Quyết định số 05/2003/hđtp-ds ngày 25-02-2003 về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất

Chủ đề   RSS   
  • #264636 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định số 05/2003/hđtp-ds ngày 25-02-2003 về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất

    Số hiệu

    05/2003/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số05/2003/hđtp-ds ngày 25-02-2003 về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất

    Ngày ban hành

    25/02/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ05/2003/HĐTP-DS NGÀY 25-02-2003
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .....................

    Tại phiên toà ngày 25-02-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đương sự :

    Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1959; trú tại ấp Long Hoà, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu,tỉnh Tây Ninh;

    Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Sư, sinh năm 1936; trú tại ấp Thuận Lâm, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh,

     

    NHẬN THẤY :

    Theo bà Nguyễn Thị Thu trình bày: Năm 1984, cụ Nguyễn Thị Tắc (mẹ của ông Nguyễn Văn Sư) bán cho bà Thu một phần đất thổ cư có diện tích 1.000m2 (mặt đường dài 25m, sâu 40m) có chỉ ranh đất. Hai bên thoả thuận giá 15.000đồng, nhưng cụ Tắc yêu cầu giao bằng 3 bao đạm Urê, việc mua bán không làm giấy tờ. Sau khi mua đất, bà Thu có đổ 7 xe đất để làm nền nhà. Năm 1986, bà Thu được cử đi học 3 năm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1989, lúc bà Thu đi học trở về thì được biết Nhà nước cho phép chuyển quyền sử dụng đất, nên mới làm giấy mua bán, nhưng cụ Tắc đã chết năm 1987. Vì vậy, bà Thu đã viết giấy sang nhượng đất để ông Nguyễn Văn Xi (con cụ Tắc) xác nhận và được Uỷ ban nhân dân xã Lợi Thuận (nơi có đất sang nhượng) thị thực ngày 31-08-1989. Năm 1990, ông Mừng (con trai cả cụ Tắc) đến gặp bà Thu xin chuộc lại đất, nhưng bà Thu không đồng ý. Năm 1993, ông Nguyễn Văn Sư thuê người hốt đất của bà Thu đã đổ trước ra lề đường và đổ đất khác vào, bà Thu đã đề nghị Uỷ ban nhân dân xã giải quyết nhưng không có kết quả. Năm 1994, ông Sư đã kê khai và được cấp Giấy chứng nhận 9.127m2 trong đó có cả phần đất đang tranh chấp. Năm 1997 và 1998 ông Sư tiếp tục đổ thêm đất vào phần đất nêu trên. Ngày 25-07-1998, bà Thu khởi kiện yêu cầu ông Sư trả bà phần đất đã mua của cụ Tắc.

    Ông Sư thì cho rằng, mẹ của ông không bán đất cho bà Thu mà do ông Xi bán. Sau khi mẹ của ông chết (1987) thì năm 1990, anh em ông đã phân chia đất trong đó có phần đang tranh chấp, nên không đồng ý yêu cầu của bà Thu.

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 16/DSST ngày 30-10-1998 Toà án nhân dân huyện Bến Cầu quyết định :

    - Buộc ông Nguyễn Văn Sư giao trả bà Nguyễn Thị Thu 1.000m2 đất có tứ cận Đông và Tây giáp đất ông Sư 40m, Nam giáp lộ đá đỏ 25m, Bắc giáp đất ông Sư 25m thuộc thửa 67 diện tích 2.014m2 và thửa 68 diện tích 1.260m2, tờ bản đồ số 5 xã Lợi Thuận và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C116253 của Uỷ ban nhân dân huyện Bến Cầu cấp cho ông Sư ngày 15-08-1994.

    - Kiến nghị Uỷ ban nhân dân huyện Bến Cầu thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Sư và điều chỉnh lại diện tích đất của ông Sư và bà Thu nêu trên.

    Ngày 03-11-1998, ông Sư kháng cáo và ngày 25-11-1998 trong tờ trình bổ sung ông Sư cho rằng: đất trên là di sản thừa kế của cha ông, việc mua bán giữa mẹ ông với bà Thu (nếu có) hoặc giữa ông Xi với bà Thu đều trái pháp luật, cần phải huỷ bỏ.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 13/DSPT ngày 26-12-1998, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định y án sơ thẩm.

    Ông Sư khiếu nại Bản án phúc thẩm trên.

    Tại Kháng nghị số 79/DS ngày 31-05-2000, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho rằng, giấy sang nhượng đất ruộng giữa cụ Tắc và bà Thu chỉ là giấy do ông Xi sau này lập để xin chính quyền xác nhận khi cụ Tắc đã chết chứ không phải là giấy mua bán giữa cụ Tắc với bà Thu. Mặt khác, nếu có việc sang nhượng vào năm 1984 cũng là vô hiệu vì vi phạm Luật Đất đai năm 1987.Nhưng hai cấp Toà án đã xử công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và buộc ông Sư phải giao đất cho bà Thu là không đúng.

    Ngày 05-07-2000, Đội Thi hành án huyện Bến Cầu có Công văn số 32/CV.THA nêu: Ngày 02-04-1999 đã cưỡng chế thi hành án giao đất cho bà Thu.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số 214 ngày 20-09-2000, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh điều tra xét xử sơ thẩm.

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 38/DSST ngày 28-09-2001, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định :

    1. Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu ông Nguyễn Văn Sư giao 1.000m2 đất.

    Buộc ông Nguyễn Văn Sư giao trả bà Nguyễn Thị Thu 1.000m2 đất toạ lạc tại ấp Thuận Chánh, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, có tứ cận : Đông giáp đất bà Tắc 40m, Tây giáp đất ông Hoa 40m, Nam giáp lộ đá đỏ 25m, Bắc giáp đất bà Tắc 25m; thuộc thửa số 67 diện tích 2.014m2 và thửa số 68 có diện tích 1.260m2, theo tờ bản đồ số 5 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C116253 ngày 15-08-1994 do Uỷ ban nhân dân huyện Bến Cầu cấp cho ông Sư.

    Buộc bà Thu phải thanh toán cho ông Sư chi phí tiền đổ đất 6.120.000đồng.

    Kiến nghị Uỷ ban nhân dân huyện Bến Cầu thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Sư để điều chỉnh lại diện tích đất của ông Sư và bà Thu cho phù hợp với quyết định này.

    2. Án phí sơ thẩm dân sự: Ông Sư phải chịu 142.000đồng, bà Thu phải chịu 306.000đồng.

    Ngày 08-10-2001, ông Sư kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm không đưa ông Xi vào tham gia tố tụng là vi phạm. Đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng kháng nghị nêu trên.

    Ngày 13-10-2001, bà Thu kháng cáo không đồng ý trả cho ông Sư 6.120.000đồng tiền đổ đất.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 91/DSPT ngày 13-05-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 38/DSST ngày 28-09-2001 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

    Ngày 10-06-2002, ông Sư có đơn khiếu nại Bản án phúc thẩm trên.

    Ngày 09-10-2002, Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1088/VPT3/2002 đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị Bản án phúc thẩm trên.

    Tại Kháng nghị số03/KN-VKSTC-KSXXDS ngày 08-01-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giải quyết lại vụ án theo hướng huỷ Bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại phúc thẩm.

    XÉT THẤY:

    Bà Nguyễn Thị Thu trước sau đều khai năm 1984 cụ Nguyễn Thị Tắc có bán cho bà 1.000m2 đất tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh với giá 15.000đồng, do yêu cầu của bên bán nên bà Thu đã trả bằng 3 bao đạm Urê; lúc mua bán không làm giấy tờ. Năm 1987, cụ Tắc chết. Năm 1989, bà Thu mới làm giấy sang nhượng để ông Nguyễn Văn Xi (con cụ Tắc) ký chứng kiến việc mua bán đó và được Uỷ ban nhân dân xã Lợi Thuận xác nhận ngày 31-08-1989.

    Ông Xi xác nhận có ký giấy sang nhượng đất do bà Thu xuất trình, nhưng lúc thì khai mẹ ông cho ông bán đất để lo thuốc thang cho mẹ của ông, (BL 20), lúc lại khai năm 1984, mẹ ông đã bán đất cho bà Thu.Do thời điểm bán đất còn chế độ bao cấp, mua đạm Urê khó khăn, nên mẹ ông đã đồng ý nhận 3 bao Urê; việc giao nhận đất và đạm Urê có ông chứng kiến. Do chính sách lúc đó phải đưa đất vào tập đoàn, sợ Nhà nước lấy đất cấp cho người khác nên mẹ ông đã bán đất cho bà Thu (BL 74,75).

    Từ năm 1982 đến năm 1986, cụ Tắc và ông Xi cũng đã 4 lần sang nhượng đất cho 4 người là: Ông Trương Văn Dung, bà Trương Thị Thôi, ông Bùi Văn Quận và ông Hồ Văn Sương; các ông bà nêu trên đều khai cụ Tắc có bán đất cho bà Thu (BL 11, 13, 15, 17).

    Ngày 24-12-1998, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Bến Cầu, ông Nguyễn Văn Mừng (anh ông Xi) khai: lúc mẹ ông còn sống, ông có nghe về việc bán đất cho bà Thu, sau đó, ông có đến gặp bà Thu để dàn xếp bồi hoàn cho êm xuôi. Cũng tại biên bản đó, chính ông Sư khai khoảng năm 1990, ông cùng con rể ông Hổi (ông Hổi là anh ông Sư) có đến nhà bà Thu gặp mẹ bà Thu yêu cầu thối lại 3 bao Urê để lấy lại đất nhưng mẹ bà Thu không đồng ý (BL 77). Như vậy, có đủ cơ sở xác định năm 1984, cụ Tắc đã nhượng 1.000m2 đất cho bà Thu với giá 15.000 đồng, cụ Tắc đã nhận đủ tiền và giao đất cho bà Thu sử dụng. Đến khi cụ Tắc chết, (1987) các con của cụ Tắc không ai khiếu nại về việc mua bán đó. Như vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cụ Tắc với bà Thu diễn ra trước ngày 15-10-1993. Theo hướng dẫn tại điểm 4 mục II Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 10-08-1996 của Toà án nhân dân tối cao,Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự, thì đã hết thời hiệu khởi kiện về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặt khác, năm 1984, sau khi cụ Tắc nhượng đất cho bà Thu, thì bà Thu đã trực tiếp quản lý, sử dụng và đổ thêm đất để làm nền nhà. Năm 1993, ông Sư mới đến tranh chấp với bà Thu, hốt đất của bà Thu đã đổ trước đây đi, đổ đất khác vào và chiếm lại đất. Do đó, năm 1994, Uỷ ban nhân dân huyện Bến Cầu lại cấp cho ông Sư Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ Tắc đã bán cho bà Thu cũng là sai. Vì vậy, Toà án cấp phúc thẩm đã xử chấp nhận yêu cầu đòi đất của bà Thu; buộc ông Sư trả đất cho bà Thu; bà Thu thanh toán trả ông Sư tiền đổ đất; kiến nghị Uỷ ban nhân dân huyện Bến Cầu thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Sư để điều chỉnh lại diện tích đất của ông Sư và bà Thu cho phù hợp là có căn cứ.

    Vì lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH :

    Giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 91/DSPT ngày 13-05-2002 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu với bị đơn là ông Nguyễn Văn Sư.                                            

    Lý do của việc không chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

    Trong vụ án này có đủ cơ sở để xác định năm 1984 cụ Nguyễn Thị Tắc đã bán 1.000m2 đất cho bà Nguyễn Thị Thu. Hai bên đã giao nhận đủ tiền, đất cho nhau. Năm 1987, cụ Tắc chết, các con của cụ không có khiếu nại gì về việc đó. Năm 1993, ông Nguyễn Văn Sư (con trai cụ Tắc) mới đến tranh chấp với bà Thu. Từ 1998 đến 2002, qua bốn lần xét xử, các Toà án đều chấp nhận việc mua bán giữa cụ Tắc và bà Thu. Việc xét xử như vậy của các Toà án là đúng. Hơn nữa, theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và Điều 56 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự thì đã hết thời hiệu khởi kiện về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ khi xảy ra tranh chấp); do đó, không có căn cứ để chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

     
    2778 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận