Quyết định số 01/2003/hđtp-ds ngày 25-02-2003 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

Chủ đề   RSS   
  • #264615 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định số 01/2003/hđtp-ds ngày 25-02-2003 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

    Số hiệu

    01/2003/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định số01/2003/hđtp-ds ngày 25-02-2003 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

    Ngày ban hành

    25/02/2003

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    QUYẾT ĐỊNH SỐ01/2003/HĐTP-DS NGÀY 25-02-2003
    VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    .......................

    Tại phiên toà ngày 25-02-2003, xét xử giám đốc thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa các đương sự :

     

    Nguyên đơn:

    1. Bà Nguyễn Ánh Hồng; trú tại số 154 An Dương Vương, khu 6 thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Bà Bùi Thị Phô, sinh năm 1907; trú tại số 88 Minh Phụng, phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh; uỷ quyền cho bà Nguyễn Ánh Hồng.

    3. Bà Nguyễn Thị Hào, sinh năm 1943; trú tại số 237/11/21Nguyễn Văn Đậu, phường 11quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

    4. Ông Nguyễn Văn Tuyến, sinh năm 1945; trú tại số 88 Minh Phụng, phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

    5. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, sinh năm 1950; trú tại số 88 Minh Phụng, phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

     

    Bị đơn:

    1. Ông Nguyễn Văn Ngọc Chiến, sinh năm 1970; trú tại số 88 Minh Phụng, phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

    2. Ông Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1941; trú tại số 88 Minh Phụng, phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh

    Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:Ông Nguyễn Văn Phước, sinh năm 1948; trú tại số 88 Minh Phụng, phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh

     

    NHẬN THẤY:

    Cụ Bùi Thị Phô và cụ Nguyễn Văn Thiệt sinh được 14 người con trong đó 7 người đã chết, hiện 7 người còn sống gồm bà Nguyễn Ánh Hồng, ông Nguyễn Văn Phương, bà Nguyễn Thị Hào, ông Nguyễn Văn Tuyến, ông Nguyễn Văn Phước, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, ông Nguyễn Văn Ngọc Chiến.

    Cụ Thiệt và cụ Phô là chủ sở hữu bất động sản toạ lạc tại số 88 Minh Phụng, phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh (Bằng khoán điền thổ số 960) và 6 món tài sản trị giá 2,4 triệu đồng.

    Ngày 18-04-1980, cụ Thiệt chết không để lại di chúc. Ngày 23-02-1993, tại Uỷ ban nhân dân phường 5, quận 6 thành phố Hồ Chí Minh, cụ Phô lập di chúc chia toàn bộ tài sản cho 7 người con nói trên với điều kiện các con phải sống hoà thuận, hiếu thảo. Sau khi ký di chúc, các con thường xuyên mâu thuẫn, nên ngày 16-12-1995, cũng tại Uỷ ban nhân dân phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, cụ Phô đã huỷ bỏ di chúc và đề nghị Toà án phân chia quyền thừa kế gia sản của vợ chồng cụ theo pháp luật.

    Theo biên bản định giá ngày 21-12-1995, thì toàn bộ căn nhà số 88 Minh Phụng trị giá 220 lượng vàng 24k. Ông Phương xin được hưởng bằng hiện vật, còn các thừa kế khác đề nghị phát mãi nhà đất, chia đều cho các thừa kế.

     

    Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 64/DSST ngày 04-06-1997, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

     

    1. Xác định căn nhà số 88 Minh Phụng phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh và 6 món tài sản trị giá 2,4 triệu đồng là tài sản chung của cụ Phô và cụ Thiệt mỗi người được hưởng 1/2.

     

    2. Xác định tiền sửa chữa nhà do bà Trinh đã bỏ ra 10. 080.382 đồng tương đương 2 lượng 1 phân 6 ly vàng 24k và ông Chiến bỏ ra 3.226.540 đồng tương đương 6 chỉ 5 phân vàng 24k (loại 9999) được trừ từ tiền tổng trị giá căn nhà để hoàn lại cho bà Trinh, ông Chiến trước khi chia thừa kế.

     

    3. Cụ Thiệt chết, hàng thừa kế thứ nhất của cụ gồm có 8 người: cụ Phô, bà Hồng, bà Hào, bà Trinh, ông Phương, ông Tuyến, ông Phước, ông Chiến. Di sản cụ Thiệt để lại được chia làm 8 kỷ phần cho mỗi thừa kế hàng thứ nhất, mỗi người một kỷ phần là 13,613 lượng vàng 24k.

     

    4. Giao cho ông Phương toàn bộ hiện vật là căn nhà số 88 Minh Phụng phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh và các tài sản: 1 tủ 4 ngăn, 1 tủ nhôm, 1 tủ thờ, 1 tủ ly và 2 bộ ván gỗ. Ông Phương có trách nhiệm hoàn lại cho cụ Phô 1/2 giá trị tài sản và nhà; cho bà Trinh, ông Chiến tiền sửa nhà và 7 kỷ phần thừa kế hàng thứ nhất; cụ thể:

     

    - Cụ Bùi Thị Phô: 122,517 lượng vàng 24k;

     

    - Ông Nguyễn Văn Ngọc Chiến: 14,263 lượng vàng 24k;

     

    - Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh: 15,629 lượng vàng 24k;

     

    - Ông Nguyễn Văn Phước: 13,613 lượng vàng 24k;

     

    - Bà Nguyễn Ánh Hồng: 13,613 lượng vàng 24k;

     

    - Ông Nguyễn Văn Tuyến: 13,613 lượng vàng 24k;

     

    - Bà Nguyễn Thị Hào: 13,613 lượng vàng 24k;

     

    5. Thời hạn giao tiền vàng là 06 tháng, kể từ ngày Toà tuyên án, tại Phòng Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh.

     

    - Trong hạn từ ngày 04 tháng 06 đến ngày 04 tháng 12 năm 1997, nếu ông Phương thi hành án xong thì được sở hữu căn nhà số 88 Minh Phụng phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh và 6 tài sản trên. Quá hạn trên ông Phương không thi hành án, thì cơ quan thi hành án được quyền phát mãi căn nhà số 88 Minh Phụng phường 5, quận 6 và các tài sản trên theo hình thức bán đấu giá. Số tiền thu được giao lại cho cụ Phô và các thừa kế theo tỷ lệ tương ứng.

     

    Về phần án phí dân sự các đương sự phải nộp theo luật định.

    Ngày 12-06-1997, ông Nguyễn Văn Phương có đơn kháng cáo, nêu lý do: xin được hưởng thừa kế bằng hiện vật còn các phần khác tự các thừa kế giải quyết.

    Ngày 08-08-1997, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tạm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm theo Nghị quyết của Quốc hội.

     

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 161/DSPT ngày 01-11-1999, Toà Phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

     

    Căn cứ Điều 69 khoản 2 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, sửa án sơ thẩm;

     

    Căn cứ Điều 233; Điều 678 khoản 1 điểm a; Điều 679 khoản 1 điểm a; Điều 686 khoản 9; Điều 688 khoản 2 Bộ luật Dân sự; tuyên xử:

     

    1. Xác định căn nhà số 88 Minh Phụng phường 5, quận 6,thành phố Hồ Chí Minh trị giá 220 lượng vàng 24k (9999) và 6 món tài sản trị giá 2.400.000 đồng là tài sản chung của cụ Bùi Thị Phô và cụ Nguyễn Văn Thiệt, mỗi người được hưởng 1/2.

     

    2. Xác định tiền sửa chữa nhà do bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh đã bỏ ra 10. 080.382 đồng tương đương 02 lượng 01 phân 06 ly vàng 24k và ông Nguyễn Văn Ngọc Chiến đã bỏ ra 3.226.540 đồng tương đương 06 chỉ 05 phân vàng 24k (loại 9999) được trừ từ tiền tổng trị giá căn nhà để hoàn lại cho bà Trinh, ông Chiến trước khi chia thừa kế.

     

    Di sản của cụ Thiệt để lại được chia cho 8 người gồm cụ Bùi Thị Phô, bà Nguyễn Ánh Hồng, bà Nguyễn Thị Hào, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, ông Nguyễn Văn Phương, ông Nguyễn Văn Tuyến, ông Nguyễn Văn Phước, ông Nguyễn Ngọc Chiến, mỗi người được hưởng một kỷ phần là 13,583 lượng vàng 24k (9999) (mười ba lượng năm chỉ tám phân ba ly vàng 24k) và 150.000 đồng (một trăm năm mươi ngàn đồng).

     

    Giao cho ông Nguyễn Văn Phương toàn bộ căn nhà số 88 Minh Phụng phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Phương có trách nhiệm hoàn lại cho cụ Phô 9/16 trị giá căn nhà; cho bà Trinh, ông Chiến tiền sửa chữa nhà và sáu kỷ phần thừa kế mỗi kỷ phần 1/16 giá trị căn nhà; cụ thể như sau:

     

    - Cụ Bùi Thị Phô: 122,250 1ượng vàng 24k (9999);

     

    - Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh: 15,599 lượng vàng 24k (9999);

     

    - Ông Nguyễn Văn Ngọc Chiến: 14,233 lượng vàng 24k (9999);

     

    - Ông Nguyễn Văn Phước: 13,583 lượng vàng 24k (9999);

     

    - Bà Nguyễn Ánh Hồng: 13,583 lượng vàng 24k (9999);

     

    - Ông Nguyễn Văn Tuyến: 13,583 lượng vàng 24k (9999);

     

    - Bà Nguyễn Thị Hào: 13,583 lượng vàng 24k (9999).

     

    Giao cho bà Nguyễn Ánh Hồng toàn bộ hiện vật gồm: Một tủ bốn ngăn, một tủ nhôm, một tủ thờ, một tủ ly và hai bộ ván gỗ. Bà Nguyễn Ánh Hồng có trách nhiệm hoàn lại cho cụ Phô 1.350.000 đồng, hoàn lại cho bà Trinh, ông Chiến, ông Phước, ông Tuyến, bà Hào, ông Phương mỗi người 150.000 đồng (một trăm năm mươi ngàn đồng).

     

    Thời hạn giao tiền, vàng là 06 tháng kể từ ngày Toà tuyên án (01-11-1999), tại Phòng Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh.

     

    Quá hạn trên, ông Phương, bà Hồng không thi hành án thì cơ quan thi hành án được quyền phát mãi căn nhà số 88 Minh Phụng phường 5, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh và các tài sản trên theo hình thức bán đấu giá. Số tiền, vàng thu được giao lại cho cụ Phô và các thừa kế theo tỷ lệ tương ứng.

     

    Án phí dân sự sơ thẩm:

     

    - Cụ Phô chịu: 3.403.000 đồng.

     

    - Bà Hồng chịu: 3.403.000 đồng, đã nộp 1.750.000 đồng (theo biên lai số 000223 ngày 29-01-1997 của Phòng Thi hành án thành phố Hồ Chí Minh) còn phải nộp tiếp 1.653.000 đồng.

     

    Bà Hào, bà Trinh, ông Chiến, ông Tuyến, ông Phương, ông Phước mỗi người phải nộp 3.403.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

     

    Ông Phương không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, các đương sự trong vụ án không khiếu nại.

    Chị Nguyễn Thị Kim Lệ có đơn khiếu nại với nội dung: Cụ Nguyễn Văn Thiệt và cụ Bùi Thị Phô còn có một người con trai là ông Nguyễn Văn Luông (chết năm 1979), khi chết đã có vợ là bà Hà Thị Thanh và có con là chị (Lệ), nhưng khi giải quyết Toà án không đưa chị vào tham gia tố tụng là không đúng.

    Tại Quyết định kháng nghị số 11/KNDS ngày 14-10-2002, Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên với nhận định:

    Việc cụ Bùi Thị Phô và các đương sự trong vụ án khai rằng: Cụ Nguyễn Văn Thiệt và cụ Bùi Thị Phô sinh được 14 người con, nhưng 7 người con đã chết, hiện chỉ còn sống 7 người. Lời khai này là chưa rõ ràng, đầy đủ. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không tiến hành xác minh trong số 7 người con đã chết thì họ chết năm nào, khi chết có vợ (chồng) và con chưa? Có ai còn sống, hiện đang sống tại đâu?... Sau khi xử phúc thẩm, chị Nguyễn Thị Kim Lệ đã xuất trình tờ hôn thú giữa ông Luông với bà Thanh. Tại tờ hôn thú này ghi rõ bố mẹ của ông Luông là cụ Thiệt và cụ Phô; các đương sự trong vụ án là bà Hồng, bà Trinh, bà Hào, ông Tuyến đã công nhận chị Lệ là con ông Luông và là cháu của cụ Thiệt, cụ Phô. Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không tiến hành điều tra kỹ, dẫn đến bỏ sót người tham gia tố tụng. Mặt khác, tại Toà án cấp phúc thẩm, cụ Phô có yêu cầu tự nguyện cho ông Phương, bà Trinh, ông Chiến mỗi người 10 lượng vàng, nhưng Toà án không ghi nhận sự tự nguyện này của cụ Phô là có thiếu sót.

    Tại Kết luận số212/KL-VKSTC-KSXXDS ngày 11-12-2002,Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết luận với nhận xét: Toà án các cấp không tiến hành điều tra, xác minh làm rõ trong 7 người con của 2 cụ đã chết thì họ chết năm nào, khi chết có vợ (chồng) và con chưa? Nếu có, hiện đang sống tại đâu?... trong khi ông Tuyến, bà Hồng, bà Hào, bà Trinh đều có lời khai thừa nhận (sau khi xử phúc thẩm) chị Lệ là con ông Luông và là cháu của cụ Phô, cụ Thiệt. Do đó, Toà án các cấp không xác minh làm rõ để đưa chị Lệ vào tham gia tố tụng là vi phạm Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 64/DSST ngày 04-06-1997 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự phúc thẩm số 161 ngày 01-11-1999 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để điều tra xét xử lại.

    XÉT THẤY:

    Việc cụ Bùi Thị Phô và các đương sự trong vụ án khai rằng, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Thiệt sinh được 14 người con, nhưng 7 người con đã chết, hiện chỉ còn sống  7 người. Lời khai này là chưa rõ ràng, đầy đủ. Do đó, sau khi xử phúc thẩm, chị Nguyễn Thị Kim Lệ đã xuất trình tờ hôn thú giữa ông Luông với bà Thanh. Tại tờ hôn thú này ghi rõ bố mẹ của ông Luông là cụ Thiệt và cụ Phô; đồng thời, lúc này, các đương sự trong vụ án là bà Hồng, bà Trinh, bà Hào, ông Tuyến đã công nhận chị Lệ là con ông Luông và là cháu của cụ Thiệt, cụ Phô. Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không điều tra kỹ, dẫn đến bỏ sót người tham gia tố tụng. Mặt khác, tại Toà án cấp phúc thẩm, cụ Phô có yêu cầu tự nguyện cho ông Phương, bà Trinh, ông Chiến mỗi người 10 lượng vàng, nhưng Toà án không ghi nhận sự tự nguyện này của cụ Phô là có thiếu sót.

    Vì vậy, cần điều tra làm rõ trong số 7 người con của cụ Thiệt đã chết thì họ chết năm nào? Khi chết có vợ (chồng) và con chưa?... để đưa họ vào tham gia tố tụng, thì mới đảm bảo được quyền lợi của các đương sự.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 4 Điều 77 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự,

    QUYẾT ĐỊNH:

    - Huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 64/DSST ngày 04-06-1997 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bản án dân sự phúc thẩm số 161/DSPT ngày 01-11-1999 của Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Ánh Hồng, cụ Bùi Thị Phô, bà Nguyễn Thị Hào, ông Nguyễn Văn Tuyến, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Ngọc Chiến và ông Nguyễn Văn Phương.

    - Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh điều tra, xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

    Những vấn đề cần chú ý:

    - Qua vụ án trên, Toà án cần phải chú ý là, khi giải quyết tranh chấp di sản thừa kế, nếu không có di chúc thì cần phải nắm chắc các quy định của Bộ luật Dân sự về "Thừa kế theo pháp luật". Cần xác định đầy đủ những người thừa kế theo pháp luật.

    - Khi thụ lý vụ án giải quyết tranh chấp di sản thừa kế, nếu có người thừa kế theo pháp luật đã chết thì cần phải xác định họ chết vào thời điểm nào? Trước hay sau thời điểm mở thừa kế. Khi chết, họ có vợ, con không? Trong trường hợp nào thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị.

    - Việc xác định không đầy đủ những người thừa kế theo pháp luật dẫn đến giải quyết sai vụ án không chỉ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ, mà bản án còn bị huỷ, Toà án phải giải quyết lại vụ án làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài không đáng có.

     

     
    2999 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận