Quyết định số 02/2004/hđtp-ds ngày 25-02-2004 về vụ án tranh chấp nhà, đất

Chủ đề   RSS   
  • #264738 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4356 lần


    Quyết định số 02/2004/hđtp-ds ngày 25-02-2004 về vụ án tranh chấp nhà, đất

    Số hiệu

    02/2004/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số02/2004/hđtp-ds ngày 25-02-2004 về vụ án tranh chấp nhà, đất

    Ngày ban hành

    25/02/2004

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ02/2004/HĐTP-DS NGÀY 25-02-2004
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP NHÀ, ĐẤT

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .....................

    Tại phiên toà ngày 25-02-2004 xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng tặng cho, di chúc nhà đất giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Dương Văn Minh

    Bị đơn: Ông Dương Văn Tường

    Cùng trú tại thôn Đông, xã Phụng Thương, huyện Phúc Thọ, Tỉnh Hà Tây

    NHẬN THẤY:

    Vợ chồng cụ Dương Văn Hảo (chết năm 1990) và cụ Trần Thị Tảo (chết năm 1987) có 4 con chung là Dương Thị Phát, Dương Văn Tường, Dương Văn Minh, Dương Văn Vĩnh.

     Sinh thời các cụ tạo lập được 04 thửa đất. Khi còn sống các cụ đã chia đất cho 3 con trai các thửa sau:

    - Ông Tường thửa số 426 có diện tích 566m 2,

    - Ông Minh thửa số 657 có diện tích 476m 2,

    - Ông Vĩnh thửa số 656 có diện tích 366m 2,

    Ngoài ra, còn có một thửa ao, tại bản đồ năm 1967 chia làm 2 thửa, thửa số 470 có diện tích 570m2 do cụ Hảo đứng tên, Thửa số 471 có diện tích 620m2 do ông Tường đứng tên. Nhưng có ghi bà Phát 144m2 trong thửa 471. Năm 1978 bà Phát ly hôn chồng về ở trong căn nhà tranh ở góc ao cùng bố mẹ và được bố mẹ cho thêm 72m2 đất nữa. Năm 1991 thửa số 471 được tách làm hai là thửa số 592 có diện tích 409m2 do ông Tường đứng tên, thửa số 593 có diện tích 214m2 do bà Phát đứng tên. Năm 1994 - 1996 có sự điều chỉnh đổi số thửa và xác định lại diện tích số thửa số 592 đổi thành thửa số 660 ghi diện tích là 445m2 đứng tên ông Tường, thửa 593 đổi thành thửa 659 ghi diện tích là 196m2 đứng tên bà Phát.

    Sau khi bố mẹ chết, năm 1990 do nhà cũ dột nát bà Phát đã làm lại nhà (nhà 2 gian) và đã quản lý, sử dụng diện tích đất (thửa số 659) cho đến khi chết.

    Tháng 12-1998 bà Phát ốm phải đi bệnh viện, vì không có tiền trả nợ nên bà Phát đã gọi anh em, nội tộc đến để xin phép được bán nhà đất. Ngày 28-01-1999 bà Phát làm giấy nhượng cho anh Dương Văn Vân là con trai ông Dương Văn Minh 120m2 đất có 1 gian nhà. Ngày 03-02-1999 bà Phát lập di chúc có nội dung ngoài phần nhà đất đã nhượng cho anh Vân, phần còn lại 4 thước đất cho ông Dương Văn Minh là em trai thừa hưởng. Nhưng ông Tường không đồng ý với lý do nhà và đất là của ông cho bà Phát ở nhờ.

    Tại Bản án sơ thẩm dân sự số 11/DSST ngày 27-08-1999 Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây quyết định:

    - Bà Dương Thị Phát có quyền sử dụng 199,7m2 đất ở thửa số 593 và có quyền sở hữu 2 gian nhà xây lợp ngói có trên diện tích đất trên.

    - Ông Dương Văn Minh có quyền hưởng tài sản bà Phát để lại theo di chúc, cụ thể được quyền sử dụng 79,7m2 đất ở tại thửa 593 và được sở hữu 1 gian nhà trên đất (có sơ đồ kèm theo).

    - Bác yêu cầu đòi sở hữu nhà đất trên của ông Dương Văn Tường.

    Ngày 28-08-1999 ông Dương Văn Tường có đơn kháng cáo.

    Tại Bản án phúc thẩm dân sự số 14/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:

    Bác yêu cầu của ông Dương Văn Minh đòi sở hữu 1 gian nhà trên 79,7m2 đất trong thửa số 471 tờ bản đồ số 4B tại thôn Đông, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây.

    Sau khi xét sử phúc thẩm bà Đặng Thị Lý (vợ ông Dương Văn Minh) có đơn khiếu nại với nội dung: Thửa đất tranh chấp là của bà Dương Thị Phát, nhà là do bà Phát tự làm và đã ở đến khi chết. Vì hiểu biết pháp luật có hạn nên trong di chúc chỉ ghi cho đất không ghi nhà. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại.

    Tại Quyết định số85/KN-KSXXDS ngày 27-12-2001, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định giám đốc thẩm số18/GĐT-DS ngày 25-01-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:

    Huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 14/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 11 ngày 27-08-1999 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ xử việc chia nhà đất thừa kế giữa nguyên đơn là ông Dương Văn Minh và bị đơn là ông Dương Văn Tường.

    Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, Phòng Thi hành án tỉnh Hà Tây có Công văn số 267/THA ngày 22-10-2002 đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm nêu trên với lý do: Sau khi có Bản án phúc thẩm dân sự số 14 ngày 26-01-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây thì Đội Thi hành án huyện Phúc Thọ đã thi hành án giao cho ông Tường quản lý nhà đất như án đã tuyên. Ông Tường đã phá 2 gian nhà cũ và xây lại nhà mới , nhưng khi xử giám đốc thẩm Toà Dân sự Toà án tối cao không xem xét đến việc tài sản trên đất tranh chấp đã thay đổi. Đề nghị lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao xem xét, xử lý tài sản phát sinh khác với bản án sơ thẩm đã tuyên.

    Tại Quyết định số 69/KNDS ngày 15-10-2003 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số18/GĐT-DS ngày 25-01-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, với nhận định:

    Nhà đất tranh chấp là của bà Phát nên bà Phát có quyền định đoạt. Toà án cấp sơ thẩm và giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao xử chấp nhận cho ông Minh được sở hữu, sử dụng nhà đất tranh chấp là đúng. Nhưng do cơ quan thi hành án địa phương đã thi hành xong bản án của cấp phúc thẩm, ông Tường đã phá nhà cũ của bà Phát, làm nhà khác trên đất tranh chấp. Việc làm phát sinh tài sản này có trước khi xử giám đốc thẩm, nhưng Quyết định giám đốc thẩm nói trên không xem xét giải quyết là thiếu sót. Bởi vậy cần phải kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm nêu trên để định giá phần tài sản mới phát sinh và giải quyết đồng thời trong vụ án.

    Tại Kết luận số02/KL-VKSTC-V5 ngày 14-01-2004 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Quyết định Kháng nghị trên của Chánh án.

    XÉT THẤY:

    Nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là của vợ chồng cụ Dương Văn Hảo, Trần Thị Tảo. Theo bản đồ năm 1967 thì phần đất tranh chấp nằm trong 620m2 thuộc thửa đất số 471 do ông Dương Văn Tường đứng tên, nhưng có ghi tên bà Dương Thị Phát 144m2. Năm 1978 bà Dương Thị Phát ly hôn chồng về ở trong căn nhà tranh ở góc ao cùng bố mẹ và được bố mẹ cho thêm 72m2 đất. sau khi bố mẹ chết, năm 1990 do nhà cũ dột nát, bà Dương Thị Phát đã làm lại nhà (nhà 2 gian) và đã ở trong căn nhà này, sử dụng quản lý 199,7m2 đất từ đó cho đến khi chết.

    Ngày 28-01-1999 bà Dương Thị Phát ký văn tự nhượng đất thổ cư cho anh Dương Văn Vân với diện tích 120m2 . Ngày 03-02-1999 Bà Dương Thị Phát ký và điểm chỉ "di chúc cho người thừa kế đất thổ cư'', trong giấy này sau khi nhắc lại việc bà Phát bán cho anh Dương Văn Vân 120m2 đất để lấy một số tiền trả nợ và điều trị bệnh, thì bà Phát đã khẳng định phần đất còn lại cho ông Dương Văn Minh được thừa hưởng.

    Tại Bản án phúc thẩm dân sự số 14/DSPT ngày 26-01-2000 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây xử bác yêu cầu của ông Dương Văn Minh với lý do giấy di chúc của bà Dương Thị Phát cho ông Dương Văn Minh không ghi nhà, mà chỉ ghi diện tích đất, từ đó cho rằng việc tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án là không đúng. Toà án cấp phúc thẩm chỉ xem xét về mặt hình thức và tố tụng, mà không xem xét đến bản chất của sự việc là cần phải xác định, đánh giá nhà đất tranh chấp là của ai . Do đó, dẫn đến việc giải quyết thiếu cơ sở.

    Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ, năm 1967 thửa số 471 do ông Dương Văn Tường đứng tên và có ghi bà Phát 144m2 cùng nằm trong thửa này, nhưng quá trình sử dụng đất, năm 1991 thửa đất số 471 được chia thành 2 thửa trong đó bà Phát đứng tên thửa số 593 có diện tích 214m2, đến năm 1994 - 1996 thửa số 593 đổi thành thửa số 659 do bà Phát đứng tên với diện tích 196m2. Thực tế bà Phát đã ở và quản lý diện tích đất tranh chấp liên tục từ năm 1978 đến khi chết (ngày 22-02-1999). Các nhân chứng là anh, em, họ nội tộc của ông Dương Văn Tường, bà Dương Thị Phát xác nhận nhà đất tranh chấp là của bà Dương Thị Phát. Tuy nhiên, về số đo các thửa trong các thời kỳ khác nhau, diện tích, số thửa có nhiều biến đổi, chưa thật sự thống nhất về diện tích và hiện nay ông Dương Văn Tường đang tranh chấp diện tích đất này. Do đó cần phải kiểm tra lại thật kỹ sổ sách, giấy tờ và xem xét trên thực địa làm rõ diện tích nhà đất tranh chấp có đúng của bà Dương Thị Phát hay không. Nếu đúng nhà đất tranh chấp là của bà Phát thì bà có quyền định đoạt. Mặt khác, sau khi có Bản án phúc thẩm, ông Dương Văn Tường đã phá nhà cũ làm lại nhà mới, vì vậy cần phải xác minh và giải quyết trong cùng vụ án, phần xây dựng mới này, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

    Bởi lẽ trên, căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH :

    Huỷ Quyết định giám đốc thẩm dân sự số18/GĐT-DS ngày 25-01-2002 của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao, Bản án phúc thẩm dân sự số 14/DSPT ngày 26-01-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây và Bản án dân sự sơ thẩm số 11/DSST ngày 27-08-1999 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây xét xử việc tranh chấp nhà, đất giữa ông Dương Văn Minh và ông Dương Văn Tường.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây điều tra, xét xử lại từ sơ thẩm theo đúng qui định của pháp luật. 
     

    Lý do huỷ Quyết định giám đốc thẩm của Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao và các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm:

    Cần xác định rõ vị trí và diện tích nhà đất đang tranh chấp và xác minh giá trị phần tài sản mới phát sinh để giải quyết trong cùng một vụ án.

     

     
    2696 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận