho, sức mua yếu, Xí nghiệp Phước Long bị thiệt- Xí nghiệp Quốc Cường được hưởng lãi. Thời gian xin gia hạn là 2 tháng cho hai hợp đồng, tự nguyện bị phạt lãi suất 150%.

    Cùng ngày, Xí nghiệp Quốc Cường có Công văn số 66/CVQC: Không thể đáp ứng đề nghị gia hạn của Xí nghiệp Phước Long, vì nguồn vốn này chúng tôi phải đi vay phải trả cho Ngân hàng đúng hạn. Xí nghiệp Quốc Cường rất tiếc là không thể thoả thuận được gì ngoài tinh thần Công văn số 62 ngày 07-08-2001 và thông báo lần cuối là thời gian gia hạn cho hai hợp đồng cũng gần hết hạn, nếu Xí nghiệp Phước Long không nộp tiền để nhận hàng, bắt buộc Xí nghiệp Quốc Cường phải bán số lượng còn lại để thu hồi vốn trả nợ vay cho Ngân hàng. Về giá có thông báo cho Xí nghiệp Phước Long căn cứ trên hoá đơn bán hàng của Xí nghiệp Quốc Cường, Xí nghiệp Quốc Cường không thể chờ sự đồng ý của Xí nghiệp Phước Long, Xí nghiệp Quốc Cường đang thực hiện đúng theo Điều 4 của hai hợp đồng.

    - Công văn số 20/8CVPL ngày 18-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường với nội dung: Mặc dù 02 hợp đồng mua bán phân bón đã hết hạn, Xí nghiệp Phước Long có xin gia  hạn và được Xí nghiệp Quốc Cường chấp thuận gia hạn và đến hôm nay vẫn đang thực hiện. Xí nghiệp Phước Long xin nhắc nhở để thực hiện hợp đồng kinh tế nếu không giải quyết bằng con đường thương lượng có tình có lý, bình đẳng thì chính Toà án thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có đủ thẩm quyền phán quyết chúng ta phải chấp hành, chứ chúng ta không có quyền đơn phương huỷ hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký kết (theo Điều 5), Xí nghiệp Phước Long vẫn bảo lưu ý kiến ở 3 công văn mà Xí nghiệp Phước Long đã gửi cho Xí nghiệp Quốc Cường.

    - Công văn số 72/CVQC ngày 27-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường gửi Xí nghiệp Phước Long: Căn cứ Điều 4 của hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001. Căn cứ Công văn số 62 ngày 07-08-2001 của Xí nghiệp Quốc Cường về thoả thuận gia hạn thêm 30 ngày với số lượng phân urê trong hợp đồng số01/PL-QC. Nay thời gian gia hạn đã hết từ ngày 19-08-2001 với số lượng phân urê còn lại là 1.100 tấn, vì tồn kho quá lâu nên đã bị vón cục, giảm giá trị thương mại, cho nên Xí nghiệp Quốc Cường chỉ giao dịch bán được với giá 1.970đ/kg. Xí nghiệp Quốc Cường thông báo để Xí nghiệp Phước Long biết để có cách giải quyết theo đúng tinh thần đã ký kết trong hợp đồng. Đến hết ngày 28-08-2001 Xí nghiệp Phước Long không có cách giải quyết thì buộc lòng Xí nghiệp Quốc Cường phải bán số lượng phân còn lại để thu hồi vốn, mọi chi phí phát sinh liên quan đến số lựơng hàng này Xí nghiệp Quốc Cường sẽ thực hiện đúng như Điều 4 của hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001.

    - Công văn số 21/8 ngày 27-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường: Căn cứ hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001, trước mắt Xí nghiệp Phước Long vẫn bảo lưu ý kiến trong Công văn số 20/08 ngày 18-08-2001. Xí nghiệp Phước Long rất ngạc nhiên, bằng Công văn số 72 ngày 27-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường đại diện quyết định đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Bằng công văn này kính báo điện Xí nghiệp Quốc Cường đã vi phạm Điều 5 của hợp đồng buộc lòng Xí nghiệp Phước Long phát đơn kiện yêu cầu Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết.

    - Công văn số 73/CVQC ngày 28-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường gửi Xí nghiệp Phước Long: Xí nghiệp Quốc Cường tuân thủ thực hiện những cam kết trong hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001, vì quá thời hạn đã cam kết nên chúng tôi mới thông báo đến Xí nghiệp Phước Long chủ động có hướng giải quyết, nhưng từ đó đến nay Xí nghiệp Phước Long vẫn không thực hiện mà chỉ đòi gia hạn thêm hai tháng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của chúng tôi, vì vậy chúng tôi chỉ chấp nhận gia hạn thêm 01 tháng với 50% số lượng hàng trong hợp đồng, ngoài ra vì để đảm bảo kế hoạch kinh doanh buộc lòng chúng tôi phải thực hiện thu hồi vốn khi mà Xí nghiệp Phước Long đã cố tình không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Như vậy, chúng tôi vẫn đang thực hiện theo nội dung hợp đồng này, hoàn toàn khác với ý kiến của Xí nghiệp Phước Long cho rằng Xí nghiệp Quốc Cường đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Để giảm bớt thiệt hại cho cả hai bên, một lần nữa mong Xí nghiệp Phước Long sớm nhận hàng và thanh toán cho Xí nghiệp Quốc Cường, nếu đến 12 giờ ngày 29-08-2001 Xí nghiệp Phước Long không nhận số hàng còn lại thì buộc lòng  Xí nghiệp Quốc Cường phải thực hiện theo nội dung của Công văn số 72 ngày 27-08-2001.

    - Công văn số 22/8CVPL ngày 28-08-2001 Xí nghiệp Phước Long gửi Xí nghiệp Quốc Cường. Về việc thực hiện hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001, Xí nghiệp Phước Long thông báo Xí nghiệp Quốc Cường đã vi phạm Điều 5 của hợp đồng mà hai bên đã ký kết, Xí nghiệp Phước Long vẫn bảo lưu ý kiến Công văn số 21/8 ngày 27-08-2001 , Xí nghiệp Phước Long buộc lòng phải phát đơn kiện yêu cầu Toà kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết.

    Ngày 05-09-2001 Xí nghiệp Phước Long đã ký 2 hóa đơn nhận hàng: Hoá đơn 148 tấn 900 kg - HĐ 01, hoá đơn 206 tấn 903 kg -HĐ 02, thực tế đến ngày 26+27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long mới nhận hàng để trừ vào tiền ký quỹ theo biên bản thanh lý ngày 04-09-2001 do Xí nghiệp Quốc Cường lập.

    Tại đơn khởi kiện ngày 10-09-2001 : Xí nghiệp Phước Long căn cứ theo Điều 5 của 2 hợp đồng cho rằng Xí nghiệp Quốc Cường đã gây thiệt hại lớn cho Xí nghiệp Phước Long, nên yêu cầu Xí nghiệp Quốc Cường trả lại tiền ký quỹ và bồi thường thiệt hại do không giao hàng tương ứng với số tiền ký quỹ là 2.167.113. 150 đồng yêu cầu trả ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

    Ông Nguyễn Duy Cân đại diện cho Xí nghiệp Quốc Cường trình bày: Xí nghiệp Quốc Cường không còn nợ gì Xí nghiệp Phước Long, vì theo Điều 4 của 2 hợp đồng thì Xí nghiệp Phước Long có lỗi không nhận hàng đúng thời hạn, nên thiệt hại hoàn toàn thuộc về Xí nghiệp Phước Long, Xí nghiệp Quốc Cường đã nhiều lần làm công văn yêu cầu, Xí nghiệp Phước Long phải chuyển tiền và nhận hàng nhưng Xí nghiệp Phước Long nại ra những lý do không chính đáng, số hàng Xí nghiệp Quốc Cường bán ra thị trường hoàn toàn ngoài thời gian mà Xí nghiệp Quốc Cường đã ra hạn cho Xí nghiệp Phước Long. Số tiền Xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường đã trừ vào các khoản như: Tiền chênh lệch giá bán hàng, các loại phí, số lượng hàng mà Xí nghiệp Phước Long đã nhận theo biên bản thanh lý hai hợp đồng do Xí nghiệp Quốc Cường lập ngày 04-09-2001, nên Xí nghiệp Quốc Cường không còn nợ gì Xí nghiệp Phước Long.

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 1573/DSST ngày 10-09-2002, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

    1 -Buộc XNTD Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan là Giám đốc đại diện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hai hợp đồng mua bán phân Urê cho Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi là Giám đốc đại diện số tiền 1587.928.893 đồng ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

    Kể từ ngày XNCB gỗ Phước Long có đơn xin thi hành án, nếu DNTD Quốc Cường chưa thanh toán số tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu thêm số tiền theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định với thời gian chưa thi hành án.

    2- Bác một phần yêu cầu của nguyên đơn bằng số tiền là 579.184.257 đồng. Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm.

    Ngày 11-09-2002 Xí nghiệp Quốc Cường có đơn kháng cáo toàn bộ nội  dung bản án sơ thẩm.

    Ngày 16-09-2002 Xí nghiệp Phước Long kháng cáo yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại và thanh toán lãi suất đến ngày Toà Phúc thẩm tuyên án.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 07-03-2003, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm:

    - Buộc DNTD Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (đại diện) có trách nhiệm bồi thường 2/3 thiệt hại của hai hợp đồng mua bán phân Urê cho Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi (đại diện) số tiền là 1.587.925.893 đồng.

    Bác yêu cầu của ông Lê Chia Vi đại diện cho XNCB gỗ Phước Long đòi DNTD Quốc Cường phải bồi thường thiệt hại tiếp số tiền 1/3 của Hợp đồng là 579.184.257 đồng.

    Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật phía XNCB gỗ Phước Long yêu cầu DNTD Quốc Cường phải thi hành số tiền theo yêu cầu của XNCB gỗ Phước Long, nếu DNTD Quốc Cường chậm thi hành thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn do  Ngân hàng Nhà nước quy định với thời gian chưa thi hành án.

    Ngoài ra Bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi xét xử phúc thẩm Xí nghiệp Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan đại diện tiếp tục có đơn khiếu nại.

    Tại Quyết định số134/KN-VKSTC-V5 ngày 08-12-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên với nhận định: Quá trình thực hiện hợp đồng phía Xí nghiệp Phước Long thực hiện đúng phần ký quỹ là đã nộp cho Xí nghiệp Quốc Cường 1.444.632.055 đồng; nhưng Xí nghiệp Phước Long lại vi phạm thời gian thực hiện hợp đồng (hạn cuối cùng của hợp đồng số01/PL-QC là ngày 21-07-2001 và hợp đồng số02/PL-QC là ngày 30-07-2001), hết hạn 45 ngày Xí nghiệp Phước Long không nhận hàng nên ngày 04-08-2001 Xí nghiệp Quốc Cường đã có công văn nhắc nhở. Nếu căn cứ Điều 4 hợp đồng ký kết Xí nghiệp Quốc Cường có quyền bán lô hàng còn lại; nhưng thực tế Xí nghiệp Quốc Cường không bán hàng ngay mà đã có tinh thần hợp tác, tạo điều kiện cho Xí nghiệp Phước Long thực hiện hợp đồng nên sau khi có công văn nhắc nhở, Xí nghiệp Quốc Cường lại có nhiều công văn thương lượng đồng ý gia hạn một tháng đối với 50% số lượng hàng. Thực tế Xí nghiệp Phước Long vẫn tiếp tục vi phạm thời gian gia hạn (hạn của hợp đồng số01/PL-QC là 19-08-2001 và hợp đồng số02/PL-QC là ngày 28-08-2001) đến ngày 26, 27-10-2001 (quá gần 2 tháng) Xí nghiệp Phước Long mới nhận hàng có tổng trị giá 722.156.960 đồng trừ vào tiền ký quỹ (số tiền ký quỹ hiện còn là 722.475.095đ). Mặc dù Xí nghiệp Phước Long không ký biên bản thanh lý hợp đồng ngày 04-09-2001 nhưng lại ký nhận hàng trừ vào tiền ký quỹ theo biên bản thanh lý hợp đồng ngày 04-09-2001 đây là chứng cứ khẳng định Xí nghiệp Phước Long đã mặc nhiên thừa nhận thanh lý hợp đồng. Như vậy, Xí nghiệp Phước Long ngoài lỗi vi phạm thời hạn hợp đồng, còn vi phạm thời gian gia hạn hợp đồng. Lẽ ra, Tòa án các cấp phải xem xét lỗi trên của Xí nghiệp Phước Long và thiện chí hợp tác của Xí nghiệp Quốc Cường để xác định lỗi thuộc Xí nghiệp Phước Long và buộc Xí nghiệp Phước Long phải bồi thường thiệt hại hợp đồng cho Xí nghiệp Quốc Cường (ngoài các tổn thất đã quy định trong hợp đồng) mới đúng; nhưng Bản án phúc thẩm lại nhận định cho rằng Xí nghiệp Quốc Cường đã bán hàng trong thời gian gia hạn hợp đồng là có lỗi chính nên phải chịu 2/3 thiệt hại hợp đồng và xử buộc Xí nghiệp Quốc Cường phải bồi thường cho Xí nghiệp Phước Long 1.587.925.893 đồng là không đúng sự thật khách quan vụ kiện, chưa đảm bảo quyền lợi của Xí nghiệp Quốc Cường.

    Việc Xí nghiệp Quốc Cường bán phân urê trong thời gian từ ngày 08-08-2001 đến ngày 15-08-2001 là hoàn toàn chính đáng và không có lỗi bởi số hàng bán ra trong số lượng 50% lô hàng quá thời hạn hợp đồng (Xí nghiệp Quốc Cường chỉ đồng ý gia hạn 50% lô hàng) Xí nghiệp Quốc Cường có quyền bán để thu hồi vốn trả Ngân hàng đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh. Mặt khác, phân urê là loại hàng rất dễ chảy nước và vón cục, nếu kéo dài quá lâu thời gian theo yêu cầu của Xí nghiệp Phước Long, phân sẽ bị kém phẩm chất, thiệt hại đến hoạt động kinh doanh của Xí nghiệp Quốc Cường. Lý do Xí nghiệp Phước Long nại ra ''do bị bão lụt không nhận hàng được...'' nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận. Nay tranh chấp hợp đồng phải căn cứ các điều khoản qui định trong hợp đồng đã ký kết để xem xét lỗi và buộc trách nhiệm tương ứng với lỗi mới đúng.

    Vì vậy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm: Huỷ án sơ thẩm, phúc thẩm giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm theo thủ tục chung.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên các yêu cầu kháng nghị nêu trên.
     

    XÉT THẤY

    Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan đại diện và Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi đại diện ký kết với nhau lại hợp đồng mua bán phân urê.

    Hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001 , số lượng 2.200 tấn phân urê sản xuất và đóng bao tại Indonesia, tổng trị giá 4.953.300.000 đồng. Thực hiện hợp đồng này, Xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường 20% trị giá hợp đồng với số tiền là 990.660.000 đồng. Ngày 27- 10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận 148 tấn 900 kg tương đương với số tiền 335.248.394 đồng để trừ vào tiền ký quỹ (theo hoá đơn ngày 05-09-2001).

    Hợp đồng số02/PL-QC ngày 15-06-2001 số lượng 2.453 tấn 903 kg phân Urê sản xuất và đóng bao tại Việt Nam, tổng trị giá 4.588.798.610 đồng. Thực hiện hợp đồng này, Xí nghiệp Phước Long ký quỹ cho Xí nghiệp Quốc Cường 10% trị giá hợp đồng với số tiền là 453.972.055 đồng. Theo bản tường trình của Xí nghiệp Quốc Cường thì  từ ngày 27-06-2001 đến ngày 23-08-2001 Xí nghiệp Phước Long nộp 2.337.500.000 đồng để nhận 1.250 tấn phân và ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long nhận 206 tấn 903 kg tương đương với số tiền 386.908.610 đồng để trừ vào tiền ký quỹ (theo hoá đơn ngày 05-09-2001).

    Hết thời hạn 45 ngày của cả hai hợp đồng hai bên có nhiều công văn trao đổi qua lại cho nhau. Tuy không thống nhất được với nhau bằng văn bản, nhưng thời gian Xí nghiệp Quốc Cường gia hạn cho Xí nghiệp Phước Long thêm 30 ngày nữa đối với 50% số lượng hàng, của hai hợp đồng là không trái pháp luật được coi là thời gian gia hạn hợp đồng.

    Đối với hợp đồng số01/PL-QC ngày 06-06-2001 : Trong thời gian hợp đồng và thời gian gia hạn hợp đồng, Xí nghiệp Phước Long không nộp tiền, không nhận hàng. Đến ngày 27-10-2001 Xí nghiệp Phước Long mới nhận 148 tấn 900 kg phân urê để trừ vào tiền ký quỹ và theo bản tường trình của Xí nghiệp Quốc Cường thì trong thời gian gia hạn hợp đồng Xí nghiệp Quốc Cường bán chưa đến 50% lượng hàng của hợp đồng này. Như vậy, nếu không có chứng cứ gì khác thì Xí nghiệp Quốc Cường không vi phạm hợp đồng và thời gian gia hạn, nên Xí nghiệp Quốc Cường không có lỗi, không phải bồi thường thiệt hại cho Xí nghiệp Phước Long.

    Đối với hợp đồng số02/PL-QC ngày 15-06-2001: Theo bản tường trình của Xí nghiệp Quốc Cường về việc thực hiện hợp đồng này thì trong thời hạn hợp đồng và thời gian gia hạn hợp đồng Xí nghiệp Phước Long có nộp tiền và nhận một nửa số lượng hàng. Do vậy ở hợp đồng này cần phải điều tra xem xét đối với một nửa số lượng hàng là Xí nghiệp Quốc Cường gia hạn cho Xí nghiệp Phước Long thì Xí nghiệp Quốc Cường có bán hàng trong thời gian gia hạn hay không và bán số lượng là bao nhiêu.

    Như vậy, hai hợp đồng  trên có quá trình thực hiện khác nhau, lỗi của các bên cũng khác nhau và cách giải quyết hai hợp đồng này không thể giống nhau như Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã giải quyết. Cần phải điều tra, xem xét đánh giá việc thực hiện và lỗi của các bên trong  từng hợp đồng.

    Ngoài ra, Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều lấy số tiền ký quỹ của hai hợp đồng để làm căn cứ bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ lỗi của các bên là không đúng với hợp đồng và các qui định của pháp luật về tiền ký quỹ. Thiệt hại ở hai hợp đồng này có thể là tiền lưu kho lưu bãi, lãi phải trả Ngân hàng, thiệt hại do không được nhận hàng nên Xí nghiệp Phước Long phải mua hàng với giá cao để thực hiện hợp đồng với các đơn vị khác, nay Xí nghiệp Phước Long bị phạt do không có hàng giao cho các đơn vị khác... Trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, Xí nghiệp Phước Long chưa xác định được thiệt hại thực tế là bao nhiêu. Do đó, cần phải huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, xem xét việc thực hiện từng hợp đồng, xác định lỗi của các bên, xác định thiệt hại và giải quyết việc bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi điều tra, xét xử sơ thẩm lại vụ án, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải xem xét làm rõ thêm về thẩm quyền giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự hay thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế theo đúng quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 41/DSPT ngày 07-03-2003 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự sơ thẩm số 1573/DSST ngày 10-09-2002 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử việc tranh chấp hợp đồng mua bán phân Urê giữa nguyên đơn là Xí nghiệp chế biến gỗ Phước Long do ông Lê Chia Vi là Giám đốc đại diện với bị đơn là Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan là giám đốc đại diện.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để điều tra, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. 

    Lý do các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm  bị huỷ:

    Hai bên ký kết hai hợp đồng khác nhau nhưng Toà án giải quyết như nhau là không đúng. Thiệt hại ở hai hợp đồng cũng chưa được xác minh rõ ràng. Hơn nữa, cần làm rõ đây là vụ án kinh tế hay vụ án dân sự.

     

     
    3697 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận