Số hiệu
|
07/2012/HS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với Huỳnh Quyết Tâm về tội "Giết người"
|
Ngày ban hành
|
18/04/2012
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Hình sự
|
…..
Ngày 18 tháng 04 năm 2012 tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:
Huỳnh Quyết Tâm (Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo sinh năm 1990, Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo sinh ngày 31-6-1990, khi phạm tội bị cáo đã trên 18 tuổi); trú tại ấp 4, (Tòa án cấp sơ thẩm xác định xã Trà Vong, Tòa án cấp phúc thẩm xác định xã Mỏ Công), huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; con ông Huỳnh Văn Mẻo và bà Trương Thị Nga; bị bắt giam từ ngày 23-3-2009.
Người bị hại:
1. Anh Nguyễn Chí Tâm sinh năm 1986 (đã chết). Người đại diện hợp pháp của anh Chí Tâm là các anh ruột của anh Chí Tâm gồm: anh Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1968), anh Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1982) và anh Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1975), cùng trú tại ấp Thanh Tân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Anh Chung và anh Nhàn ủy quyền cho anh Tú tham gia tố tụng.
2. Anh Phạm Minh Thư sinh năm 1985 (đã chết). Người đại diện hợp pháp của anh Thư là bà Tạ Thị Sũng sinh năm 1957 (mẹ anh Thư) và ông Phạm Văn Lắm sinh năm 1954 (bố anh Thư), trú tại ấp Gò Đá, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ông Lắm ủy quyền cho bà Sũng tham gia tố tụng.
(Trong vụ án có bị cáo Huỳnh Thanh Vũ bị xử phạt 20 năm tù về tội “Giết người”).
NHẬN THẤY:
Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 22-3-2009, trong khi ngồi uống rượu cùng các bạn tại quán chị Nguyễn Thị Mừng, Huỳnh Quyết Tâm nhìn thấy ông Huỳnh Văn Mẻo (cha của Tâm) đi cùng hai người phụ nữ vào quán. Tâm có đã lời nói không đúng mực với cha của mình và hai người phụ nữ cùng đi. Ông Mẻo có mắng Tâm và bảo Huỳnh Thanh Vũ (anh rể Tâm) đưa Tâm về. Lúc này, anh Nguyễn Chí Tâm đang uống rượu cùng hai người bạn ở bàn bên cạnh sang bàn Quyết Tâm nói: “Mày là con mà hỗn láo với cha mẹ là không được” rồi anh Chí Tâm dùng tay đánh vào mặt Huỳnh Quyết Tâm 2 cái. Ông Mẻo và Huỳnh Quyết Tâm đều phản ứng với anh Chí Tâm, nhưng anh Chí Tâm lại về bàn ăn mà không nói gì. Huỳnh Quyết Tâm bảo Vũ chở về nhà lấy dao để đâm anh Nguyễn Chí Tâm vì đã đánh mình. Trên đường về, Quyết Tâm có ghé vào báo cho ông Trương Văn Nhiều (dượng rể) và ông Ngô Văn Đo (cậu ruột) việc Tâm bị đánh. Ông Nhiều và ông Đo cầm theo khúc gỗ ra quán chị Mừng, nhưng thấy Nguyễn Chí Tâm là người quen nên ngồi nói chuyện. Lúc này ông Mẻo vẫn ngồi ở quán, thấy vậy liền sang nói: “Chuyện gia đình tao để tao giải quyết” rồi đánh anh Chí Tâm nhưng được ông Nhiều và ông Đo can ngăn. Anh Chí Tâm bảo bạn điện thoại gọi thêm người đến. Lúc sau có bạn của anh Chí Tâm đến thì Huỳnh Quyết Tâm và Vũ cũng vừa đến. Hai nhóm đã xông vào đánh nhau. Huỳnh Quyết Tâm đã dùng dao đâm anh Chí Tâm bốn đến năm nhát vào vùng đầu và ngực. Thấy vậy, Phạm Minh Thư là bạn của Chí Tâm chạy đến đánh Quyết Tâm thì bị Quyết Tâm dùng dao đâm đến hai đến ba nhát vào vùng lưng, thấu phổi. Hậu quả anh Chí Tâm và anh Thư đều chết trên đường đi cấp cứu.
Ngày 23-3-2009, Huỳnh Quyết Tâm và Huỳnh Thanh Vũ ra đầu thú.
Tại các bản án kết luận giám đốc số 19a/PC21 và số 19b/PC21 ngày 26-3-2009, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tây Ninh xác định anh Phạm Minh Thư tử vong do vết thương xuyên thấu lưng trái, thấu phổi trái, cộng đa thương do vật sắc nhọn; anh Nguyễn Chí Tâm tử vong là do vết thương xuyên thấu ngực trái, thấu phổi cộng đa thương do vật sắc nhọn.
Trong giai đoạn điều tra, gia đình Huỳnh Quyết Tâm đã nộp 50.000.000 đồng, gia đình Huỳnh Thanh Vũ đã nộp 10.000.000 đồng để bồi thường cho gia đình 2 người bị hại.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 68/2009/HSST ngày 19-8-2009, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh áp dụng các điểm a, n khoản 1 Điều 93; các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Huỳnh Quyết Tâm tử hình, Huỳnh Thanh Vũ 20 năm tù về tội “Giết người”; về trách nhiệm dân sự: buộc 2 bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm 54.956.000 đồng (trong đó Quyết Tâm bồi thường 38.470.000 đồng, Vũ bồi thường 16.486.000 đồng), buộc hai bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình anh Phạm Minh Thư 52.580.000 đồng (trong đó Quyết Tâm bồi thường 35.054.000 đồng, Vũ bồi thường 17.526.000 đồng). Ghi nhận gia đình bị cáo Huỳnh Quyết Tâm đã nộp 50.000.000 đồng, gia đình bị cáo Huỳnh Thanh Vũ đã nộp 10.000.000 đồng. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo, án phí và xử lý vật chứng.
Ngoài 20-8-20009, Huỳnh Quyết Tâm và Huỳnh Thanh Vũ đều có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt.
Ngày 28-8-2009, anh Nguyễn Văn Tú là người đại diện hợp pháp của anh Nguyễn Chí Tâm và Tạ Thị Sũng là người đại diện hợp pháp của anh Phạm Thị Thư đều có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với Vũ lên tù chung thân, yêu cầu tăng tiền bồi thường thiệt hại.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 558/2010/HSPT ngày 10-9-2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về phần trách nhiệm hình sự đối với Huỳnh Quyết Tâm và Huỳnh Thanh Vũ; sửa phần trách nhiệm dân sự: buộc Huỳnh Quyết Tâm và Huỳnh Thanh Vũ phải liên đới bồi thường 76.000.000 đồng cho gia đình mỗi người bị hại (trong đó Quyết Tâm bồi thường cho gia đình mỗi người bị hại 46.000.000 đồng, Vũ bồi thường cho gia đình mỗi người bị hại 30.000.000 đồng).
Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số27/2011/HS-KN ngày 16-11-2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 558/2010/HSPT ngày 10-9-2010 của Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 68/2009/HSST ngày 19-8-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đối với Huỳnh Quyết Tâm để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
XÉT THẤY:
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Huỳnh Quyết Tâm về tội “Giết người” theo các điểm a (giết nhiều người) và n (có tính chất côn đồ) khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự là đúng pháp luật.
Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các tài liệu như chứng minh nhân dân của Huỳnh Quyết Tâm (do Công an tỉnh Tây Ninh cấp ngày 27-5-2005) thể hiện Tâm sinh năm 1990, bản sao giấy khai sinh của Huỳnh Quyết Tâm (số 292 do ông Nguyễn Văn Nưng ký sao y ngày 30-11-1995) thể hiện Tâm sinh ngày 31-6-1990, phù hợp với lời khai của Huỳnh Quyết Tâm tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết luận Tâm sinh năm 1990, khi phạm tội đã đủ 18 tuổi và áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Huỳnh Văn Mẻo (bố của Huỳnh Quyết Tâm) cung cấp các tài liệu thể hiện Tâm sinh năm 1991, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận những tài liệu này, mà xác định bị cáo Tâm sinh ngày 31-6-1990. Tuy nhiên, kết luận này của Tòa án cấp phúc thẩm chưa có đủ căn cứ vững chắc, bởi vì tháng 6 không có ngày 31 và trong hồ sơ có nhiều tài liệu thể hiện mâu thuẫn về ngày, tháng, năm sinh của Huỳnh Quyết Tâm, cụ thể là:
1. Quá trình điều tra bổ sung tại cấp phúc thẩm xác định bản gốc giấy khai sinh của Tâm đã bị mất, chỉ thu giữ được 2 bản sao giấy khai sinh thể hiện khác nhau về năm sinh của Tâm. Bản sao giấy khai sinh của Tâm đề ngày ký là 30-11-1995 (do ông Nguyễn Văn Nưng ký sao y) thể hiện Tâm sinh ngày 31-6-1991 (do ông Mai Văn Dìa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ký sao y) thể hiện Tâm sinh ngày 31-6-1991.
2. Về sổ hộ khẩu của gia đình ông Huỳnh Văn Nài (ông nội bị cáo Tâm):
Tại Công an huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh lưu giữ 2 quyển sổ hộ khẩu của gia đình ông Huỳnh Văn Nài đều được cấp ngày 23-4-1994, trong đó 1 quyển có dấu vết sửa chữa năm sinh của Tâm giữa 1990 và 1991, còn 1 quyển thể hiện Tâm sinh năm 1991. Tại kết luận giám định số 10/GT.2010 ngày 15-2-2010, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tây Ninh xác định năm sinh của Tâm trong hộ khẩu trên đã được sửa từ 1991 sang 1990. Điều này phù hợp với lời khai của ông Huỳnh Văn Mẻo (bố đẻ Tâm) rằng Tâm đi học trước tuổi, cũng phù hợp với sổ đăng ký khai sinh lưu tại Ban Tư pháp xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh có tờ thể hiện Tâm sinh năm 1991.
3. Về sổ đăng ký hộ khẩu tại xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh
Tại Công an xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh lưu 2 quyển sổ đăng ký hộ khẩu thể hiện khác nhau về năm sinh của Tâm gồm: 1 quyển sổ (số lưu trữ là quyển 7) thể hiện Tâm sinh năm 1990, 1 quyển sổ (không có số lưu trữ) thể hiện năm sinh của Tâm có dấu vết sửa chữa giữa năm 1990 và 1991. Bản kết luận giám định nêu trên xác định năm sinh của Tâm trong sổ đăng ký hộ khẩu này đã được sửa từ 1991 sang 1990.
4. Lời khai của bà Lê Thị Lệ (người đã đỡ đẻ bị cáo Tâm):
Bà Lê Thị Lệ khai về năm sinh của Tâm không thống nhất. Ngày 17-7-2009, bà Lệ khai Tâm sinh khoảng giữa năm 1990 (BL143). Tại “Giấy xác nhận” ngày 30-9-2009, bà Lệ khẳng định rằng Tâm sinh vào khoảng tháng 6 năm 1991 (BL42 tập PT). Sau đó, bà Lệ khai lại là Tâm sinh năm 1990 (ngày 06-7-2010, BL01 tập tăng cứu).
Do đó, cần điều tra lại để làm rõ những mâu thuẫn trên, đồng thời cần điều tra để xác định tại thời điểm bà Trương Thị Nga (là mẹ đẻ Tâm) sinh Tâm thì có sinh cùng thời điểm với ai trong cùng xóm, để có căn cứ xác định đúng năm sinh của Huỳnh Quyết Tâm. Cần kiểm tra những sổ đăng ký khai sinh liền kề (số tiến và số lùi) so với sổ đăng ký khai sinh của Huỳnh Quyết Tâm (số 292) để xác minh ngày, tháng, năm làm đăng ký khai sinh cho bị cáo Tâm, trên cơ sở đó xác định rõ ngày, tháng, năm sinh của bị cáo. Ngoài ra, có thể kết hợp với một số biện pháp khác như giám định răng và xương… để góp phần kết luận chính xác tuổi của bị cáo Tâm.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 558/2010/HSPT ngày 10-9-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm số 68/2009/HSST ngày 19-8-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đối với Huỳnh Quyết Tâm để điều tra lại; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thủ tục chung.