Số hiệu
|
19/2010/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự với Hoàng Tiến Dũng về tội "Giết người"
|
Ngày ban hành
|
04/06/2010
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
…
Ngày 04-6-2010, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Hoàng Tiến Dũng sinh ngày 30-10-1988; trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Đa Tẻh, huyện Đa Tẻh, tỉnh Lâm Đồng; dân tộc: Nùng; trình độ văn hoá: lớp 12/12; con ông Hoàng Văn Vui và bà Bế Thị Lâm; bị bắt giam ngày 09-7-2007.
Người bị hại: Anh Hoàng Văn Anh sinh năm 1982 (đã chết); người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Hoàng Văn Núng (là bố của anh Anh) trú tại thôn 7, xã Ea Drơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.
NHẬN THẤY:
Hoàng Tiến Dũng là sinh viên thực tập, tạm trú tại nhà chú ruột là ông Hoàng Văn Liên ở thôn 8, xã Ea Drơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Khoảng 20 giờ 00 ngày 08-7-2007, Dũng cùng anh Hoàng Văn Quốc (là con ông Liên) rủ nhau đến khu vực hội trường thôn 8 chơi. Trước khi đi chơi, Dũng mang theo một con dao Thái Lan. Khi đi đến khu vực hội trường thôn 8, anh Quấc và Dũng gặp nhóm thanh niên gồm các anh Nguyễn Văn Thảo, Lương Văn Hoàn, Vi Văn Vạn, Hoàng Văn Anh và Hoá Văn Sanh ngồi chơi ở bãi cát trước hội trường thôn. Anh Quốc và Dũng đi vào lán công nhân xây dựng, anh Quốc hỏi anh Nguyễn Thanh Hạnh “Số thanh niên ngoài kia là ai” thì anh Hạnh trả lời “Bọn thằng Thảo”. Do có xích mích với nhau từ tối hôm trước và đã được hoà giải, nhưng anh Quốc vẫn nhặt một thanh gỗ (dài khoảng 01 mét, dày khoảng 05 cm x 01) đi ra hướng nhóm anh Thảo ngồi, Dũng cũng đi theo. Khi Dũng vừa đến, thì anh Quốc dùng gậy đánh nhau với nhóm anh Thảo. Thấy Dũng đi cùng anh Quốc, thì các anh Vạn, Anh, Xanh và Hoàn xông vào dùng chân, tay đánh Dũng. Dũng rút con dao Thái Lan từ trong túi quần ra đâm về phía trước trúng vào mạng sườn dưới nách trái của anh Anh, rồi Dũng rút dao bỏ chạy. Ngày 09-7-2007, Dũng đến Công an đầu thú. Còn anh Hoàng Văn Anh đã chết trên đường đi cấp cứu.
Tại bản giám định pháp y số308/PY-TV ngày 16-7-2007, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận anh Hoàng Văn Anh bị chết là do vết thương thấu tim, choáng mất máu.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 253/2007/HSST ngày 06-12-2007, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk áp dụng khoản 2 Điều 93; các điểm b, p, đ khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Hoàng Tiến Dũng 09 năm tù về tội “Giết người”; áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự và Điều 610 Bộ luật dân sự, buộc Hoàng Tiến Dũng phải bồi thường cho gia đình của người bị hại tổng số tiền là 36.300.000 đồng (trong đó chi phí mai táng và chi phí hợp lý khác là 9.300.000 đồng, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 27.000.000 đồng) đã bồi thường 10.000.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp 26.300.000 đồng. Ngoài ra Toà án còn sơ thẩm còn quyết định về án phí.
Ngày 12-12-2007, người đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Hoàng Văn Núng kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt và tăng tiền bồi thường đối với bị cáo.
Ngày 18-12-2007, bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt và xin giảm tiền bồi thường.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 393/2008/HSPT ngày 17-4-2008, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng sửa bản án hình sự sơ thẩm, áp dựng khoản 2 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Hoàng Tiến Dũng 12 năm tù về tội “Giết người”; về trách nhiệm dân sự buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình của người bị hại tổng cộng là 38.800.000 đồng (trong đó chi phí mai táng và chi phí hợp lý khác là 9.300.000 đồng, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 27.000.000 đồng, tiền xây mộ là 2.500.000 đồng), đã bồi thường 10.000.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp là 28.800.000 đồng.
Tại Kháng nghị số 21/QĐ/VKC-V3 ngày 03-8-2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm số 393/2008/HSPT ngày 17-4-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật, với các lý do sau:
- Hoàng Tiến Dũng phạm tội là do các anh Lương Văn Hoàn và Hoàng Văn Anh trong nhóm của anh Nguyễn Văn Thảo gây sự đánh bị cáo trước. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là đúng. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, nhưng không nêu lý do trong bản án là thiếu sót. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 09 năm tù đã là nghiêm. Tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo là không thỏa đáng.
- Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định trong vụ án này người bị hại cũng có lỗi, nhưng lại buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là trái với quy định tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 phần I Nghị quyết số03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình của người bị hại 2.500.000 đồng tiền xây mộ là trái với tiểu mục 2.2 mục 2 phần II của Nghị quyết trên; bị cáo đã bồi thường cho gia đình người bị hại 20.000.000 đồng, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm chỉ khấu trừ cho bị cáo 10.000.000 đồng là không đúng pháp luật.
- Tòa án cấp phúc thẩm nhận định bị cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng lại buộc bị cáo phải chịu 1.440.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, trong khi bản án hình sự sơ thẩm chỉ buộc bị cáo phải chịu l.315.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm là không đúng.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo hướng hủy bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại xác định mức độ lỗi của người bị hại, đồng thời xem xét trách nhiệm hình sự đối với anh Hoàng Văn Quốc.
XÉT THẤY
1. Về trách nhiệm hình sự:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định tối ngày 08-7-2007 trong khi đi chơi cùng anh Hoàng Văn Quốc, Hoàng Tiến Dũng đã chủ động mang theo dao với mục đích nếu có đánh nhau, thì dùng dao đánh lại. Khi anh Quốc và Dũng đi đến khu vực hội trường thôn 8, biết trong nhóm thanh niên ngồi chơi ở sân hội trường thôn có anh Nguyễn Văn Thảo, anh Quốc lấy gậy đi đến chỗ anh Thảo ngồi và Dũng cũng đi theo. Đến nơi, anh Quốc dùng gậy đánh anh Thảo, thì hai bên liền xông vào đánh nhau, Dũng đã dùng dao đâm trúng anh Hoàng Văn Anh (là bạn anh Thảo), làm anh Anh chết. Hành vi phạm tội của Dũng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Trong vụ án này Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là không đúng, vì anh Quốc (là người bên phía Dũng) gây sự, đánh anh thảo bên phía người bị hại trước và Dũng a dua cùng với anh Quốc tham gia đánh nhau gây chết người .
Tòa án cấp phúc thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này và tăng hình phạt đối với Hoàng Tiến Dũng là có căn cứ. Mức hình phạt 12 năm tù mà Tòa án cấp phúc thẩm xử phạt Hoàng Tiến Dũng không phải là quá nặng, là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự; do đó, lý do này của kháng nghị là không có căn cứ.
Trong vụ án này, nguyên nhân của vụ đánh nhau là do Hoàng Văn Quốc đánh anh Nguyễn Văn Thảo dẫn đến hai bên xô xát, làm anh Hoàng Văn Anh chết. Hành vi của Hoàng Văn Quốc đã cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng”, nhưng Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Văn Quốc về tội “Gây rối trật tự công cộng” là bỏ lọt người phạm tội.
2. Về trách nhiệm dân sự:
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định trong vụ án này do người bị hại có lỗi, nên bị cáo chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi của bị cáo. Như đã phân tích ở trên thì người bị hại không có lỗi, nên bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do bị cáo gây ra. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại toàn bộ chi phí hợp lý cho việc mai táng, chi phí hợp lý khác và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tổng cộng 36.300.000 đồng là đúng pháp luật.
Do có kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại của người đại diện hợp pháp của người bị hại. Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của người đại diện hợp pháp của người bị hại, buộc bị cáo bồi thường thêm cho gia đình người bị hại 2.500.000 đồng tiền xây mộ là không đúng quy định tại tiểu mục 2.2 mục 2 phần II Nghị quyết số03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, xét thấy số tiền trên không lớn và việc xây mộ là tập quán mai táng của địa phương nơi người bị hại cư trú (chôn cất một lần), nên số tiền bồi thường này là chấp nhận được. Vì Tòa án cấp phúc thẩm tăng tiền bồi thường, nên đã sửa án phí dân sự sơ thẩm là đúng.
Trong tổng số 38.800.000 đồng mà Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại, đến khi xét xử phúc thẩm gia đình bị cáo đã bồi thường được 20.000.000 đồng, nhưng Toà án cấp phúc thẩm chỉ khấu trừ cho bị cáo 10.000.000 đồng và buộc bị cáo phải bồi thường tiếp 28.800.000 đồng là không chính xác. Tuy nhiên, thiếu sót này vẫn khắc phục được trong quá trình thi hành án dân sự, vì Cơ quan thi hành án sẽ căn cứ vào các biên lai đã nộp tiền do gia đình bị cáo cung cấp để thi hành án phần bồi thường còn thiếu.
Bởi các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 1 Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm số 21/QĐ/VKSTC-V3 ngày 03-8-2009 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 393/2008/HSPT ngày 17-4-2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
2. Kiến nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét xử lý đối với anh Hoàng Văn Quốc về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” theo đúng quy định của pháp luật.