Quyết định ngày 26-4-2005 vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh

Chủ đề   RSS   
  • #264193 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định ngày 26-4-2005 vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh

    Số hiệu

    03/HĐTP-KT

    Tiêu đề

    Quyết định ngày 26-4-2005 vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh

    Ngày ban hành

    26/04/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ03/HĐTP-KT

    NGÀY 26-4-2005 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP 
    HỢP ĐỒNG LIÊN DOANH”

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO 
    ............

    Ngày 26 tháng 4 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng liên doanh giữa:

    Nguyên đơn: Công ty YOU RIH LIH CO.LTD (Đài Loan)

    Đại diện: Bà Uông Thoại Trân, trú tại số 490/29/12, Nguyễn Tri Phương, phường 9, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng

    Đại diện: Ông Huỳnh Triển Bằng, trú tại 267A, Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    Bà Lương Nữ, trú tại 267A, Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11, thành phố Hồ chí Minh.

    NHẬN THẤY:

    Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng được thành lập theo Giấy phép đầu tư số10/GP-LA ngày 01-6-2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An, gồm có:

    Bên Việt Nam: Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng.

    Bên nước ngoài: Công ty YU RIH LIH CO.LTD (Đài Loan).

    Với ngành nghề sản xuất và kinh doanh các loại bao bì giấy carton.

    Vốn đầu tư đăng ký của doanh nghiệp liên doanh là: 500.000 USD.

    Vốn pháp định là: 500.000 USD.

    Trong đó bên Việt Nam góp 250.000 USD chiếm 50% vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng nhà xưởng và máy móc thiết bị.

    Bên nước ngoài góp 250.00 USD chiếm 50% vốn pháp định bằng tiền mặt.

    Thời gian hoạt động của doanh nghiệp liên doanh là 20 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư.

    Công ty liên doanh này hoạt động được hơn một năm, giữa các bên đã xảy ra tranh chấp gay gắt.Hai bên đều có đơn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An xin giải thể Công ty liên doanh.

    Ngày 23-8-2002 Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An ra Quyết định 
    số2749/QĐ-UB chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng; yêu cầu các bên liên doanh thành lập Ban thanh lý doanh nghiệp theo quy đinh tại Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ. Trong thời hạn 30 ngày theo quy định của Nghị định số24/2000/NĐ-CP nêu trên, nhưng các bên không thành lập được Ban thanh lý.

    Ngày 03-8-2002 Công ty YU RIH LIH CO.LTD có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, trong đó có gửi cho Toà án nhân dân tỉnh Long An với nội dung: Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng làm ăn bất chính, sổ sách không rõ ràng và đề nghị xem xét giải thể Công ty liên doanh; với giải pháp là: -Quyết toán lời lỗ rõ ràng, định giá tài sản, nếu phía Đài loan mua hoặc phía Việt Nam mua thì bán đấu giá.

    Ngày 02-9-2002 Công ty YU RIH LIH CO.LTD có đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân tỉnh Long An đề nghị giải quyết.

    Ngày 26-9-2002 Toà án nhân dân tỉnh Long An có công văn số 319/TA gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An và Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Long An đề nghị cho biết Uỷ ban nhân dân tỉnh có thành lập Ban thanh lý tài sản hay không? để Toà án có cơ sở giải quyết vụ án. Ngày 10-10-1002 Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An có công văn số3600/CV-UB gửi Toà án nhân dân tỉnh Long An thông báo là Uỷ ban nhân dân tỉnh không thành lập Ban thanh lý và chấp nhận để hai bên trong liên doanh chuyển hồ sơ sang Toà án giải quyết.

    Ngày 17-10-2002 Toà án nhân dân tỉnh Long An thụ lý vụ án.

    Ngày 25-4-2003 Toà án nhân dân tỉnh Long An ra Quyết định số 06 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản của Công ty liên doanh.

    Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 01/KTST ngày 14-10-2003 Toà án nhân dân tỉnh Long An đã quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu của ông Yu Stung Ming và ông Huỳnh Triển Bằng về việc xin chấp dứt hợp đồng liên doanh ngày 01-4-2001 giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng và Công ty YU RIH LIH CO.LTD (Đài loan).

    Chấp nhận yêu cầu của ông Yu Stung Minh xin rút vốn bằng cách nhận toàn bộ tài sản của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng và buộc ông Yu phải hoàn trả số nợ của liên doanh cho các doanh nghiệp và cá nhân sau đây:

    1- Bà Lương Lệ Hà: 206.503.150 đồng

    2- Cơ sở Hồng Phát: 300.000.000 đồng

    3- Trịnh Quan Phú: 60.000.000 đồng

    4- Cung Văn Hùng: 150.000.000 đồng

    5- Cơ sở Tân Phú Thịnh: 198.388.690 đồng

    6- Công ty TNHH Vạn Phát: 200.000.000 đồng

    - Buộc ông Huỳnh Triển Bằng hoàn lại cho ông Yu Stung Ming phần vốn sau khi khấu trừ là:1.646.915.645 đồng.

    - Ông Yu Stung Ming phải làm thủ tục sau khi chấm dứt hợp đồng liên doanh với Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng trước cơ quan chức năng và phải đăng kí tài sản, đất đai theo quy định của pháp luật.

    Tiếp tục giữ những nội dung nêu trong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 06 ngày 25-4-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Long An cho đến khi thi hành xong bản án

    - Tách phần tiền hàng của Công ty Long Ích trả cho ông Yu được uỷ quyền nhận đem trả mua máy cho Công ty liên doanh theo hợp đồng mua máy ngày 25-3-2002 để ông Bằng và ông Yu liên hệ trực tiếp với Công ty Vĩnh Trung (Đài Loan) giải quyết.

    Tách phần tiền được thi hành của bản án số 02/KTST ngày 18-6-2002 cho ông Bằng và ông Yu liên hệ nhận chia mỗi người 1/2 của số tiền còn lại là 85.525.600 đồng sau khi thi hành được.

    Giao số giấy tồn kho tại Công ty liên doanh Triển Hưng và kho của cơ sở Tường Vi cho 2 bên liên doanh tự giải quyết và chia đôi số tiền hoặc hàng này.

    - Buộc ông Bằng phải chuyển toàn bộ những tài sản riêng của ông ra khỏi mặt bằng Công ty liên doanh Triển Hưng để giao lại tài sản Công ty liên doanh cho ông Yu Stung Ming sau khi án có hiệu lực pháp luật.

    Án phí kinh tế sơ thẩm: ông Huỳnh Triển Bằng chịu 28.689.000 đồng.

    Bà Lương Nữ chịu 30.500.000 đồng.

    Ngày 17-10-2003 ông Huỳnh Triển Bằng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

    Ngày 17-10-2003 bà Lương Nữ có đơn kháng cáo phần đất đai nhà xưởng là tài sản riêng, không liên quan tới Công ty liên doanh.

    Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 10/KTPT số 16-3-2004 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    - Sửa một phần bản án kinh tế sơ thẩm; ghi nhận sự thoả thuận của ông Yu Stung Ming trả cho ông Bằng 26.468, 35 USD được đối trừ cho nhau ở giai đoạn thi hành án.

    - Các Quyết định khác được giữ nguyên.

    Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng và bà Lương Nữ có nhiều đơn khiếu nại đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Tại kháng nghị số04/2004/KT-TK ngày 13-12-2004 đối với bản án kinh tế phúc thẩm số 10/KTPT ngày 16-3-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án Toà án nhân dân tối cao nhận định:

    I- Về tố tụng:

    Ngày 23-8-2002 Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An có Quyết định số2749/QĐ-UB chấm dứt hoạt động sản suất kinh doanh Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng; yêu cầu các bên liên doanh thành lập Ban thanh lý và thực hiện việc thanh lý doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ. Quá thời hạn 30 ngày, theo quy định của Nghị định số24/2000/NĐ-CP nêu trên, các bên không thành lập được Ban thanh lý và ngày 10-10-1002 Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An có Công văn số3600/CV-UB gửi Toà án nhân dân tỉnh Long An thông báo là Uỷ ban nhân dân tỉnh không thành lập Ban thanh lý, chấp thuận để hai bên trong liên doanh đưa vụ việc giải quyết tại Toà án; do đó Công ty YU RIH LIH CO.LTD khởi kiện ra Toà án nhân dân tỉnh Long An đề nghị giải quyết.

    Toà án nhân dân tỉnh Long An căn cứ vào Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và Điều 122 Nghị định số24/2000/NĐ-CP của Chính phủ để thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền.

    2- Về nội dung:

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm khi giải quyết vụ án chưa xác định đúng yêu cầu của các bên là thanh lý tài sản của doanh nghiệp để giải thể Công ty liên doanh, nên đã không căn cứ vào giấy phép đầu tư và các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài để giải quyết việc giải thể doanh nghiệp theo quy định tại Điều 40 Nghị định số24/2000/NĐ-CP của Chính phủ, mà lại giải quyết như một vụ tranh chấp Hợp đồng kinh tế hay tranh chấp giữa các thành viên công ty là sai. Cụ thể là:

    a- Về việc xác định vốn góp:

    Tại mục 20 Điều 2 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã quy định “Phần vốn góp” là phần vốn của mỗi bên góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp.

    Tại mục 3 Điều 34 Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ đã quy định: “Việc cơ cấu lại vốn đầu tư, vốn pháp định, thay đổi tỉ lệ vốn góp của các bên liên doanh do Hội đồng quản trị doanh nghiệp quyết định và được Cơ quan cấp giấy phép đầu tư chuẩn y”

    Tại Điều 10 Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã quy định “các bên chia lợi nhuận và chịu rủi ro theo tỉ lệ vốn góp của mỗi bên”.

    Theo hợp đồng liên doanh giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng và Công ty YU RIH LIH ngày 01-4-2001 và theo giấy phép đầu tư số10/GP-LA ngày 01-6-2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An thì Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng có vốn pháp định là 500.000 USD, trong đó mỗi bên góp 250.000 USD; đây chính là cơ sở để phân chia tài sản còn lại của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng. Đến khi giải thể Công ty liên doanh, thì Công ty này không có thay đổi về vốn pháp định. Việc ông Yu Stung Ming có chuyển thêm 250.000USD vào tài khoản ngoại tệ của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng (vào các ngày từ 18-10-2001 đến ngày 19-3-2002) để hoạt động kinh doanh không được xác định là góp thêm vốn pháp định, vì việc tăng vốn pháp định phải tuân thủ quy định tại mục 3 Điều 34 Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ; Vì vậy chỉ có cơ sở để xác định đến thời điểm xét xử sơ thẩm vốn pháp định của Công ty liên doanh này vẫn là 500.000 USD trong đó mỗi bên góp 250.000 USD.

    Việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào hợp đồng góp vốn ngày 01-11-2001 (có bản ghi là ngày 01-11-2000) giữa ông Huỳnh Triển Bằng và ông Yu Stung Ming để xác định mỗi bên góp vốn 380.000 USD là không có căn cứ pháp lý; bởi vì tại bản hợp đồng này không có điều khoản nào thoả thuận mỗi bên góp vốn 380.000 USD mà các bên chỉ thoả thuận vốn cố định của doanh nghiệp là 380.000 USD do hai bên cùng góp, trong đó phía Triển Hưng góp 250.000 USD bằng giá trị nhà xưởng và máy móc, phía Đài Loan góp 130.000 USD, hơn nữa hợp đồng này không được đăng ký với cơ quan quản lý về hợp tác đầu tư với nước ngoài.

    b-Việc phân chia tài sản còn lại của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng:

    Tại Điều 21 Điều lệ hoạt động của Công ty liên doanh này các bên đã thoả thuận: “Sau khi kết thúc hoạt động, tài sản còn lại của doanh nghiệp liên doanh sau khi thanh toán mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam, được phân chia theo tỉ lệ góp vốn pháp định của mỗi bên”. Do đo, để giải quyết vụ án cần phải xác định toàn bộ giá trị tài sản còn lại của Công ty liên doanh; trên cơ sở đó phân chia cho mỗi bên theo tỉ lệ góp vốn pháp định là 50/50.

    Về quyền sử dụng 3.546m2 đất của bà Lương Nữ (vợ ông Huỳnh Triển Bằng) Toà án sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xác định là tài sản của Công ty liên doanh và quyết định cho phía nước ngoài được nhận và làm thủ tục đăng ký tài sản, đất đai là không đúng; bởi vì:

    - Thửa đất nêu trên được Uỷ ban nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1470/QSDĐ ngày 06-10-1999 cho bà Lương Nữ; trên thửa đất đó có xây dựng nhà xưởng và đã được Sở xây dựng tỉnh Long An thừa uỷ quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà xưởng số680/CN-SXD ngày 29-12-1999 cho bà Lương Nữ, có diện tích xây dựng là 708, 50m2

    - Bà Lương Nữ là thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng (Công ty này có 2 thành viên là ông Huỳnh Triển Bằng và bà Lương Nữ), theo Giấy chứng nhận kinh doanh số 500200025 
    ngày 21-12-2000 của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Long An thì vốn điều l��� của Công ty này là một tỷ đồng, trong đó bà Lương Nữ góp 400.000.000 đồng, ông Bằng góp 600.000.000 đồng; không có tài liệu nào xác định bà Lương Nữ đưa giá trị quyền sử dụng 3.546m2 đất để góp vốn vào Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng

    - Theo hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư và tại Giấy phép đầu tư thì Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng tham gia vào Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng với số góp vốn là 250.000 USD được phân chia cụ thể: giá trị máy móc, thiết bị là 150.000 USD, nhà xưởng là 708,5 m2 trị giá 100.000 USD; không có tài liệu nào thể hiện việc bà Lương Nữ chấp nhận đưa giá trị quyền sử dụng 3.546 m2 đất để góp vốn vào Công ty liên doanh.

    - Hơn nữa, theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật đất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn kèm theo, Nhà nước không cho phép tư nhân góp quyền sử dụng đất vào Công ty liên doanh với nước ngoài; tại Công văn số5793/BKH-PC ngày 14-9-2004 của Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời Công văn số 86/2004/KT ngày 13-8-2004 của Toà án tối cao đã nêu: “Bên nước ngoài chỉ được nhận quyền sử dụng đất qua việc thuê đất của Nhà nước”. Do vậy, việc Toà án sơ cấp thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã đưa giá trị của thửa đất đứng tên bà Lương Nữ là 2.304.900.000 đồng vào giá trị còn lại của Công ty liên doanh và quyết định cho phía nước ngoài được nhận toàn bộ quyền sử dụng thửa đất này là không đúng pháp luật và chính sách quản lý đất đai của Nhà nước.

    Từ đó Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định giá trị còn lại của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng để chia theo tỉ lệ vốn góp của mỗi bên là không chính xác.

    Khi thành lập Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng thì bên Việt Nam góp vốn bằng nhà xưởng và thiết bị máy móc, còn bên nước ngoài góp vốn bằng tiền mặt, khi thanh lý tài sản để giải thể Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng bên nước ngoài đề nghị được nhận toàn bộ nhà xưởng, đất đai, thiết bị máy móc; bên Việt Nam phản đối không đồng ý; Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm chưa cho các bên thoả thuận việc phân chia tài sản mà lại quyết định giao toàn bộ cho Công ty YOU RIH LIH là không hợp lý.

    Từ những phân tích trên cho thấy Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm giải quyết việc thanh lý tài sản sau chấm dứt hoạt động của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng là không chính xác, không triệt để. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ bản án kinh tế phúc thẩm số 10/KTPT ngày 16-3-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh tế sơ thẩm số 01/KTST ngày 14-10-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Long An. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Long An xét xử lại theo thủ tục chung.

    Tại kết luận số02/VKSTC-AKT ngày 31-12-2004 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là cần thiết và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao căn cứ khoản 3 Điều 279; khoản 1 và 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự xử huỷ bán án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Long An để giải quyết lại từ giai đoạn sơ thẩm.

    XÉT THẤY:

    Theo quy định tại Điều 10 của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Điều 21 của Điều lệ hoạt động của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng, để thực hiện việc thanh lý khi giải thể Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng phải xác định tài sản còn lại của Công ty liên doanh sau khi đã thanh toán mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải xác định tỷ lệ góp vốn của các công ty thành viên để phân chia tài sản còn lại theo tỉ lệ góp vốn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Theo quy định tại Điều 2 của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Điều 34 Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ thì tỷ lệ góp vốn pháp định của các bên liên doanh phải do Hội đồng quản trị doanh nghiệp quyết định và phải được Cơ quan cấp giấy phép đầu tư chuẩn y. Căn cứ theo các tài liệu, chứng cứ hiện đang có trong hồ sơ vụ án mà các bên xuất trình và Toà án các cấp đã thu thập được (như hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư, hợp đồng liên doanh, giấy phép đầu tư...) thì có cơ sở xác định là vốn pháp định của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng là 500.000 USD, do phía Việt Nam (là Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng) góp 250.000 USD (bao gồm 150.00 USD là giá trị máy móc, thiết bị và 100.000 USD là giá trị nhà xưởng có diện tích 708, 5 m2) và do phía Đài Loan (là Công ty YOU RIH LIH) góp 250.000 USD bằng tiền mặt vào vốn lưu động. Như vậy, tỷ lệ góp vốn pháp định của mỗi bên là 50%.

    Việc Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào các tài liệu là bản báo cáo kèm theo “Hợp đồng góp vốn” ngày 01-11-2001 (có bản có cùng nội dung lại ghi ngày 01-11-2000) và biên bản họp cổ đông Công ty liên doanh ngày 14-5-2002 giữa ông Yu Stung Ming và ông Huỳnh Triển Bằng họp bàn về việc giải thể Công ty liên doanh có đề cập đến giá trị quyền sử dụng 3.546m2 đất (đứng tên bà Lương Nữ) trên đó có 708,5 m2 nhà xưởng để xác định mỗi bên góp vốn 380.000 USD trong đó phía Việt Nam có góp giá trị quyền sử dụng đất 3.546 m2 đất là chưa đủ cơ sở; bởi vì nội dung bản “Hợp đồng góp vốn” này có kết luận: “Hai bên đã xác nhận vốn cổ phần đóng góp là: Tài sản được phía Việt Nam và phía Đài Loan cùng góp vốn: 380.000 USD

    Vốn lưu động: 120.000 USD

    Tổng cộng: 500.00 USD”

    Chứ không phải là có nội dung mỗi bên góp vốn 380.000 USD; trong khi đó, theo Giấy phép đầu tư thì cơ quan cấp giấy phép đầu tư chỉ chuẩn y và xác định vốn pháp định của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng là 500.000 USD do mỗi bên góp vốn 250.000 USD. Do đó, cần phải xác minh thêm để làm rõ số tiền và tài sản các bên đưa vào liên doanh là bao nhiêu? phần không phải là vốn góp vốn là bao nhiêu? để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

    - Việc Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định tài sản còn lại của Công ty liên doanh bao bì giấy Triển Hưng có cả quyền sử dụng 3.546m2 đất của bà Lương Nữ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1470/QSDĐ ngày 06-10-1999 do Uỷ ban nhân dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An cấp và đã quyết định giao quyền sử dụng đất này cho phía Đài Loan là chưa đủ cơ sở vững chắc và không đúng pháp luật. Bởi vì: Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa xác định rõ quyền sử dụng 3.546 m2 đất của bà Lương Nữ trước đây có được góp vốn vào Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng hay không? Nếu có thì sau này Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Triển Hưng có đưa quyền sử dụng đất này góp vốn vào Công ty liên doanh hay không? Nếu có thì việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Công ty liên doanh có được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 38 Nghị định số17/1999/NĐ-CP ngày 29-3-1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 1993 hay không? Và đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tài sản của Công ty liên doanh hay chưa?

    Trong quá trình giải quyết vụ án ông Huỳnh Triển Bằng và bà Lương Nữ có yêu cầu được nhận lại các tài sản còn lại của Công ty liên doanh (trong đó có cả nhà xưởng) và sẽ thanh toán giá trị tài sản cho phía Đài Loan và không đồng ý việc Toà án quyết định giao quyền sử dụng 3.546 m2 đất cho phía nước ngoài vì quyền sử dụng 3.546m2 đất này không đưa vào góp vốn liên doanh; nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm vẫn quyết định cho bên nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất là không đúng, trái với quy định tại Điều 85 Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ và khoản 4 Điều 40 Nghị định số17/1999/NĐ-CP ngày 29-3-1999 của Chính phủ.

    Do đó, cần phải huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm về vụ án này, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại để xác định chính xác phần góp vốn, công nợ, giá trị tài sản còn lại... của Công ty liên doanh và phân chia tài sản còn lại cho mỗi bên theo tỉ lệ vốn các bên đã góp vào liên doanh theo đúng quy định tại Điều 41 và Điều 43 Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ và pháp luật hiện hành.

    Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 1 và 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án kinh tế phúc thẩm số 10/KTPT ngày 16-3-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh tế sơ thẩm số 01/KTST ngày 14-10-2003 của Toà án nhân dân tỉnh Long An.

    Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

    1. Cần làm rõ một số tình tiết quan trọng trong vụ án như: Phần vốn góp, công nợ, giá trị tài sản còn lại của Công ty liên doanh;

    2. Quyết định của Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm trái với quy định tại Điều 85 Nghị định số24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 và khoản 4 Điều 40 Nghị định số17/1999/NĐ-CP ngày 29-3-1999 của Chính phủ.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    1. Thiếu sót trong việc xác định chứng cứ;

    2. Thiếu sót trong việc áp dụng các quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành và Nghị định số17/1999/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 1993”.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 04:34:53 CH
     
    2787 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận