Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án "Đòi bồi thường thiệt hại" của ông Nguyễn Văn Hiệp

Chủ đề   RSS   
  • #265514 30/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án "Đòi bồi thường thiệt hại" của ông Nguyễn Văn Hiệp

    Số hiệu

    44/2010/DS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án "Đòi bồi thường thiệt hại" của ông Nguyễn Văn Hiệp

    Ngày ban hành

    03/11/2010

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    ………..

    Ngày 03 tháng 11 năm 2010, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: ông Nguyễn Văn Hiệp sinh năm 1957; trú tại ấp B2, xã Long An huyện Tân Châu, tỉnh An Giang.

    Bị đơn: Thi hành án dân sự tỉnh An Giang; có trụ sở tại số 22/22 đường Thánh Thiên, phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; do ông Lê Thanh Nguyên đại điện (theo văn bản ủy quyền ngày 17-4-2007 của Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh An Giang).

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    1. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- Chi nhánh huyện An Phú; có trụ sở tại 472 Thoại Ngọc Hầu, thị trấn An Phú, huyện An phú, tỉnh An Giang; do bà Hồ Thị Thanh Thủy đại diện (theo Quyết định số 1932/QĐ/NHN ngày 06-12-2005 của Tổng giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).

    2. Ông Mã Chí Minh sinh năm 1941;

    3. Bà Bùi Thị Quan sinh năm 1947;

    Ông Minh và bà Quan đều trú tại ấp 4, thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

    4. Công ty Điện nước tỉnh An Giang, có trụ sở tại 253/13 Trần Hưng Đạo, phương Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, do ông Võ Văn Kiệt đại diện.

    NHẬN THẤY:

    Theo đơn khởi kiện ngày 17-11-2002 và quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hiệp trình bày:

    Tại Công văn số l04/TB và số l05/TB cùng ngày 22-8-1997, số 09/TB ngày 29-1 1-1997 và số 58/TB.TRA ngày 27-6-1998, Phòng Thi hành án dân sự tỉnh An Giang (Phòng Thi hành án) đã “Thông báo bán đấu giá tài sản thi hành án”, là hệ thống sản xuất nước đá, nhà xưởng và nền đất có diện tích l098,84m2 của ông Mã Chí Minh, để buộc ông Minh thi hành nghĩa vụ trả tiền theo bản án kinh tế sơ thẩm số 07/KTST ngày 20-11-1995 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang và bản án kinh tế phúc thẩm số 13/KTPT ngày 31-5-1997 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã đăng ký mua nhà máy sản xuất nước đá này.

    Tại Quyết định số 517/THA ngày 25-10-1999, Phòng Thi hành án đã bán cho ông tài sản gồm: Hệ thống sản xuất nước đá, nhà xưởng và nền rất có diện tích 1098,84m2 với giá 856.167. 000 đồng. Ông đã nộp cho cơ quan Thi hành án 511 .490.000 đồng thay cho ông Minh (để thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo các bản án kinh tế nêu trên). Ngoài ra, ông còn trả cho ông Minh 90.000.000 đồng.

    Thủ tục mua bán nhà máy xong, ông đã đầu tư khoảng 200.000.000 đồng để sửa chữa nhà máy rồi xin phép hoạt động nhưng chính quyền không cho phép vì nhà máy thuộc quy hoạch khu dân cư. Đến thời điểm này ông mới biết rằng: trước khi Phòng Thi hành án bán nhà máy cho ông thì ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã thu hồi con dấu và giấy phép hoạt động của Doanh nghiệp tư nhân Hòa Phong (chủ doanh nghiệp là ông Mã Chí Minh). Ông mua nhà máy này để sản xuất nước đá nhưng nhà máy không được phép hoạt động nên ông đã có đơn khiếu nại. Vụ việc được các cơ quan giải quyết và ông thống nhất là nhận lại tiền đã bỏ ra mua nhà máy và trả lại tài sản đã mua.

    Tại Quyết đa số 352/QĐ.THA ngày 30-5-2000, Phòng Thi hành án thu hồi Quyết định số 517/THA ngày 25-10-1999 và thu hồi lại số tiền mà các đơn vị được thi hành án đã nhận để hoàn trả cho ông Hiệp, nhưng đến nay Phòng Thi hành án mới hoàn trả lại cho ông 61.490.000 đồng (bao gồm 42.590.000 đồng do Công ty điện nước tỉnh An Giang trả lại và 18.900.000 đồng tiền án phí do Phòng thi hành án trả) .

    Vì lý do trên ông khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Phòng Thi hành án trả lại 450.000.000 đồng và lãi; yêu cầu ông Mã Chí Minh phải trả cho ông 90.000.000 đồng và lãi; yêu cầu Phòng Thi hành án bồi thường 200.000.000 đồng mà ông đã đầu tư sửa chữa nhà máy).

    Bị đơn là Phòng thi hành án dân sự tỉnh An Giang (do ông Lê Thanh Nguyên đại diện theo ủy quyền) trình bày:

    Do ông Mã Chí Minh không tự nguyện thi hành theo quyết định của hai bản án kinh tế nêu trên, Phòng Thi hành án đã ra Quyết định cưỡng chế thi hành án, kê biên, định giá hệ thống sản xuất nước đá, nhà xưởng và nền đất của ông Minh, nhiều lần ra thông báo bán đấu giá tài sản thi hành án, nhưng vẫn không có người mua. Ông Minh giới thiệu người mua là ông Nguyễn Văn Hiệp. Ông Hiệp có đơn xin mua tài sản trên cơ sở đã thoả thuận trước đó với ông Minh (theo Hợp đồng mua bán nhà máy nước đá ngày 17-l0-1999).

    Tại Quyết định số 517/THA ngày 25-10-1999, Phòng Thi hành án bán cho ông Hiệp hệ thống sản xuất nước đá, nhà xưởng và nền đất có diện tích l098,84m2 với giá 856.167.000 đồng. Ông Minh và ông Hiệp đã giao nhận nhà máy cho nhau (có sự chứng kiến của đại diện cơ quan Thi hành án). Ông Hiệp đã nộp cho Phòng Thi hành án 511 .490.000 đồng, Phòng Thi hành án đã chi trả số tiền này cho các khoản (ông Minh phải thi hành án) gồm: giao cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện An Phú 450.000.000 đồng, giao cho Công ty Điện nước tỉnh An Giang 42.590.000 đồng, nộp án phí 18.900.000 đồng.

    Sau khi mua, ông Hiệp đã sửa chữa nhà máy và xin phép cho nhà máy hoạt động, nhưng nhà máy nằm trong quy hoạch khu dân cư, nên chính quyền địa phương không cho phép nhà máy hoạt động. Ông Hiệp đã có đơn khiếu nại. Để giải quyết khiếu nại của ông Hiệp, ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã chỉ đạo Phòng Thi hành án giải quyết theo ba phương án, trong đó có phương án trả lại cho ông Hiệp số tiền bỏ ra mua tài sản và tính lãi suất nếu ông Hiệp yêu cầu. Ông Hiệp đã lựa chọn phương án nhận lại tiền đã bỏ ra mua tài sản, yêu cầu tính lãi và trả lại tài sản. Tại Quyết định số352/QĐ-THA ngày 30-5-2000, Phòng Thi hành án thu hồi Quyết định bán tài sản nêu trên và thu hồi số tiền mà các đơn vị được thi hành án đã nhận để hoàn trả lại cho ông Hiệp. Phòng Thi hành án đã trả lại cho ông Hiệp 61.490.000đồng (18.900.000 đồng tiền án phí do cơ quan Thi hành án trả và 42.590.000 đồng do công ty Điện nước tỉnh An Giang trả lại); còn Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện An Phú từ chối trả lại 450.000.000 đồng.

    Phòng Thi hành án không có lỗi trong việc nhà máy không được phép hoạt động và việc thu hồi lại Quyết định bán tài sản nêu trên. Yêu cầu Toà án giải quyết theo pháp luật.

    Người có quyền lợi nghiã vụ liên quan là ông Mã Chí Minh trình bày: Doanh nghiệp tư nhân Hòa Phong do ông làm chủ đã bị phá sán, nên giấy phép thành lập và con đấu của Doanh nghiệp bị thu hồi. Cơ quan thi hành án đã phát mãi nhà máy sản xuất nước đá của ông để buộc ông thi hành hai bản án kinh tế đã có hiệu lực pháp luật nêu trên. Ông Hiệp là người mua nhà máy. Ông Hiệp đã trả tiền cho Phòng Thi hành án và đưa cho ông 90.000.000đồng, ông Hiệp còn nợ ông 240.000.000 đồng. Trước khi Phòng Thi hành án phát mãi nhà máy thì ủy ban nhân dân tỉnh An Giang không cho phép nhà máy hoạt động tại ấp 4, thị trấn An Phú nữa. Việc ông Hiệp mua nhà máy sản xuất nước đá là hợp pháp. Phòng Thi hành án thu hồi lại quyết định bán tài sản nêu trên là sai. Tại Công văn số07/TP-THA ngày 05-01-2001, Cục quản lý thi hành án dân sự Bộ Tư pháp cũng xác định việc Phòng Thi hành án thu hồi quyết định bán tài sản là sai.

    Ông yêu cầu ông Hiệp trả số tiền mua nhà máy còn nợ 240.000.000 đồng và lãi (tại phiên toà phúc thẩm ngày 10-5-2004, ông Minh đồng ý nhận lại nhà máy và trả 450.000.000 đồng cho Ngân hàng; trả lại 90.000.000 đồng cho ông Hiệp; yêu cầu PhòngThi hành án và ông Hiệp bồi cho ông 170.000.000 đồng vì để nhà máy xuống cấp. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12-02-2007, ông Minh đồng ý cho bà Bùi Thị Quan phần đất mà bà Quan đang quản lý, sử dụng).

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- Chi nhánh huyện An Phú (do ông Hứa Văn Phương đại diện) trình bày:

    Phòng Thi hành án phát mãi tài sản của ông Minh để thi hành các bản án kinh tế có hiệu lực nêu trên. Ngày 25-10-1999, ông Hiệp thay ông Minh trả cho Ngân hàng 450.000.000 đồng (gốc và lãi). Sau đó, Ngân hàng nhận được Quyết định số352/QĐ-THA ngày 30-5-2000 của phòng Thi hành án thu hồi quyết định bán tài sản nêu trên và yêu cầu Ngân hàng hoàn lại số tiền đã nhận để hoàn trả lại cho ông Hiệp. Tuy nhiên, theo Công văn số07/TP-THA ngày 05-01-2001 của Cục quan lý thi hành án dân sự Bộ Tư pháp thì Phòng Thi hành án bán tài sản của ông Minh là đúng. Hơn nữa, Ngân hàng đã quyết toán năm tài chính xong và số tiền này đã được chuyển về Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, nên không đồng ý trả cho ông Hiệp số tiền nêu trên. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty tiện nước tỉnh An Giang yêu cầu ông Mã Chí Minh trả cho Công ty 42.590.000 đồng và không yêu cầu tính lãi

    Người có quyền lơị, nghĩa vụ liên quan là bà Bùi Thị Quan trình bày: Gia đình bà đang ở trên 88m2 đất phía sau nhà máy sản xuất nước đá; bà yêu cầu được tiếp tục sử dụng phần đất này .

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 52/DSST ngày 27-11-2003, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:

    - Buộc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Phú phải trả cho ông Nguyễn Văn Hiệp số tiền 637. 680. 000 đồng.

    - Buộc ông Mã Chí Minh phải hoàn trả lại cho ông Nguyên Văn Hiệp số tiền 90.000.000 đồng.

    - Ông Nguyễn Văn Hiệp được di dời 02 máy nổ hiệu Đông Phong 12 do Trung Quốc sản xuất loại 12 máy và hiệu SKODA do Tiệp Khắc sản xuất loại 06 máy ra khỏi nhà máy nước đá; và bàn giao trả lại nhà máy nước đá cho ông Mã Chí Minh theo biên bản bàn giao ngày 02-11-1999 khi án có hiệu lực pháp luật.

    - Công nhận sự tự nguyện cha ông Nguyễn Văn Hiệp không yêu cầu ông Mã Chí Minh hoàn lại 200. 000. 000 đồng (Hai trăm triệu đồng) mà ông Hiệp vã bỏ ra để sửa chữa nhà máy.

    Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

    Ngày 09-12-2003 ông Mã Chí Minh kháng cáo và yêu cầu xem xét một trong hai phương án sau đây: Nếu việc phát mãi nêu trên là đúng thì ông Hiệp trả lại cho ông 240.000.000 đồng còn thiếu; nếu phát mãi sai thì Phòng thi hành án và ông Hiệp phải liên đới bồi thường cho ông do để Nhà máy bị xuống cấp .

    Ngày 04-12-2003 Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn - chi nhánh huyện An Phú kháng cáo có nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm buộc Ngân hàng trả lại tiền gốc và lãi cho ông Hiệp và phải chịu án phí là không đúng.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 153/2004/DSPT ngày 10-5-2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    - Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ của Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Phú và ông Mã Chí Minh.

    - Về nội dung:

    1. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 52/DSST ngày 27-1l-2003 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.

    2. Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh An Giang để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2007/DSST ngày 12-02-2007, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định:

    Áp dụng các điều 419, 623 và 624 Bộ luật dân sự năm 1995, Điều 34, khoản 1 Điều 131, các điều 141, 142 và 245 Bộ luật Tố tụng dân sự.

    Xử: chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Hiệp đòi Thi hành án dân sự tỉnh An Giang bồi thường thiệt hại do Quyết định thu hồi việc bán tài sản.

    Giao tài sản nền đất nhà máy nước đá tọa lạc tại ấp 4, thị trấn An Phú, huyện An Phú cho ông Mã Chí Minh được trọn quyền sử dụng diện tích theo hồ sơ kỹ thuật thửa đất số 04/AP/2006 và số 7/AP/2006 do Phòng Tài nguyên và Môi đường huyện An Phú lập và số 17/AP/2006 do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện An Phú lập kể cả giá trị phần thiết bị nhà xưởng ông Minh dã bán và tháo dỡ.

    Ông Minh có nghiã vụ trả lạị cho ông Nguyễn Văn Hiệp tiền vốn 540. 000. 000 đồng và có nghiã vụ tiếp tục thi hành các bản án kinh tế đã có hiệu lực.

    Công nhận sự tự nguyện của ông Mã Chí Minh nhận tài sản nhà máy nhưng không yêu cầu bồi thường thiệt hại do thiết bị nhà máy bị xuống cấp và hỗ trợ cho Thi hành án tỉnh An Giang số tiền 100. 000. 000đ để bồi thường cho ông Hiệp.

    Công nhận sự tự nguyện của ông Minh cho đứt bà Bùi Thị Quan diện ích đất bà Quan đang sử dụng (theo hồ sơ kỹ thuật thửa đất số 28/AP/2000 do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện An Phú lập ngày 13/11/20006).

    Thi hành án dân sự tỉnh An Giang phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Hiệp 460.476.784 đồng.

    Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

    Ngày 26-02-2007, Thi hành án dân sự tỉnh An Giang kháng cáo có nội dung: Quyết định của bản án sơ thẩm có nhiều điểm chưa phù hợp gây thiệt thòi cho cơ quan thi hành án.

    Ngày 02-3-2007, ông Mã Chí Minh kháng cáo có nội dung: không đồng ý hỗ trợ 100.000.000 đồng cho Phòng Thi hành án; yêu cầu ông Hiệp bồi thường cho ông 170.000.000 đồng do làm thiệt hại, hư hỏng thiết bị nhà máy của ông.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 189/2007/DSPT ngày 22-6-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Áp dụng khoản 2, 3 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự. Sửa một phần bản án sơ thẩm và huỷ một phần bản án sơ thẩm.

    1. Buộc ông Mã Chí Minh hoàn trả cho ông Nguyễn Văn Hiệp 540.000. 000 đồng và tiền lãi 4 72. 650. 000 đồng.

    2. Hủy một phần bản án sơ thẩm về việc ghi nhận ông Mã Chí Minh hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự tỉnh An Giang 100. 000. 000đồng.

    3. Huỷ một phần bản án sơ thẩm liên quan đến nền đất, nhà máy nước đá tại ấp 4, thị trấn An Phú, huyện án An Phú... giao cho ông Mã Chí Minh .Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh An Giang để điều tra thiệt hại tài sản của ông Mã Chí Minh, thiệt hại tài sản của ông Nguyễn Văn Hiệp để giải quyết lại trình tự sơ thẩm theo quy định chung.

    Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

    Ông Mã Chí Minh có đơn khiếu nại bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Công văn03/2007/CV-TA ngày 25-6-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên.

    Tại Quyết định số721/2009/KN-DS ngày 15-12-2009, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 189/2007/DSPT ngày 22-6-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 07/2007/DSST ngày 12-02-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

    Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    XÉT THẤY:

    Do ông Mã Chí Minh không tự nguyện thi hành bản án kinh tế sơ thẩm số07/KT-ST ngày 20-11-1995 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang (đã có hiệu lực) và bản án kinh tế phúc thẩm số13/KT-PT ngày 31-5-1997 của Tỏa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về việc trả tiền cho Công ty Điện được tỉnh An Giang và ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn- Chi nhánh huyện An Phú, nên Phong Thi hành án dân sự tỉnh An Giang đã cưỡng chế thi hành án đối với ông Minh bằng biện pháp kê biên, định giá và phát mãi hệ thống sản xuất nước đá, nhà xưởng và nền rất có diện tích 1098,84m2 (của ông Minh) tại ấp 4, thị dân An Phú, huyện An Phú. Ông Nguyễn Văn Hiệp mua tài sản này để sản xuất nước đá, nhưng nhà máy thuộc quy hoạch khu dân cư, nên chính quyền địa phương không cho phép nhà máy hoạt động. Ông Hiệp đã có đơn khiếu nại. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã đưa ra ba phương án giải quyết khiếu nại của ông Hiệp, trong đó có phương án ông Hiệp trả lại tài sản đã mua và nhận lại tiền và lãi. Ông Hiệp đã chấp nhận phương án trả lại tài sản và nhận lại tiền và lãi, nhưng cơ quan Thi hành án mới giao lại cho ông Hiệp 61 .490.000 đồng, nên phát sinh tranh chấp.

    Xét về lỗi: Phòng Thi hành án dân sự tỉnh An Giang đã kê biên, định giá và phát mãi tài sản nêu trên của ông Mã Chí Minh. Thực tế, nhà máy sản xuất nước đá nằm trong quy hoạch khu dân cư, nên chính quyền không cho phép hoạt động từ trước khi cơ quan Thi hành án phát mãi tài sản này để đảm bảo thi hành án; mặt khác, trên phần khuôn viên đất nhà máy, bà Bùi Thị Quan đã làm nhà ở và đang quản lý, sử dụng một phần đất (khi giải quyết vụ án này, bà Quan yêu cầu được tiếp tục sử dụng phần đất mà bà đang quản lý, sử dụng; còn ông Minh thì trình bày: nếu ông được nhận lại nhà máy này thì ông cho bà Quan phần đất mà bà Quan đang sử dụng). Như vậy, cơ quan Thi hành án khi tiến hành kê biên,định giá và bán tài sản này cho ông Hiệp đã không xác minh về tình trạng thực tế của tài sản không thông báo với ông Hiệp các thông tin về tài sản nêu trên, nên có phần lỗi.

    Ông Mã Chí Minh có nghĩa vụ trả tiền theo quyết định của hai bản án kinh tế (đã có hiệu lực pháp luật) nêu trên. Ông Minh không tự nguyện thi hành án, nên Phòng Thi hành án đã kê biên, định giá và thông báo bán đấu giá tài sản của ông Minh nhiều lần, nhưng không bán được. Trước khi phát mãi tài sản này, ông Minh đã đồng ý cho bà Bùi Thị Quan làm nhà và ở trên một phần đất thuộc khuôn viên nhà máy; hơn nữa ông Minh đã biết chính quyền địa phương không cho phép nhà máy hoạt động tại ấp 4, thị trấn An Phú, nhưng vẫn tìm người mua tài sản này là ông Nguyễn Văn Hiệp và ký hợp đồng mua bán nhà máy nước đá với ông Hiệp ngày 17-10-1999. Ông Mã Chí Minh không thông báo cho ông Hiệp biết các vấn đề nêu trên nên ông Minh có phần lỗi.

    Ông Nguyễn Văn Hiệp mua hệ thống sản xuất nước đá, nhà xưởng và nền đất của ông Minh (mua tài sản đo Phòng Thi hành án phát mãi). Khi mua tài sản này, ông Hiệp không được ông Mã Chí Minh và Phòng Thi hành án thông báo về việc bà Bùi Thị Quan đang có nhà ở trên một phần đất thuộc khuôn viên nhà máy và chính quyền địa phương không cho nhà máy sản xuất nước đá hoạt động tại ấp 4, thị trấn An Phú. Ông Hiệp đã có đơn khiếu nại. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đưa ra ba phương án và ông Hiệp đã lựa chọn phương án trả lại tài sản nêu trên để nhận lại tiền và lãi. Như vậy, ông Hiệp mua tài sản thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Phòng Thi hành án), nên ông Hiệp không có lỗi và không phải bồi thường thiệt hại .

    Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định lỗi và trách nệm bồi thường thiệt hạn đều chưa chính xác. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định “Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tỉnh An Giang để điều tra thiệt hại tài sản của ông Mã Chí Minh, thiệt hại tài sản của ông Nguyễn Văn Hiệp để giải quyết lại trình tự sơ thẩm theo quy định chung” là chưa giải quyết triệt để vụ án

    Do đó, cần giải quyết lại vụ án trên cơ sở xem xét toàn diện các vấn đề của vụ án, xác định chính xác thiệt hại, mức độ lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Phòng Thi hành án dân sự tỉnh An Giang và ông Mã Chí Minh xem xét, giải quyết phần đất mà bà Bùi Thị Quan đã cất nhà và đang quản lý, sử dụng nêu trên theo quy định của pháp luật.

    Bởi các lẽ trên,

    Căn cứ vào khoản 3 Điều 291 và khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 189/2007/DSPT ngày 22-6-2007 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 12-02-2007 của Toà án nhân dân tỉnh An Giang về vụ án đòi bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hiệp với bị đơn là Thi hành án dân sự tỉnh An Giang; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- Chi nhánh huyện An Phú, ông Mã Chí Minh, bà Bùi Thị Quan và Công ty điện nước tỉnh An Giang.

     Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

     

     
    5074 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận