Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp thành viên công ty với công ty

Chủ đề   RSS   
  • #264164 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp thành viên công ty với công ty

    Số hiệu

    01/2006/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp thành viên công ty với công ty

    Ngày ban hành

    04/04/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ01/2006/KDTM-GĐT /> NGÀY 04-4-2006 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP 
    GIỮA THÀNH VIÊN CỦA CÔNG TY VÀ CÔNG TY”

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    ...

    Ngày 04 tháng 4 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp thành viên công ty với công ty giữa:

    Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Bích Đào; Trú tại 2A Cư Xá Lý Thường Kiệt, phường 9, quận 10 thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ liên lạc: 27/8 Đỗ Công Tường, phường 16, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh;

    Bị đơn: Ông Lê Quang Chiêu; trú tại 148/19 Tôn Thất Hiệp, phường 13, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Công ty TNHH lâm sản Toàn Thịnh (sau đây viết tắt là Công ty Toàn Thịnh); có trụ sở tại 269/3A Ấp 3 phường An Phú Đông, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người đại diện của Công ty Toàn Thịnh: Bà Trịnh Đào là Giám đốc công ty;

    2. Công ty TNHH đầu tư XD-TM dịch vụ Việt Song Long (sau đây viết tắt là Công ty Việt Song Long); có trụ sở tại AB 41 Bàu cát, phường 14, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh;

    Người đại diện hợp pháp của Công ty Việt Song Long: ông Hồ Văn Tín là Chủ tịch Hội đồng thành viên.

    NHẬN THẤY:

    Công ty Toàn Thịnh thành lập ngày 01-02-1992 theo Quyết định 
    số38/GP-UB của UBND thành phố Hồ Chí Minh và theo Điều lệ công ty thì thời gian hoạt động là 30 năm, vốn điều lệ là 470.000.000 đồng chia ra làm 470 phần hùn, mỗi phần hùn trị giá 1.000.000 đồng, do 8 thành viên góp vốn.

    Từ khi Công ty Toàn Thịnh thành lập ngày 01-02-1992 đến ngày 8-10-1997 đã 4 lần thay đổi các thành viên công ty; nhưng Điều lệ, vốn điều lệ của Công ty vẫn không thay đổi và hiện nay chỉ còn hai thành viên tham gia, đó là bà Nguyễn thị Bích Đào và ông Lê Quang Chiêu; mỗi người góp 50% vốn, thành viên là 235.000.000 đồng; Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty là ông Lê Quang Chiêu; Công ty hợp đồng thuê bà Trịnh Đào làm giám đốc.

    Trong quá trình hoạt động đến năm 2003, giữa thành viên với công ty có mâu thuẫn với nhau về việc phân chia quyền lợi, sau đó các bên đã không tự giải quyết được và đã phát sinh tranh chấp, nên tháng 10/2003 bà Bích Đào có đơn khởi kiện Công ty Toàn Thịnh đến Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty phải thanh toán lợi nhuận và cung cấp tài liệu, báo cáo thể hiện tình hình hoạt động của Công ty từ năm 1998 đến nay.

    Tại Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự 
    số197/CNTT-KTST ngày 16-12-2003 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Công ty Toàn Thịnh phải cung cấp các tài liệu thể hiện tình hình hoạt động của công ty và chia lợi nhuận từ năm 1998 đến năm 2000 cho bà Nguyễn Thị Bích Đào tổng số tiền là 406.830.771đồng; còn tiền lãi của các năm 2001 và năm 2002 cũng sẽ được chia sau khi quyết toán xong với cơ quan thuế.

    Sau một thời gian các bên mới chỉ thực hiện việc chia lợi nhuận đến năm 2000, còn từ năm 2001 - 2002 chưa giải quyết được với nhau, nên ngày 21-5-2004 
    bà Nguyễn Thị Bích Đào lại có đơn khởi kiện Công ty Toàn Thịnh đến Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu xin rút phần hùn 50% vốn điều lệ là 235.000.000 đồng; được sở hữu 50% giá trị toàn bộ tài sản của Công ty Toàn Thịnh và được chia lợi nhuận đến ngày bà được rút vốn.

    Tại các Biên bản làm việc giữa Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Bích Đào vào các ngày 29-6-2004, ngày 20-7-2004 bà Bích Đào đều yêu cầu được rút toàn bộ vốn, hoặc chuyển nhượng cho thành viên khác theo giá thoả thuận, nếu không chuyển nhượng được cho thành viên khác thì giải thể công ty. Tại cuộc họp các thành viên công ty ngày 16-8-2004 và Biên bản hoà giải không thành ngày 13-9-2004, bà Bích Đào thông báo về việc có người đồng ý mua lại 50% phần hùn của bà với giá 25.000.000.000 đồng; nhưng Ông Lê Quang Chiêu không đồng ý cho bà Bích Đào chuyển nhượng cho người ngoài Công ty, ông không mua và cũng không giới thiệu ai mua vì giá bất hợp lý. Trong khi đó Công ty Việt Song Long đồng ý mua lại phần vốn góp, quyền lợi của bà Bích Đào trong Công ty Toàn Thịnh với giá thoả thuận là 22.500.000.000 đồng và đồng ý thay bà Bích Đào làm thành viên của Công ty Toàn Thịnh và chịu toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của bà Bích Đào trong Công ty Toàn Thịnh.

    Tại bản án kinh tế sơ thẩm số243/XX-KTST ngày 28-9-2004, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn;

    Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Việt Song Long thay thế bà Nguyễn Thị Bích Đào làm thành viên Công ty TNHH lâm sản Toàn Thịnh;

    Danh sách thành viên góp vốn Công ty TNHH lâm sản Toàn Thịnh được thay đổi như sau:

    1. Lê Quang Chiêu vốn góp là: 235.000.000đ tương đương 50%;

    2. Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Việt Song Long vốn góp là 235.000.000đ tương đương 50%;

    Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo nội dung nói trên;

    Ghi nhận sự tự nguyện thoả thuận Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Việt Song Long thanh toán cho bà Nguyễn Thị Bích Đào số tiền chuyển nhượng là 22.500.000.000 đồng;

    Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Ngày 5-10-2004, ông Lê Quang Chiêu có đơn kháng cáo với nội dung: Toà án cấp sơ thẩm xác định ông Lê Quang Chiêu với tư cách là bị đơn và Công ty Toàn Thịnh là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là không hợp lý; bản Điều lệ của Công ty Toàn Thịnh không trái với Luật doanh nghiệp nên không bắt buộc phải sửa đổi bổ sung; Toà án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 32 Luật doanh nghiệp mà không căn cứ thêm Điều 39 Luật doanh nghiệp để giải quyết vụ án là thiếu sót nghiêm trọng.

    Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 72/KTPT ngày 24-12-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

    Bác đơn yêu cầu của bà Nguyễn Thị Bích Đào yêu cầu rút toàn bộ vốn và được chuyển nhượng vốn cho Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Việt Song Long.

    Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí sơ thẩm và phúc thẩm của các đương sự theo quy định của pháp luật.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 10-03-2005 bà Nguyễn Thị Bích Đào có đơn khiếu nại gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên với lý do:

    - Toà án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 39 Luật doanh nghiệp đối với việc chuyển nhượng phần vốn góp là trái với điểm b khoản 1 Điều 26, Điều 32 và Điều 123 Luật doanh nghiệp.

    - Công ty Hwata không phải là đương sự trong vụ án này.

    Tại Quyết định kháng nghị số04/KN-AKT ngày 12-9-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận định:

    Căn cứ theo Luật doanh nghiệp năm 1999 thì Điều lệ Công ty Toàn Thịnh lập ngày 9-01-1990 không còn phù hợp nữa, bởi vì: Ban đầu Công ty Toàn Thịnh thành lập có 8 thành viên góp vốn là 470.000.000 đồng, sau 4 lần thay đổi và chuyển nhượng cổ phần giữa các thành viên trong công ty, nhưng Điều lệ công ty vẫn không thay đổi, đến năm 1997 Công ty Toàn Thịnh chỉ còn có hai thành viên đó là bà Nguyễn Thị Bích Đào và ông Lê Quang Chiêu, nay ông Lê Quang Chiêu vẫn là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Theo điểm b Điều 7 Điều lệ của Công ty Toàn Thịnh quy định về việc chuyển nhượng vốn (nếu chuyển nhượng vốn cho người ngoài công ty thì phải được 80% đại diện vốn của công ty ưng thuận). Nhưng Điều 35 quy định quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên và Điều 32 quy định việc chuyển nhượng phần vốn góp của Luật doanh nghiệp đều không quy định Hội đồng thành viên quyết định việc chuyển nhượng phần vốn góp. Trong khi đó khoản 1 Điều 123 Luật doanh nghiệp năm 1999 quy định “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có Điều lệ không phù hợp với quy định của Luật này, thì công ty đó phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Trường hợp quá thời hạn mà Điều lệ công ty không được sửa đổi, bổ sung, thì Điều lệ đó bị coi là không hợp lệ”. Do vậy, giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong Công ty về việc thay đổi thành viên và chuyển nhượng phần vốn góp phải căn cứ vào Luật doanh nghiệp năm 1999, chứ không thể căn cứ vào Điều lệ của Công ty.

    Luật doanh nghiệp năm 1999 quy định việc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển nhượng phần góp vốn tại điểm b khoản 1 Điều 26: “Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại Điều 32 của Luật này”.

    Điều 32 Luật doanh nghiệp năm 1999 quy định về chuyển nhượng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn như sau:“Thành viên công ty... có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

    1. Thành viên muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp phải chào bán phần vốn đó cho tất cả các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;

    2. Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết”.

    Như vậy, luật không quy định Hội đồng thành viên công ty quyết định theo thể thức biểu quyết với tỷ lệ ít nhất 51% số vốn của các thành viên dự họp như điểm a khoản 2 Điều 39 Luật doanh nghiệp năm 1999 mà Toà án cấp phúc thẩm vận dụng để sửa án sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của bà Bích Đào là không đúng pháp luật. Hơn nữa Điều 35 Luật doanh nghiệp không điểm nào quy định Hội đồng thành viên có quyền và nghĩa vụ quyết định việc chuyển nhượng phần góp vốn.

    Tại biên bản hoà giải không thành và tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm ông Lê Quang Chiêu thừa nhận: ông không mua và cũng không giới thiệu người khác mua lại phần góp vốn của bà Nguyễn Thị Bích Đào vì giá bất hợp lý. Công ty Việt Song Long đều đồng ý mua phần góp vốn của bà Bích Đào với giá 22.500.000.000 đồng và đồng ý thay bà Bích Đào làm thành viên Công ty Toàn Thịnh, đồng thời chịu mọi trách nhiệm, nghĩa vụ sau khi được chấp nhận là thành viên của công ty. Do vậy, áp dụng Điều 26; Điều 32 Luật doanh nghiệp để chấp nhận bà Nguyễn Thị Bích Đào được chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho Công ty Việt Song Long là có cơ sở và đúng pháp luật. Việc bà Lý cho rằng 50% cổ phần của bà Bích Đào ở Công ty Toàn Thịnh là của ông Lý và Công ty Toàn Thịnh còn nợ ông Lý tiền đầu tư từ năm 1992. Vấn đề này, Toà án cấp sơ thẩm không xem xét là có cơ sở, vì nếu là sự thật thì bà Lý đã có đơn khởi kiện ra Toà án. Nhưng thực tế cho đến nay bà Lý vẫn không khởi kiện ra Toà án. Do vậy, không vì lý do trên mà làm ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng phần góp vốn của bà Nguyễn Thị Bích Đào cho Công ty Việt Song Long, trong khi Công ty Việt Song Long chấp nhận mọi nghĩa vụ khi thay thế bà Bích Đào làm thành viên của Công ty Toàn Thịnh.

    Trong đơn khởi kiện của bà Bích Đào còn yêu cầu Toà án giải quyết việc Công ty Toàn Thịnh chia lợi nhuận từ năm 2001 đến nay cho bà. Vấn đề này Toà án các cấp chưa đề cập đến. Như vậy, Toà án chưa giải quyết hết các yêu cầu của đương sự. Do vậy, xét thấy cần phải yêu cầu Công ty Toàn Thịnh cung cấp tài liệu liên quan đến việc thanh quyết toán thu nhập của doanh nghiệp với cơ quan thuế ở địa phương, để trên cơ sở đó Toà án xem xét, quyết định việc chia lợi nhuận các năm (từ năm 2001 đến nay) cho bà Bích Đào và phải được ghi nhận tại bản án.

    Từ nhận định trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định:

    Kháng nghị bản án kinh tế phúc thẩm số 72/KTPT ngày 24-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng: huỷ bản án kinh tế sơ thẩm số243/XX-KTST ngày 28-9-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên, chuyển hồ sơ vụ án về Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thẩm quyền chung. Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu giữ nguyên quan điểm xét xử vụ án như Quyết định kháng nghị nêu trên.

    XÉT THẤY:

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế; khoản 3 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự và theo Nghị quyết số01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì nội dung yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bích Đào về việc xin được rút toàn bộ phần vốn góp 50% vốn điều lệ công ty, được sở hữu 50% giá trị tài sản của công ty và được chia lợi nhuận từ năm 2001 đến ngày bà được rút vốn, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý đơn và giải quyết nội dung yêu cầu của bà Nguyễn Thị Bích Đào là đúng pháp luật.

    Xét về tính hợp pháp của Điều 7 Điều lệ Công ty Toàn Thịnh:

    Theo khoản 2 Điều 25 Luật công ty năm 1990 quy định: “Việc chuyển nhượng phần vốn góp vào giữa các thành viên được thực hiện tự do. Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho người không phải là thành viên phải được sự nhất trí của nhóm thành viên đại diện cho ít nhất 3/4 số vốn điều lệ của công ty”. Do đó, Điều 7 Điều lệ của Công ty Toàn Thịnh lúc đó là phù hợp với Luật công ty.

    Tuy nhiên, năm 1999 Luật doanh nghiệp đã thay thế Luật công ty. Điểm b khoản 1 Điều 26 Luật doanh nghiệp năm 1999 quy định:

    “Phần vốn góp của thành viên chỉ được chyển nhượng theo quy định tại Điều 32 của Luật này”.

    Điều 32 của Luật doanh nghiệp quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp: “Thành viên công ty... có quyền chuyển nhượng... phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

    1. Thành viên muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp phải chào bán phần vốn đó cho tất cả các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;

    2. Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc mua không hết”.

    Như vậy, Luật doanh nghiệp không còn hạn chế việc chuyển nhượng vốn ra ngoài công ty là phải có sự đồng ý của nhóm thành viên công ty đại diện cho 3/4 số vốn điều lệ nữa. Thế nhưng, theo điểm b Điều 7 Điều lệ Công ty Toàn Thịnh quy định “về việc chuyển nhượng phần hùn vốn được ưu tiên thực hiện giữa các thành viên, nếu chuyển nhượng cho người khác ngoài Công ty thì phải được đa số thành viên tiêu biểu ít nhất là 80% vốn Công ty ưng thuận”. Nếu muốn chuyển nhượng vốn, lại theo Điều lệ công ty là phải có biểu quyết 80% vốn Công ty ưng thuận thì không thể thực hiện được; hơn nữa, về thực tế Công ty Toàn Thịnh hiện nay chỉ còn hai thành viên, vốn góp mỗi người ngang nhau (50/50); như vậy, quy định này của Điều lệ công ty là không còn khả thi. Công ty Toàn Thịnh đã có nhiều thay đổi về thành viên và thay đổi đăng ký kinh doanh, nhưng Công ty vẫn không sửa đổi Điều lệ cho phù hợp thực tế và phù hợp quy định mới của pháp luật. Do đó, đối chiếu với các Điều luật nêu trên, thì khoản 2 Điều 25 Luật công ty năm 1990 quy định về việc chuyển nhượng vốn đã bị hạn chế; theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật doanh nghiệp thông qua ngày 12-6-1999 thì: “... Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có Điều lệ không phù hợp với quy định của Luật này, thì công ty đó phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Trường hợp quá thời hạn này mà Điều lệ Công ty không được sửa đổi, bổ sung, thì Điều lệ đó bị coi là không hợp lệ”. Bởi vậy, Điều 7 Điều lệ của Công ty Toàn Thịnh đề ngày 9-01-1990 là không còn phù hợp với Luật doanh nghiệp về quy định việc chuyển nhượng phần vốn góp kể từ ngày 12-6-2001. Nên Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử vô hiệu Điều 7 Điều lệ Công ty Toàn Thịnh căn cứ theo Điều 26; điểm e khoản 1 Điều 29; Điều 32 Luật doanh nghiệp và chấp nhận đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bích Đào là có căn cứ đúng pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm đã vận dụng Điều 34 và Điều 39 Luật doanh nghiệp để bác đơn khởi kiện của bà Bích Đào là không đúng pháp luật. Vì: Điều 34 chỉ quy định về cơ cấu tổ chức quản lý Công ty: “Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên phải có: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc,... Công ty trách nhiệm hữu hạn có trên mười một thành viên phải có Ban kiểm soát... do Điều lệ Công ty quy định”; và Điều 39 cũng chỉ quy định về Quyết định của Hội đồng thành viên đối với những việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên:

    “1. Hội đồng thành viên... quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.

    2. Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp khi:

    a. Được số phiếu đại diện ít nhất 51% số vốn của các thành viên dự họp chấp thuận. Tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định;

    b. Đối với quyết định bán tài sản..., sửa đổi và bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại, giải thể công ty... Tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

    3. Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản... Tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”; theo Luật doanh nghiệp quy định về quyền hạn nhiệm vụ của Hội đồng thành viên thì Hội đồng thành viên không có quyền quyết định việc chuyển nhượng vốn của thành viên công ty. Toà án cấp phúc thẩm đã xác định điểm b Điều 7 của Điều lệ Công ty Toàn Thịnh phù hợp với Điều 34; Điều 39 và Điều 123 Luật doanh nghiệp là không đúng.

    Về việc ông Lê Quang Chiêu và bà Trịnh Đào (giám đốc công ty) cho rằng có tranh chấp về nguồn tài chính của bà Nguyễn Thị Bích Đào với Công ty Hwata Vina và với những người thừa kế của ông Lý; bà Lý (là vợ của ông Lý) là Tổng giám đốc công ty Hwata cho rằng 50% cổ phần của bà Bích Đào ở Công ty Toàn Thịnh là của ông Lý. Về vấn đề này, nếu sự thật bà Lý đã có đơn khởi kiện đến Toà án, thì Toà án cấp sơ thẩm cần xem xét thụ lý đơn của bà Lý để đưa bà Lý vào tham gia tố tụng tại phiên toà với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết trong cùng một vụ án.

    Mặt khác, tại đơn khởi kiện ngày 21-5-2004 và các buổi hoà giải không thành ngày 13-9-2004 và tại các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Bích Đào vẫn giữ nguyên yêu cầu của mình là xin rút phần vốn góp, được sở hữu tài sản của công ty và được chia lợi nhuận từ năm 2001 đến ngày bà rút vốn. Tuy nhiên, trong khi xét xử Toà án các cấp mới chỉ xem xét đến việc chuyển nhượng phần vốn góp của bà Nguyễn Thị Bích Đào, chứ chưa xem xét đến yêu cầu về việc chia lợi nhuận cho bà Đào là còn thiếu sót. Bởi vậy, trước khi xét xử Toà án cấp sơ thẩm cần xác định rõ nội dung yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bích Đào để quyết định án phí theo đúng quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, về phần quyết định của bản án sơ thẩm Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định về việc thay đổi danh sách các thành viên góp vốn và yêu cầu Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quyết định của Toà án là không đúng. Vì, Toà án chỉ giải quyết việc được hay không được chuyển nhượng vốn ra ngoài công ty, còn chuyển cho ai, thủ tục chuyển nhượng, thay đổi thành viên là việc của các thành viên với nhau trong công ty và thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở kế hoạch và Đầu tư.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291; khoản 2 Điều 297; và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án kinh tế phúc thẩm số 72/KTPT ngày 24-12-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án kinh tế sơ thẩm số243/XX-KTST ngày 28-9-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp thành viên công ty với công ty giữa bà Nguyễn Thị Bích Đào với Công ty TNHH lâm sản Toàn Thịnh, chuyển hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:

    1. Toà án cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ, không phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp năm 1999 về việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty;

    2. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xem xét đầy đủ các yêu cầu của nguyên đơn.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:

    1. Thiếu sót trong việc nghiên cứu và vận dụng các quy định của Luật doanh nghiệp năm 1999;

    2. Chưa xác định rõ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trước khi xét xử 
    sơ thẩm.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 03:01:41 CH
     
    4570 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận